|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đây là thủ phạm gây thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá nhà tăng cao

07:21 | 11/01/2022
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư chưa giải quyết được những bất cập đang tồn tại, gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực và gây thiếu hụt nguồn cung, làm cho giá của nhà ở có phần tăng lên.

Sáng (10/1), Quốc hội thảo luận về dự án một luật sửa 8 luật. Trong đó nội dung sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) nhận được nhiều ý kiến.

Cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết rất chia sẻ với các nhà đầu tư chỉ vì trong diện tích dự án không có m2 nào là đất ở nên không thể triển khai dự án xây dựng nhà ở thương mại theo phương thức Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận dự án đầu tư mà phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án. 

Tuy nhiên, muốn thực hiện đấu giá hay đấu thầu cũng không xong vì đất không thuộc diện Nhà nước thu hồi không thể thu hồi để đấu giá đấu thầu khi đó không thể triển khai các dự án loại này được. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất tại Hà Nội và TP HCM. Đại biểu cho rằng nhìn từ khía cạnh này là rất bất cập, cần sớm được sửa đổi, tháo gỡ.

Song đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, vấn đề ở đây không đơn giản, cần phải được xem xét thấu đáo, đánh giá hết sức kỹ lưỡng những tác động nhất là những tác động tiêu cực.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, dự thảo Luật sửa đổi khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư thực chất là sửa đổi khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở. 

Với việc sửa đổi này đã mở rộng quyền cho các chủ đã sử dụng đất hợp pháp, trước đây là chỉ có đất ở, sau đó đến Luật Đầu tư đã sửa là có một phần đất ở và đến dự thảo Luật này là không cần có đất ở, miễn là có đất hợp pháp. Quy định theo hướng này sẽ giải quyết được việc là nhanh, sẽ công nhận các chủ đầu tư. Tuy nhiên về hậu quả có thể sẽ gây ra tình trạng thất thoát. 

Đại biểu chỉ rõ, vì khi được công nhận chủ đầu tư và được thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì theo Luật Đất đai, người sử dụng đất chỉ cần trả tiền theo quy định của luật hiện nay là lấy giá đất quy định trong bảng giá nhân với hệ số k.

Ví dụ tại Hà Nội hiện nay hệ số K cao nhất là 2,15, bảng giá đất cao nhất là 168 triệu đồng/m2 và như vậy thì dù có chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở giữa Bờ Hồ hoặc là tại TP HCM trên đường Nguyễn Huệ cũng chỉ phải trả tiền đất là hơn 300 triệu đồng/m2. 

"Như vậy, ở đây sẽ tạo ra một sự thất thoát rất lớn về mặt nguồn lực cho Nhà nước. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng việc này phải cân nhắc, nếu như sửa đổi thì phải quy định tính tiền đất theo giá trị thị trường", ông Cường  nói.

Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An kiến nghị trước mắt chỉ sửa đổi, bổ sung để làm rõ và hiểu thống nhất về các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Đồng thời không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án nhà ở thương mại vì vấn đề này cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng. Trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành thí điểm về nội dung này ở một số địa phương trước khi tổng kết, luật hoá khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai sửa đổi,...

Một trong những nguyên nhân khiến giá nhà tăng cao 

Đây là thủ phạm gây thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá nhà tăng cao - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Quốc hội).

Trước những ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại của Luật Nhà ở đã phát sinh những vướng mắc trong một thời gian rất dài từ năm 2014 và theo đó đã được sửa đổi tại Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020. 

Nhưng thực chất, theo Bộ trưởng, điều này vẫn chưa giải quyết được những bất cập đang tồn tại, tạo ra những phân biệt đối xử với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc là không có một phần đất ở, dù chỉ là 1m2 thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư, gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực hiện nay và thiếu hụt cung cầu về nhà ở, làm cho giá của nhà ở có phần tăng lên.

Hơn nữa, các quy định nêu trên không thống nhất với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư và quy định về người sử dụng đất được quyền chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 52, 57, 58 của Luật Đất đai.

Theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội thì hiện nay đang còn rất nhiều các dự án thương mại kiểu như thế này đang bị ách tắc, trong đó TP HCM có 150 dự án, Hà Nội còn 102 dự án, Bình Dương có khoảng 40 dự án.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất sửa đổi Điều 75 Luật Đầu tư để cho phép các nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, gồm cả ba loại đất, đó là đất ở; đất ở và các loại đất khác; các loại đất khác mà không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và không phải qua đấu giá, đấu thầu.

Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, tránh lợi dụng chính sách để chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan, nội dung đề xuất sửa đổi của Chính phủ đã quy định loại trừ tất cả các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xác định nghĩa vụ tài chính theo sát giá thị trường, đúng quy định Luật đất đai.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi phương án sửa đổi của Chính phủ để lấy ý kiến của các địa phương. Tính đến 31/12 vừa qua đã có 21/24 địa phương đồng ý với phương án sửa đổi của Chính phủ. 

Một số địa phương còn đề nghị sửa đổi mạnh mẽ hơn đối với những quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở để tháo gỡ những vướng mắc đối với dự án nhận chuyển nhượng, sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở thương mại.

"Đây là vấn đề rất lớn, rất khó, nếu không xử lý, giải quyết thì sẽ ách tắc và không khơi thông được các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời, nếu không chặt chẽ, không thận trọng thì có thể sẽ gây hậu quả như các đại biểu đã nêu. Nội dung này cũng liên quan đến rất nhiều các luật, chính sách về đất đai, xây dựng, đầu tư cần được nghiên cứu và đánh giá thật cẩn thận trọng và đầy đủ hơn, đảm bảo chặt chẽ và hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Hà Lê