Shark Bình tiết lộ dùng tử vi để chọn startup đầu tư
Ngày 15/1 tại Diễn đàn Shark Tank Forum 2025, các diễn giả và nhà đầu tư tham gia đã tập trung thảo luận các xu hướng đầu tư mới sau "mùa đông gọi vốn". Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech đã chia sẻ một bí quyết mà ông sử dụng trong việc chọn gương mặt nhà lãnh đạo startup để rót tiền.
Ông nhấn mạnh đạo đức của người sáng lập là yếu tố quan trọng hàng đầu. "Người sáng lập có đạo đức, ngay cả khi thất bại, cũng sẽ tìm cách tối ưu để mang lại lợi ích cho đối tác. Ngược lại, những người khôn lỏi sẽ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro," ông chia sẻ.
Nói thêm về trải nghiệm đầu tư của mình, ông chủ NextTech cho biết ngoài yếu tố về nhân tướng - tức ngoại hình, cách ứng xử, ông cũng sử dụng các bộ môn huyền học như tử vi, tướng số, kinh dịch...
"Tôi đầu tư thất bại cũng nhiều. Trong nhiều năm đầu tư vừa qua tôi mất nhiều lắm, và giữa năm vừa rồi tôi có học được một số bộ môn huyền học như tử vi... Đây là những kinh nghiệm được đúng kết từ nghìn năm nay, đến cả vua chúa cũng tin dùng", vị cá mập chia sẻ.
Cùng với cảm nhận và kinh nghiệm của bản thân, Shark Bình hy vọng huyền học sẽ giúp ông "chọn mặt gửi vàng" tốt hơn.
Shark Bình tham gia hội đồng đầu tư Shark Tank Việt Nam từ mùa 3 và trong mùa 7, vị cá mập chốt 11 deal với giá trị đầu tư là 73 tỷ đồng. Ông từng thành công với thương vụ Coolmate, Bánh mì Xin Chào...
Theo vị cá mập, ông có cả một thập kỷ làm việc và đầu tư trong lĩnh vực công nghệ song những năm gần đây, ông nhận thấy xu hướng đầu tư công nghệ đang có dấu hiệu chững lại và nhà đầu tư này cũng đã tìm thấy hướng đầu tư mới trong tương lai.
Cụ thể, Shark Nguyễn Hòa Bình cho biết ông đang tập trung vào các startup D2C (Direct to Customer), tức những doanh nghiệp sản xuất và bán trực tiếp đến người tiêu dùng, nhằm đón đầu xu hướng chuyển dịch mới của lĩnh vực thương mại điện tử.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech chỉ ra ba xu hướng chính đang định hình thương mại điện tử. Theo ông, mô hình kinh doanh "mua rẻ, bán đắt" đã lỗi thời, thay thế bằng cách tiếp cận trực tiếp từ gốc đến ngọn. "Những doanh nghiệp nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc và bán tại Việt Nam với giá cao gấp 4-5 lần đang dần biến mất, bởi giờ đây, người tiêu dùng có thể mua hàng trực tiếp từ Trung Quốc với giá rẻ hơn nhiều, thời gian giao hàng nhanh chóng," ông nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh, các sàn thương mại điện tử lớn đang siết chặt tiêu chí và áp dụng các khoản phí ngày càng cao, khiến nhiều nhà bán hàng chịu áp lực. Trong khi đó, xu hướng tách khỏi sàn để xây dựng kênh bán hàng riêng, nhằm nắm dữ liệu khách hàng, đang ngày càng phổ biến. Để thích nghi, ông Bình đề xuất doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa quy trình vận hành, đặc biệt là logistics, đồng thời đầu tư xây dựng thương hiệu và dữ liệu khách hàng riêng để duy trì sự sống còn.
Khi nhắc tới định hướng đầu tư và tiêu chí lựa chọn người sáng lập của các nhà đầu tư, Shark Bùi Quang Minh, Chủ tịch Beta Group, cho biết ông ưu tiên các lĩnh vực liên quan đến ngành giải trí, giáo dục và y tế nhờ tiềm năng tăng trưởng lớn.
Shark Bùi Quang Minh tự nhận mình không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ông cho biết mình tham gia Shark Tank với mong muốn tìm kiếm cơ hội tạo ra lợi nhuận, mối quan hệ và có những góc nhìn, bài học mới cho doanh nghiệp của chính mình. Về yếu tố lãnh đạo, ông Minh đánh giá cao những nhà sáng lập có khả năng bổ khuyết cho những điểm yếu của đội ngũ, và sẵn sàng hỗ trợ để giúp họ phát triển.
Trong mùa 7 vừa rồi, Shark Minh Beta chốt đầu tư 12 thương vụ với tổng giá trị đầu tư là 49 tỷ đồng, điểm nhấn với thương vụ Kalotoy, Bệnh viện Đồ Da.
Shark Nguyễn Phi Vân, với kinh nghiệm trong lĩnh vực nhượng quyền, đánh giá cao tiềm năng của ngành F&B, thời trang và mỹ nghệ. Bà nhấn mạnh rằng đạo đức, khát vọng và tinh thần phát triển bản thân là các yếu tố không thể thiếu đối với một nhà sáng lập. Trong mùa vừa rồi, Shark Phi Vân cam kết đầu tư hơn 8 tỷ đồng.
Bà cũng khuyến nghị startup cần trau dồi kỹ năng tiếng Anh để có thể giao tiếp và thuyết trình hiệu quả trước các nhà đầu tư quốc tế. "Thị trường thế giới vẫn rất thênh thang. Startup cần chuyên nghiệp hóa bản thân để sẵn sàng ra biển lớn," bà Vân chia sẻ.
Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam, cho biết quỹ này tập trung vào các startup giai đoạn đầu, tìm kiếm những nhà sáng lập có tinh thần chiến đấu quyết liệt và khả năng giải quyết "nỗi đau" trong chuỗi giá trị. Khẩu vị ưa thích của quỹ là các dự án khởi nghiệp có đã tạo ra được những sản phẩm/dịch vụ nhằm giải quyết được điểm đau của khách hàng trong các chuỗi giá trị.
Trong khi đó, ông Phạm Lê Nhật Quang, Partner tại ABB Private Equity, lại ưu tiên các doanh nghiệp truyền thống áp dụng công nghệ, đặc biệt tại các thành phố nhóm 2, 3 và khu vực nông thôn. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của khả năng thích nghi và quy mô hóa đối với các startup muốn thu hút vốn đầu tư.