Giá mía Sóc Trăng xuống thấp, nông dân điêu đứng
Rẫy mía 13 công đã đến ngày thu hoạch nhưng anh Trần Vũ Lang ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung vẫn chưa dám bán do giá hiện nay quá thấp. Anh Lang cho biết, hiện tại nếu bán tại rẫy chỉ được 200-300 đồng/kg, mỗi công có thể lỗ đến 2 triệu đồng: “Năm nay lại lỗ, tại vì giá mía quá rẻ, tiền công thì mắc. Nếu giá mía không lên, người dân còn lỗ nữa, mà lỗ nữa thì sẽ không còn ai trồng mía nữa”.
Nỗi lo của anh Lang cũng là nỗi lo chung của các hộ trồng mía ở huyện Cù Lao Dung, bởi hiện nay, với 10 chữ đường, mía nguyên liệu được nhà máy thu mua giá 800 đồng/kg. Còn thương lái mua tại rẫy có giá rất thấp, chỉ từ 200-300 đồng/kg, với giá này, nông dân chắc chắn lỗ nặng.
Chăm sóc cây mía chuẩn bị thu hoạch |
Với việc giá mía nguyên liệu xuống thấp trong nhiều năm nay, các hộ trồng mía có vị trí gần mặt đường lớn hay giáp kênh rạch đã chuyển sang trồng loại giống mía bán ép lấy nước giải khát. Việc này phần nào giúp tăng thu nhập cho người nông dân so với việc bán mía nguyên liệu cho nhà máy.
Ông Lê Văn Dạn, người trồng mía ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung sau nhiều năm trồng mía nguyên liệu thất thu đã chuyển phần lớn diện tích từ mía nguyên liệu bán cho nhà máy đường sang trồng mía ép lấy nước giải khát. Theo ông Dạn, nhờ trồng giống mía ép nước mà năm nay có thể kiếm lời 7-8 triệu đồng/công, thay vì trồng mía nguyên liệu mỗi công lỗ tới 2 triệu đồng.
Người trồng mía huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có nguy cơ lỗ nặng vì giá thấp |
“Tới đây, nhiều nông dân trồng mía Cù Lao Dung cũng nản, không ai muốn trồng mía, phải chọn phương hướng khác để sống. Thời gian trồng tới 12 tháng mới thu hoạch, nhưng một công bán được có mấy triệu đồng làm sao có lời?”, ông Dạn cho hay.
Trồng mía ép làm nước giải khát lợi nhuận khá hơn là vậy, nhưng diện tích để có thể trồng loại mía này không nhiều, chỉ được vài hecta. Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết, với tình hình giá mía như hiện nay về lâu dài sẽ rất khó khăn cho người trồng mía.
Để giải quyết vấn đề này, trong những năm qua, huyện Cù Lao Dung đã chủ trương chuyển đổi nhiều diện tích cây mía sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế hơn. Trong năm 2018, huyện đã chuyển đổi được hơn 950 hecta mía sang cây trồng khác và năm 2019 dự kiến sẽ chuyển tiếp 1.100 hecta.
Mía rớt giá, thương lái đến thu mua cũng khó khăn |
“Huyện cũng định hướng là sẽ chuyển đổi diện tích cây mía này. Trong đó, đối với những diện tích trồng được mía nước thì huyện sẽ giữ lại diện tích mía lấy nước và tiếp tục mở rộng hoặc cho người dân chọn những giống mía vừa bán mía nước vừa bán mía nguyên liệu được. Còn đối với những diện tích ở xa đường vận chuyển, mà người dân có điều kiện chuyển đổi, như là chuyển đổi sang cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, cây màu, thì các đối tượng này huyện đều đã thực hiện các mô hình”, ông Nguyễn Văn Đắc cho biết thêm.
Dù chủ trương chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác đã được huyện Cù Lao Dung thực hiện để giảm áp lực cho cây mía, tuy nhiên, diện tích trồng mía trong niên vụ này của Cù Lao Dung vẫn còn khá lớn, với trên 5.000 hecta. Với giá mía như hiện nay, thì những người trồng mía ở Cù Lao Dung đang đối mặt với nguy cơ lỗ nặng.