Thấy gì sau cái bắt tay giữa Thế Giới Di Động và cầm đồ F88?
Thế Giới Di Động và F88 vừa công bố hợp tác để triển khai dịch vụ cho vay tiêu dùng và cho vay mua hàng tại mỗi điểm bán của Thế Giới Di Động. Trong giai đoạn đầu sẽ tập trung vào cho vay tiêu dùng.
Trong đó, Thế Giới Di Động cho phép F88 mở quầy dịch vụ bên trong mỗi điểm bán hàng. F88 sẽ đảm nhận vai trò cung cấp dịch vụ cho vay, duyệt hồ sơ,… Khách hàng vay tiền ở F88 không cần mua hàng ở Thế Giới Di Động.
F88 được gì khi cộng tác với Thế Giới Di Động?
Việc hợp tác đến từ độ phủ rộng khắp với gần 5.000 điểm bán lẻ của Thế Giới Di Động tính đến ngày 31/10, cùng với các dịch vụ cho vay cầm cố có sẵn của F88 được coi như làn gió mới trên sân chơi tài chính tại Việt Nam.
Theo Ngân hàng nhà nước, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so cuối năm 2020. Tuy nhiên, không phải người nào cũng có điều kiện tìm tới các tổ chức tài chính được cấp phép để vay nợ như ngân hàng hay các công ty tài chính.
Còn theo báo cáo từ F88, hiện có 40 triệu - 50 triệu người tiêu dùng dưới chuẩn ngân hàng, thậm chí họ không có tài khoản ngân hàng, nếu có thì họ cũng không có lịch sử tín dụng để vay ở các tổ chức tài chính và phải tìm đến các hình thức vay thứ cấp như "tín dụng đen".
Do đó, các dịch vụ tài chính của F88 như vay tiêu dùng, vay mua hàng,… trở thành sự hỗ trợ cho nhiều người. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, dù là kênh cho vay cầm cố có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, song F88 mới có được 500 điểm giao dịch trên toàn quốc. Con số được đánh giá là khá thấp so với nhu cầu thực tế của người dân.
Vì vậy, khi bắt tay với Thế Giới Di Động để phát triển quầy giao dịch trong mỗi cửa hàng, F88 sẽ tận dụng được rất nhiều lợi thế để cung cấp dịch vụ tận nơi cho người cần. Đầu tiên phải nói đến hệ thống rộng khắp, mặt bằng đẹp sẵn có của Thế Giới Di Động. F88 có thể dễ dàng triển khai các dịch vụ của mình một cách thuận tiện đến khách hàng mà không phải tốn quá nhiều chi phí để mở điểm giao dịch.
Thứ hai, khi tích hợp vào Thế Giới Di Động, F88 sẽ tận dụng được nguồn khách hàng và lưu lượng khách ghé mua hàng khổng lồ sẵn có. Chi phí cho quảng cáo, marketing cũng sẽ được giảm bớt để phục vụ cho các hoạt động đầu tư nâng cao trải nghiệm dịch vụ.
Bên cạnh đó, theo thông tin công bố, khi khách hàng đến giao dịch tại các quầy của F88 đặt trong cửa hàng Thế Giới Di Động sẽ được hỗ trợ tiền mặt ngay lập tức từ Thế Giới Di Động hoặc chuyển khoản từ F88. Điều này sẽ cung cấp trải nghiệm vay tiền đơn giản với thời gian giải ngân chỉ trong 15 phút theo đơn vị này công bố.
Có thể thấy, việc "đứng trên vai người khổng lồ" là Thế Giới Di Động không những giúp F88 đi nhanh hơn về mặt phát triển số lượng điểm giao dịch mà còn giúp nền tảng này nâng cao trải nghiệm dịch vụ, đem tới lượng khách hàng tự nhiên nhiều hơn so với những gì hãng có thể làm nếu chỉ "đi một mình".
Tích hợp nhiều dịch vụ trong một điểm đến
Không chỉ F88 tìm thấy lợi ích, trong việc hợp tác này, Thế Giới Di Động cũng sẽ có khả năng mở rộng được các dịch vụ cung cấp tới khách hàng của mình trong bối cảnh hình thức tích hợp nhiều dịch vụ trong một điểm bán đang trở thành xu hướng bán lẻ tại Việt Nam.
Việc tích hợp nhiều dịch vụ vào một điểm bán nhằm đem lại trải nghiệm xuyên suốt cho khách hàng không còn là điều mới lạ. Trước đó, hàng loạt thương hiệu như Phúc Long, The Coffee House, Vua Cua, Passio… cũng đã thực hiện chiến lược này.
Ngay bản thân ông lớn Thế Giới Di Động cũng đã từng theo đuổi khi tích hợp cửa hàng Điện Máy Xanh vào chuỗi Thế Giới Di Động hay bán xe đạp kèm hàng điện máy, đến Thế Giới Di Động để thanh toán hóa đơn điện nước, nạp thẻ… Tất cả đều giúp doanh nghiệp xây dựng được hệ sinh thái với tệp khách hàng thân thiết.
Ngoài ra, việc chia sẻ mặt bằng cũng giúp các đơn vị như Thế Giới Di Động hay F88 chia sẻ chi phí đầu tư thấp hơn, đặc biệt phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lâu dài, các điểm kinh doanh đã mở trở lại song công suất chưa phục hồi.
Cuối cùng, cửa hàng tích hợp sau tác động của đại dịch đang trở thành xu thế phát triển của nhiều thương hiệu bán lẻ. Thực tế, sự chuyển đổi này sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa doanh thu bằng cách "năng nhặt chặt bị", tận dụng nguồn khách hàng của nhau trong khi các doanh nghiệp nhỏ có thể dựa vào các hệ thống lớn để len lỏi các con phố, khu dân cư, … có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhanh chóng.