|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Goldman Sachs: Rủi ro địa chính trị có thể đẩy giá dầu lên cao hơn

16:20 | 16/01/2025
Chia sẻ
Giá dầu thô tăng vào cuối tuần trước và đầu tuần này sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới lên xuất khẩu dầu của Nga. Điều này cho thấy căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong biến động giá dầu và cân bằng thị trường trong năm nay.

 

Đợt tăng giá này đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong bốn tháng. Đây có thể chỉ là một phản ứng tức thời trước khi chuỗi cung ứng tàu chở dầu thích nghi với các biện pháp trừng phạt mới. Tuy nhiên, những tác động địa chính trị này không thể bị bỏ qua, và các nhà đầu tư đang chờ đợi những quyết sách địa chính trị tiếp theo từ chính quyền ông Trump sắp tới, theo trang Oil price.

Chính sách năng lượng nội địa của Mỹ sẽ có những thay đổi lớn khi Tổng thống mới ủng hộ mạnh mẽ nhiên liệu hóa thạch để đóng góp vào mục tiêu “độc lập năng lượng” của quốc gia.

Chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Trump khó dự đoán hơn, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ, đặc biệt thông qua các chính sách thương mại ngắn và trung hạn cũng như các biện pháp trừng phạt có thể khiến nguồn cung từ Iran bị hạn chế.

Theo ngân hàng Goldman Sachs, các sự kiện địa chính trị thường có xu hướng tác động đến giá dầu và sẽ tiếp tục như vậy trong năm nay.

Ngân hàng này dự đoán giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 70-85 USD/thùng và trung bình khoảng 76 USD/thùng trong năm nay.

Giá dầu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi tốc độ tăng trưởng sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC và có thể cả những yếu tố địa chính trị – từ các lệnh trừng phạt đến thuế quan, theo ông Daan Struyven, đồng trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa toàn cầu và trưởng nhóm nghiên cứu dầu mỏ tại Goldman Sachs.

“Giá năng lượng bị ảnh hưởng bởi các sự kiện địa chính trị, vốn rất khó dự đoán và có thể khiến giá dầu vượt ra khỏi phạm vi 70-85 USD,” ngân hàng này cho biết.

Các lệnh trừng phạt với Nga

Một ngày sau khi Goldman Sachs công bố báo cáo, chính quyền Mỹ sắp mãn nhiệm đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay đối với dầu của Nga vào thứ Sáu tuần trước, nhắm vào hai công ty dầu lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, cùng 183 tàu, hàng chục nhà giao dịch dầu, các công ty dịch vụ dầu khí, công ty bảo hiểm và các quan chức ngành năng lượng.

Giá dầu tăng mạnh sau thông tin này, với dầu Brent vượt mức 81 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ đạt gần 80 USD/thùng vào thứ Hai tuần này. 

Các lệnh trừng phạt mới nhất đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong 4 tháng, tiến gần đến mức dự đoán 70-85 USD của Goldman Sachs.

Các lệnh trừng phạt này đang gây ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ, nơi Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho các nhà máy lọc dầu trong ba năm qua, sau khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ và các lệnh trừng phạt từ phương Tây được áp dụng.

Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã ngừng hợp tác với các tàu chở dầu và công ty Nga bị Mỹ trừng phạt vào thứ Sáu tuần trước, theo nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ.

Dư cung có thể biến mất?

Việc mất đi một phần nguồn cung từ Nga có thể làm giảm hoặc thậm chí xóa sổ lượng thặng dư dầu hiện tại mà các nhà phân tích dự báo.

Trước khi có các lệnh trừng phạt mới nhất, Goldman Sachs dự đoán mức thặng dư dầu khiêm tốn là 400.000 thùng/ngày cho năm 2025.

Lượng thặng dư có khả năng nhỏ hơn, kết hợp với năng lực dự trữ cao từ các nước OPEC+, có thể sẽ giới hạn giá dầu trong năm nay, theo ngân hàng này.

“Dự trữ dầu cao có khả năng hạn chế giá dầu đáng kể trong năm nay bất chấp nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ,” Goldman Sachs nhận định và cho biết thêm rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng ít nhất trong một thập kỷ nữa.

Các lệnh trừng phạt với Iran

Yếu tố gây áp lực lên giá đến từ dự trữ dầu của OPEC cao. Trái lại, yếu tốt tích cực đến đề chiến dịch “gây áp lực tối đa” đối với Iran của Tổng thống Donald Trump.

Nếu nguồn cung dầu của Iran giảm 1 triệu thùng/ngày, giá Brent có thể tăng lên mức 85 USD/thùng vào giữa năm 2025. Kịch bản này có thể xảy ra ngay cả khi OPEC+ tăng sản lượng trong năm nay, Goldman Sachs nhận định.

Những bình luận cứng rắn của Mỹ về Iran cho thấy rằng khả năng giảm xuất khẩu dầu của nước này là có thể xảy ra. Tuy nhiên, mức giảm sẽ nhỏ hơn so với giai đoạn 2018-2019, vì hiện tại Trung Quốc chiếm 90% tỷ trọng xuất khẩu dầu của Iran.

Nếu xảy ra tình huống Iran mất 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng, giá Brent có thể tăng gần 90 USD/thùng, với giả định OPEC+ nhanh chóng tăng nguồn cung để bù đắp sự thiếu hụt từ Iran, theo Goldman Sachs.

Nguy cơ từ thuế quan

Các lệnh trừng phạt và việc thực thi các lệnh này chặt chẽ hơn sẽ là động lực tăng giá cho dầu trong năm nay, nhưng một yếu tố địa chính trị khác – chính sách thương mại của Tổng thống Trump – có thể gây áp lực giảm giá dầu toàn cầu.

“Các mức thuế cao hơn dự kiến từ chính quyền Tổng thống Trump có thể khiến giá dầu giảm trong trung hạn,” Goldman Sachs cho biết.

Ngân hàng này ước tính rằng giá Brent có thể giảm xuống mức thấp 60 USD vào cuối năm 2026 nếu Mỹ áp dụng mức thuế 10% trên toàn diện.

 

H.Mĩ