Hé lộ phần vốn góp của Thế Giới Di Động tại liên doanh điện máy ở Indonesia
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Thế Giới Di Động, mã: MWG) cho thấy, ngày 22/4, công ty đã góp vốn vào PT Era Blue Elektronik theo nghị quyết của HĐQT ngày 28/12/2021. Hoạt động chính của PT Era Blue Elektronik là kinh doanh bán lẻ thiết bị di động, thiết bị điện máy, đồ dùng gia đình và các thiết bị, máy móc khác tại Indonesia.
Cũng theo báo cáo này cho biết, Thế Giới Di Động đã đầu tư 181 tỷ đồng để nắm giữ 45% cổ phần tại liên doanh này. Đây là liên doanh được thành lập bởi công ty Việt Nam và PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của tập đoàn Erajaya.
Trước đấy, trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, khi nói về phần trăm vốn góp, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động đã nói rằng: “Trong ký kết hợp tác không cho phép tôi tiết lộ về phần trăm vốn góp của mỗi bên, nhưng bạn cứ tưởng tượng liên doanh nghiệp hai doanh nghiệp dẫn đầu thị trường hai nước, ngang tài ngang sức hay kẻ tám lạng người nửa cân thì không thể chênh lệch quá nhiều, thậm chí có thể là 50 - 50”.
Nói về lý do chọn Erafone, ông Nguyễn Đức Tài, cho biết: “Không phải tự dưng mà chúng tôi chọn tập đoàn Erajaya cùng công ty con PT Erafone Artha Retainlindo để hợp tác làm ăn. Chúng tôi đã cân nhắc rất cẩn thận rồi mới chọn Erajaya.
Đầu tiên, Erajaya – Erafone có 1.200 cửa hàng khắp Indonesia và tiềm lực ở tất cả mọi mặt đều rất mạnh mẽ. Thứ hai, họ là một doanh nghiệp đã lên sàn, minh bạch – liêm chính và có uy tín thương hiệu”.
Thời gian đầu tiên, cửa hàng điện máy của Thế Giới Di Động sẽ tập trung ở một số thành phố lớn của Indonesia. Mục tiêu 5 năm, Thế Giới Di Động sẽ mở một số lượng nhất định. Dù chưa thể tiết lộ về tên gọi cũng như kế hoạch cụ thể, ông Tài cho biết có thể không chỉ là mục tiêu về quy mô cửa hàng, doanh thu… Thế Giới Di Động còn có cả chiến lược lên sàn.
Mục tiêu 4 tỷ USD doanh thu/năm
Chia sẻ cụ thể về liên doanh mới này, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) cho biết mục tiêu của Era Blue là nắm thị phần từ 20% đến 40% và IPO công ty sau 5 năm.
Khi đó, "doanh thu ước tính 2-4 tỷ USD cho Era Blue mỗi năm. Nếu làm được như vậy, lợi nhuận đóng góp từ liên doanh này sẽ giúp CTCP Thế Giới Di Động (đơn vị vận hành chuỗi TGDĐ và ĐMX) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm nữa”.
Theo ông Hiểu Em, Era Blue sẽ hoạt động như một mô hình bán lẻ điện máy, tương tự Điện Máy Xanh tại xứ vạn đảo.
Thị trường sản phẩm công nghệ thông tin và điện máy ở Indonesia hiện đạt giá trị ước tính khoảng 14 tỷ USD. Trong đó, tổng giá trị tiêu thụ riêng điện thoại là hơn 9 tỷ USD, gần gấp đôi so với Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với các mặt hàng công nghệ thông tin và thiết bị văn phòng tại đây giá trị tiêu thụ chỉ xấp xỉ 2 tỷ USD. Như vậy, thực tế thị trường điện máy ở Indonesia ước tính chỉ bằng 70%-75% so với Việt Nam - con số quá nhỏ so với tiềm năng của thị trường khi quy mô dân số và GDP gấp 3 lần Việt Nam.
“Ở Việt Nam, tổng giá trị tiêu thụ điện thoại và điện máy khá đồng đều. Như vậy, quy mô hợp lý của thị trường điện máy Indonesia cũng phải tương đương con số 7 - 8 tỷ USD”, ông Hiểu Em cho biết, đồng thời ước tính với sự có mặt của Era Blue, thị trường có thể tăng trưởng gấp 2 – 3 lần trong 5 năm tới.
Theo Market Research, thị trường bán lẻ điện máy Indonsia đạt tổng doanh thu 19,8 tỷ USD vào năm 2020, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm là 8,3% trong giai đoạn 2016 – 2020. Cũng trong giai đoạn này, sản lượng tiêu thụ trên thị trường tăng với tốc độ CAGR 2,9%.
Có thể thấy, lãnh đạo Thế Giới Di Động đặt nhiều kỳ vọng vào liên doanh mới này, nhất là sau những gì đã đạt được tại thị trường Campuchia và thị trường điện máy trong nước đã bão hoà.