Cú sốc 'carry trade' tháng 8 có thể tái diễn, chứng khoán toàn cầu đối mặt nguy cơ bị bán tháo
Theo bà Kathy Lien, Giám đốc bộ phận ngoại hối tại BK Asset Management, các giao dịch carry trade bằng đồng yen dự kiến sẽ tiếp tục đảo chiều trong tháng 9. Do đó, thị trường nguy cơ trải qua một đợt bán tháo mạnh khác.
Chia sẻ trên một chương trình của CNBC, bà Lien dự đoán xu hướng giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng bạc xanh sẽ tiếp tục kéo đồng nội tệ của Nhật Bản lên cao hơn.
“Các nhà đầu tư đang có tâm lý tránh rủi ro như những gì chúng ta đã thấy trên khắp các thị trường tài chính. Điều đó sẽ thúc đẩy cuộc đảo chiều của các giao dịch carry trade...”, bà nói.
Theo vị giám đốc, các nhà giao dịch carry trade sẽ theo dõi sát sao diễn biến giá cổ phiếu và tìm kiếm tín hiệu từ đó. Tháng 9 thường là giai đoạn biến động với thị trường chứng khoán.
“Có thể cuộc đảo chiều lần này sẽ mạnh mẽ hơn nhiều, giống như những gì chúng ta đã thấy vào tháng 8, nếu cổ phiếu thực sự bị bán tháo”, bà Lien nhấn mạnh.
Carry trade là chiến lược giao dịch mà trong đó nhà đầu tư đi vay bằng đồng tiền của một nước có lãi suất thấp và tái đầu tư vào tài sản có tỷ suất sinh lời cao hơn ở các quốc gia khác.
Đồng yen thường được dùng làm đồng tiền cấp vốn trong các giao dịch carry trade vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã duy trì lãi suất ở mức siêu thấp trong nhiều năm.
Khi đồng yen tăng giá, các nhà đầu tư đi vay bằng đồng tiền này sẽ chịu áp lực lớn. Nếu đóng vị thế, họ có thể thua lỗ. Để có tiền duy trì vị thế (không thực hiện khoản lỗ), nhà đầu tư có thể phải bán bớt một số tài sản, chẳng hạn như chứng khoán Mỹ.
Các giao dịch carry trade bằng đồng yen bị đóng hàng loạt vào đầu tháng 8 sau khi BoJ tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn 15 năm, khiến đồng nội tệ mạnh lên và kích hoạt một cuộc bán tháo khủng khiếp trên thị trường toàn cầu.
Trao đổi với CNBC vào tháng trước, ông Richard Kelly, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại TD Securities, nhận định: “Tôi nghĩ chiến lược carry trade sẽ tiếp tục đảo chiều, đặc biệt là trong bối cảnh đồng yen vẫn bị định giá thấp”.
“Xu hướng đó sẽ thay đổi định giá của đồng tiền Nhật Bản trong một đến hai năm tới. Cuộc đảo chiều sẽ tạo ra tác động lan toả”, ông nói thêm.
Các nhà phân tích không thể xác định chính xác quy mô của chiến lược carry trade bằng đồng yen vì giao dịch tiền tệ không được theo dõi tập trung trên sàn như giao dịch cổ phiếu.
Để đánh giá quy mô, chúng ta có thể xem xét hoạt động cho vay nước ngoài của các ngân hàng Nhật Bản. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng giá trị cho vay vào cuối quý I là 1.000 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2021.
Phần lớn tăng trưởng cho vay quốc tế bằng đồng yen có liên quan đến thị trường liên ngân hàng, nơi các nhà băng cho nhau vay cũng như cho các tổ chức tài chính khác vay. Đây là ước tính về nhu cầu của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài với giao dịch carry trade bằng đồng yen.
Vậy các nhà đầu tư Nhật Bản thì sao? Vào cuối quý I, đầu tư quốc tế ròng của người Nhật đạt 487.000 tỷ yen (khoảng 3.400 tỷ USD), tăng 17% so với ba năm trước. Carry trade không chiếm phần lớn nhất nhưng cũng khá lớn.
Tổng hợp lại, có thể thấy quy mô của các giao dịch carry trade sử dụng yen Nhật làm đồng tiền cấp vốn đã lên đến hàng nghìn tỷ USD. Chia sẻ với Reuters, một số nhà phân tích đưa ra con số khoảng 4.000 tỷ USD.
Mặc dù thị trường đã phục hồi nhanh chóng sau đợt bán tháo vào tháng 8, Giám đốc Lien của BK Asset Management cảnh báo sự kiện đó có thể tái diễn khi các nhà đầu tư theo sát giá cổ phiếu và nền kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều trở ngại hơn.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã giảm đáng kể trong phiên cuối tuần trước. Trong đó, S&P 500 ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023 sau báo cáo việc làm tháng 8 yếu kém.
“Tôi tin rằng cổ phiếu có thể trải qua một số đợt bán tháo khá mạnh trong tháng này, đặc biệt là khi nền kinh tế Mỹ đang đi theo hướng mà nhiều quan chức ngân hàng trung ương lo sợ”, bà Lien lưu ý.