|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tháng hạn của thị trường chứng khoán Mỹ

20:45 | 09/09/2024
Chia sẻ
Chỉ số S&P 500 đã giảm mạnh vào tuần trước do nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang chững lại.

Trong gần 100 năm qua, S&P 500 đã giảm trung bình 1,2% trong tháng 9. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Tháng 9 thường là giai đoạn khó khăn đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Tính từ năm 1928, chỉ số S&P 500 đã giảm trung bình 1,2% trong tháng 9. Bởi vậy, tháng 9 được cho là tháng xấu nhất đối với cổ phiếu, theo Dow Jones Market Data.

S&P 500 đã giảm 4,2% vào tuần trước khi nhà đầu tư lo ngại về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ. Hôm 6/9, dữ liệu chính thức cho thấy các doanh nghiệp đã tạo ít việc làm hơn dự kiến trong tháng 8.  Trước đó vài ngày, dữ liệu sản xuất yếu kém đã khiến cổ phiếu ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu tháng 8.

Trong những ngày tới, các nhà đầu tư sẽ nghiền ngẫm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng để đánh giá liệu áp lực lạm phát có tiếp tục dịu bớt hay không và liệu các cổ phiếu công nghệ lớn như Nvidia có thể tìm lại được chỗ đứng sau đợt trượt dốc gần đây.

Bà Callie Cox, chiến lược gia cấp cao tại Ritholtz Wealth Management, chia sẻ với Wall Street Journal: “Thị trường đã căng thẳng từ trước báo cáo việc làm và bây giờ có vẻ như dữ liệu kinh tế không còn đi đúng hướng nữa”.

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp ngày 17 - 18/9. Câu hỏi duy nhất là họ sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản hay mạnh tay hơn và quyết định hạ 50 điểm cơ bản.

Các chuyên gia thị trường như bà Cox từng hy vọng sẽ nhìn thấy một tia sáng rõ ràng hơn từ báo cáo việc làm tháng 8. Tuy nhiên, các dữ liệu lại không thể thoả mãn họ.

Một số nhà đầu tư đang kêu gọi Fed nới lỏng chính sách mạnh tay để hỗ trợ thị trường lao động, số khác lo ngại rằng động thái đó sẽ gửi thông điệp sai đến thị trường tài chính và kích hoạt một cuộc lao dốc nghiêm trọng hơn.

Ngoài vấn đề Fed, thị trường được dự đoán sẽ vẫn biến động trước thềm cuộc bầu cử tổng thống. Tháng 10 thường là tháng yếu nhất đối với giá cổ phiếu trong những năm bầu cử, S&P 500 đã giảm trung bình 1,4% kể từ năm 1980.

 

S&P 500 vẫn tăng 13% từ đầu năm đến nay, nhưng tâm lý nhà đầu tư đã bắt đầu thay đổi từ một tháng trước khi báo cáo việc làm yếu hơn dự kiến của tháng 7 làm dấy lên lo ngại rằng liệu nền kinh tế đã suy yếu và Fed đã chờ đợi quá lâu.

Cuộc đảo chiều của các giao dịch carry trade bằng đồng yen cũng mạnh lên vào đầu tháng 8, đẩy S&P 500 vào ngày tồi tệ nhất trong gần hai năm.

Cú sụt đã định đoạt lại kẻ thắng người thua trên thị trường. Sức hút của Nvidia và những cổ phiếu công nghệ từng được hưởng lợi từ cơn sốt trí tuệ nhân tạo đã giảm bớt.

Trong tuần trước, Nvidia mất 14%. Diễn biến này khiến vốn hoá của gã khổng lồ bán dẫn bốc hơi gần 406 tỷ USD - mức giảm lớn nhất đối với bất kỳ công ty nào trên thế giới.

Trong khi đó, các nhà đầu tư đã chuyển sang những cổ phiếu phòng thủ. Trong 11 lĩnh vực của S&P 500, chỉ có hàng tiêu dùng thiết yếu và tiện ích tăng giá trong tháng 9 này. Nếu S&P 500 kết thúc tháng 9 trong sắc đỏ, thì đây sẽ là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này đi xuống.

Bất chấp đợt giảm gần đây, theo một số thước đo thì thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang khá đắt đỏ. Cổ phiếu của các công ty trong S&P 500 đang giao dịch gấp 21 lần thu nhập dự phóng trong 12 tháng, cao hơn mức trung bình 10 năm là 18 lần, theo FactSet.

Khả Nhân

Dự thảo: NĐT chứng khoán chuyên nghiệp phải có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm, giao dịch tối thiểu 10 lần trong 4 quý
Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đang được Bộ Tài chính xây dựng, tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp được nâng cao.