PV OIL đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục 2025
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2025, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL - Mã: OIL) lên mục tiêu có đột phá về doanh thu năm nay với con số 150.000 tỷ đồng doanh thu năm 2025, tăng 15% so với kỷ lục vừa thiết lập năm 2024.
Tổng công ty nhìn nhận đây là nhiệm vụ rất thách thức, trong bối cảnh lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hết sức khó khăn trong năm 2024 vừa qua (giá xăng dầu biến động theo chiều hướng giảm, tỷ giá tăng mạnh và neo ở mức cao,…); các dự báo khó khăn, biến động sẽ còn tiếp diễn trong năm 2025.
Bên cạnh các giải pháp về kinh doanh, phát triển cửa hàng xăng dầu, trong năm 2025, PV OIL cho hay sẽ tập trung cho các dự án phát triển hạ tầng liên quan để triển khai kinh doanh Jet A1 theo tiến độ đề ra.
Cùng với đó là tập trung các dự án khác, như nâng cấp, hiện đại hóa trụ bơm, qua đó thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh; rà soát các cửa hàng xăng dầu có điều kiện phù hợp để triển khai các dự án trạm dừng nghỉ xe tải đường dài; tận dụng tối đa lợi thế vị trí thương mại của các cửa hàng để phát triển các dịch vụ phi xăng dầu tại đây.
Năm 2024, sản lượng kinh doanh xăng dầu của PV OIL đạt gần 5,6 triệu m3/tấn, hoàn thành 112% mục tiêu năm, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ, chiếm 23% thị phần kinh doanh nội địa. Sản lượng bán lẻ kênh cửa hàng xăng dầu đạt 1,25 triệu m3, vượt 9% kế hoạch và tăng 15% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu toàn hệ thống đạt hơn 131.000 tỷ đồng năm 2024, tăng 19% so với cùng kỳ và là con số cao kỷ lục.
Do tác động bất lợi của thị trường, đặc biệt trong nửa cuối năm, PV OIL đạt lợi nhuận trước thuế 631 tỷ đồng năm 2024, giảm 21% so với năm 2023.
Tính riêng quý IV, doanh thu của PV OIL đạt 35.585 tỷ đồng, giảm nhẹ chưa tới 1% so với cùng kỳ, còn lãi trước thuế 139 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2023 lỗ 40 tỷ.
Chứng khoán Vietcap kỳ vọng nghị định mới về ngành xăng dầu (có thể được thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025) dự kiến sẽ có tác động tích cực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp phân phối xăng dầu.
Nghị định mới sẽ cho phép các nhà phân phối xăng dầu tự định giá và chuyển từ cơ chế giá cơ sở sang cơ chế giá trần, sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà phân phối xăng dầu.
Trong giai đoạn từ năm 2015-2023, biên lợi nhuận hoạt động trung bình của các quốc gia áp dụng cơ chế giá thị trường và giá trần lần lượt là 3% và 3,9%, trong khi biên lợi nhuận hoạt động trung bình của Petrolimex là 2,1% và của PV OIL là 0,6%.
Vietcap cho rằng việc chuyển đổi sang cơ chế giá trần sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận hoạt động của Petrolimex và PV OIL, từ đó phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 và có khả năng sẽ tăng lên mức tiệm cận với mức biên lợi nhuận hoạt động của các công ty cùng ngành trong khu vực.