|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hàng trăm dự án bất động sản ách tắc do không có đất ở, dù chỉ 1m2

16:50 | 10/01/2022
Chia sẻ
Theo phản ánh của các địa phương và hiệp hội bất động sản, còn rất nhiều các dự án thương mại đang bị ách tắc chủ yếu do nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần đất ở, dù chỉ là 1m2 thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật sáng ngày 10/1, các đại biểu tiếp tục quan tâm đến nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).

Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất sửa đổi theo hướng ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác để đầu tư xây dự án nhà ở thương mại. Điều kiện là các dự án đất này đã được quy hoạch, có trong kế hoạch sử dụng đất của cơ quan chức năng theo luật về đất đai, trừ trường hợp nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Ông Trần Hữu Hậu, đại biểu tỉnh Tây Ninh cho biết, sự bất cập trong Luật Đầu tư năm 2020 mà Chính phủ đề nghị sửa đổi nằm ở chỗ giả sử có hai khu đất ở kề nhau, nếu khu A có 1 m2 đất ở, còn lại là đất khác thì được chuyển mục đích. Còn nếu khu đất này không có m2 đất ở nào thì không được chuyển. 

"Sự trớ trêu của những quy định hiện hành trong thực tiễn áp dụng. Các quy định hiện hành còn góp phần tạo nên vấn đề con gà và quả trứng, gây trì trệ trong phát triển nhà ở thương mại. Muốn có chủ trương đầu tư thì phải có quyền sử dụng đất ở mà muốn có quyền sử dụng đất ở thì lại phải có chủ trương đầu tư", đại biểu tỉnh Tây Ninh nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại của Luật Nhà ở đã phát sinh những vướng mắc trong thời gian rất dài, kể từ năm 2014 và theo đó đã được sửa đổi tại Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020. 

Tuy nhiên trên thực tế, Bộ trưởng cho rằng vẫn chưa giải quyết được những bất cập đang tồn tại, thậm chí còn tạo ra những phân biệt đối xử với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần đất ở, dù chỉ là 1m2 thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư, gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực hiện nay và thiếu hụt cung cầu về nhà ở làm cho giá của nhà ở có phần tăng lên.

Cũng theo Bộ trưởng, các quy định hiện nay không thống nhất với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư và quy định về người sử dụng đất được quyền chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 52, 57, 58 của Luật Đất đai.

Hiện nay, các địa phương và hiệp hội bất động sản phản ánh còn rất nhiều các dự án thương mại đang bị ách tắc, trong đó TP HCM có 150 dự án, Hà Nội có 102 dự án, Bình Dương có 40 dự án,...

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai phương án đề nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Phương án 1 như tờ trình của Chính phủ, rà soát chặt chẽ quy định chuyển mục đích sử dụng đất và định giá tiền phải nộp cho ngân sách khi chuyển.

Phương án 2 theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, xây dựng đề án thí điểm riêng để áp dụng và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

"Phương án 2 là đề nghị xây dựng một đề án thí điểm riêng để áp dụng hình thức sử dụng đất khác mà không phải là đất ở đối với những người đang có quyền sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Đây là hai phương án chúng tôi xin đề xuất với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét cho ý kiến chỉ đạo", Bộ trưởng cho biết.

Hồng Vịnh (tổng hợp)