|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tháo gỡ ách tắc cho hàng trăm dự án: Chính phủ có thể lập đề án thí điểm áp dụng chuyển đổi đất không qua đấu giá

17:04 | 11/01/2022
Chia sẻ
Quốc hội không đồng tình đề xuất cho phép chuyển đổi các loại đất không phải đất ở để xây dựng dự án nhà thương mại không qua đấu thầu, đấu giá. Tuy nhiên, trường hợp cần thiết, Chính phủ xây dựng Đề án thí điểm áp dụng hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Tháo gỡ ách tắc cho hàng trăm dự án: Chính phủ có thể thí điểm áp dụng chuyển đổi đất không qua đấu giá  - Ảnh 1.

Quốc hội không thông qua việc chuyển đổi đất làm nhà thương mại mà không qua đấu giá. (Ảnh minh họa: Khải An).

Chiều 11/1, với 436 trên 466 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 87,37%), Quốc hội thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật nhà ở, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự.

Cụ thể, liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, qua thảo luận, tiếp thu có hai loại ý kiến.

Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị cân nhắc thận trọng việc bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vì cho rằng nội dung này chưa được Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng, có thể dẫn đến làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Loại ý kiến thứ hai tán thành sự cần thiết sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như Chính phủ trình để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng trước mắt chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở để làm rõ và phân định các hình thức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đồng thời không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vì vấn đề này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn và chưa đạt được sự đồng thuận cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, thận trọng. Trường hợp cần thiết, Chính phủ xây dựng Đề án thí điểm áp dụng hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, sớm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngoài ra cần tiến hành tổng kết để xem xét việc luật hóa khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, đã chỉnh lý khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như trong dự thảo Luật.

Trước đó tại buổi thảo luận ngày 10/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại của Luật Nhà ở đã phát sinh những vướng mắc trong một thời gian rất dài từ năm 2014 và theo đó đã được sửa đổi tại Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020.

Nhưng thực chất, theo Bộ trưởng, điều này vẫn chưa giải quyết được những bất cập đang tồn tại, tạo ra những phân biệt đối xử với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc là không có một phần đất ở, dù chỉ là 1m2 thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư, gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực hiện nay và thiếu hụt cung cầu về nhà ở, làm cho giá của nhà ở có phần tăng lên.

Hơn nữa, các quy định nêu trên không thống nhất với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư và quy định về người sử dụng đất được quyền chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 52, 57, 58 của Luật Đất đai.

Theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội thì hiện nay đang còn rất nhiều các dự án thương mại kiểu như thế này đang bị ách tắc, trong đó TP HCM có 150 dự án, Hà Nội còn 102 dự án, Bình Dương có khoảng 40 dự án.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất sửa đổi Điều 75 Luật Đầu tư để cho phép các nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, gồm cả ba loại đất, đó là đất ở; đất ở và các loại đất khác; các loại đất khác mà không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và không phải qua đấu giá, đấu thầu.

Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, tránh lợi dụng chính sách để chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan, nội dung đề xuất sửa đổi của Chính phủ đã quy định loại trừ tất cả các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xác định nghĩa vụ tài chính theo sát giá thị trường, đúng quy định Luật đất đai.

Trước đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (tương ứng sửa đổi Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng, ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.

Điều kiện là các dự án đất này đã được quy hoạch, có trong kế hoạch sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh.

Cùng đó, sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư sang đất ở và thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan. Việc này nhằm đảm bảo tính minh bạch, không thất thoát ngân sách.

Hà Lê