|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thế Giới Di Động đang nhận bao nhiêu tiền chiết khấu từ Samsung, Apple?

12:55 | 10/11/2022
Chia sẻ
Theo Thế Giới Di Động, danh mục phải thu từ các nhà cung cấp bao gồm phần lớn là các khoản chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán và bảo vệ giá.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Thế Giới Di Động, mã: MWG) cho thấy tại thời điểm 30/9/2022, công ty phải thu ngắn từ các nhà cung cấp 2.847 tỷ đồng. Trong đó, phải thu từ Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên là lớn nhất với 350 tỷ đồng, tăng 14 lần so với cuối năm ngoái.

Khoản phải thu từ Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng cũng tăng gần hai lần so với ngày 31/12/2021, lên 208 tỷ đồng. Phải thu từ Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex tăng gần 4 lần lên 178 tỷ đồng.

Theo Thế Giới Di Động, danh mục phải thu từ các nhà cung cấp bao gồm phần lớn là các khoản chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán và bảo vệ giá.

 

Ngược lại, tại ngày 30/9, Thế Giới Di Động cũng đang phải trả người bán ngắn hạn hơn 9.800 tỷ đồng, giảm gần 20% so với 12.200 tỷ đồng tại cuối năm ngoái. Trong đó, dư nợ của Samsung là lớn nhất, xấp xỉ 843 tỷ đồng so với gần 691 tỷ đồng cuối năm ngoái.

Dư nợ của Công ty TNHH Panasonic đứng thứ hai với gần 479 tỷ đồng, tiếp sau là CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã: DGW) có dư nợ 460 tỷ đồng. Trong khi dư nợ của Công ty TNHH Apple Việt Nam tại 30/9 đã giảm một nửa so với cuối năm ngoái, còn gần 249 tỷ đồng. Tiếp sau là Sony với 123 tỷ đồng và LG là 117 tỷ đồng.

Khái niệm người bán ở đây được hiểu là những đơn vị cung cấp sản phẩm công nghệ, thiết bị điện máy, điện tử, đồ gia dụng,… cho hệ thống bán lẻ của Thế Giới Di Động.

Nhìn vào số liệu trên có thể thấy thị trường bán lẻ điện thoại thông minh dường như đang chậm lại, khi các đơn vị cung cấp smartphone lớn như Apple, Digiworld,… đều giảm dư nợ, trừ Samsung tăng 152 tỷ đồng so với ngày cuối năm 2021.

Tạm dừng mở cửa hàng ở tất cả các chuỗi

Trong báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, lãnh đạo Thế Giới Di Động đã đưa ra các kịch bản của thị trường và các biến động bất lợi có thể có trong ngành nghề mà công ty đang hoạt động gồm tác động của lạm phát đến sức mua của người tiêu dùng (đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu) và chi phí đầu vào và chi phí tài chính tăng cùng với rủi ro chuỗi cung ứng, rủi ro tỷ giá.

Do vậy, trong quý IV, công ty sẽ tạm dừng mở mới cửa hàng ở tất cả các chuỗi (ngoại trừ một số ít cửa hàng thử nghiệm hoặc các cửa hàng mang lại lợi nhuận ngay). Đồng thời, rà soát, cắt bỏ mọi thứ không hiệu quả, tiếp tục tối ưu vận hành, kiểm soát chặt hàng tồn kho ở tất cả các chuỗi.

Ban lãnh đạo cũng dự kiến nỗ lực để tăng trưởng dương năm 2022 và trên hết là bảo vệ dòng tiền hoạt động. 

9 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động đạt tổng doanh thu thuần 102.816 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.483 tỷ; tăng lần lượt 18% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. So với mục tiêu 140.000 tỷ doanh thu và 6.350 tỷ lợi nhuận sau thuế, MWG đã thực hiện được 73% chỉ tiêu doanh thu và đạt 55% con số lợi nhuận năm sau ba quý.

9 tháng, chuỗi Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh đóng góp lần lượt 27.000 và 54.000 tỷ, chiếm 79% tổng doanh thu của công ty. Chuỗi Bách Hoá Xanh mang về xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, tương đương 19,4% tổng doanh thu của MWG và giảm 12% so với ba quý đầu năm 2021. Phần còn lại đến từ các mảng kinh doanh khác.

Thiên Trường