|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giữa lúc nhiều NĐT vội đóng vị thế, vẫn có một người chơi carry trade đúng cách: Cái tên không hề xa lạ

07:57 | 12/08/2024
Chia sẻ
Kể từ khi ngân hàng trung ương Nhật Bản tăng lãi suất và phát tín hiệu diều hâu vào tuần trước, đồng yen đã mạnh lên đáng kể so với đồng bạc xanh.

 

Tờ 10.000 yen. (Ảnh: Bloomberg).

Nhiều nhà đầu tư đang phải vội vã đóng các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade), một trong những chiến lược kiếm tiền phổ biến nhất trong vài năm trở lại đây.

Giải thích một cách ngắn gọn, carry trade là chiến lược mà trong đó nhà đầu tư đi vay bằng đồng tiền của một nền kinh tế có lãi suất thấp như Nhật Bản, sau đó sử dụng tiền để rót vốn vào tài sản của một quốc gia khác có tỷ suất sinh lời cao hơn.

Chiến lược trên phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng: đồng tiền đi vay phải rẻ và biến động trên thị trường phải ở mức thấp. Tuy nhiên, cả hai yếu tố đều gây bất lợi cho nhà đầu tư trong tuần qua khi đồng yen tăng vọt, buộc họ phải đóng vị thế.

Có thời điểm đồng nội tệ của Nhật Bản đã tăng 6% so với đồng bạc xanh, lên 144 yen đổi 1 USD. Thị trường chứng khoán Nhật Bản bị nhấn chìm, khiến chỉ số Topix mất hơn 11% trong tháng 8.

Một trong những tổ chức lớn tham gia vào thị trường carry trade bằng đồng yen là Berkshire Hathaway. Tập đoàn của huyền thoại Warren Buffett đã dùng các khoản vay bằng đồng yen để tài trợ cho hoạt động mua cổ phiếu tại Nhật Bản.

Vào năm 2020, Berkshire tiết lộ họ đang nắm 5% cổ phần tại 5 công ty thương mại lớn nhất Nhật Bản gồm Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo.

Cho đến nay, tập đoàn của Warren Buffett đã nâng tỷ lệ sở hữu tại mỗi công ty lên 8% và các vị thế này đang có tổng giá trị thị trường khoảng 20 tỷ USD.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: Bloomberg).

Berkshire sử dụng các khoản vay bằng đồng yen để phòng ngừa rủi ro tiền tệ. Đó là một động thái khôn ngoan của Buffett vì đồng yen đã giảm khoảng 40% kể từ thời điểm Berkshire mua cổ phiếu của 5 công ty thương mại Nhật Bản.

Khác với nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy vay yen Nhật và đầu tư vào tài sản ở các quốc gia khác, Berkshire vẫn duy trì được sức mạnh nhờ đi vay gần 10 tỷ yen, sau đó đầu tư vào chính thị trường Nhật Bản. Khối nợ này phải đến năm 2060 mới đáo hạn.

5 công ty thương mại Nhật Bản mà Berkshire rót vốn vào gần đây cũng chịu áp lực khi thị trường chung đi xuống. Song, Berkshire vẫn có thể tự bảo vệ mình bằng các lô trái phiếu đồng yen đã phát hành. Nếu không, lợi nhuận của tập đoàn từ các cổ phiếu Nhật Bản sẽ sụt giảm do thua lỗ tiền tệ.

Về bản chất, Berkshire đã tài trợ cho việc mua cổ phiếu Nhật Bản bằng các khoản vay giá rẻ bằng đồng yen.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Berkshire vào năm 2023, “nhà hiền triết xứ Omaha” từng mô tả khoản đầu tư tại Nhật Bản như sau:

“Ván cược ở Nhật Bản rất đơn giản. Tôi rất thích nghiên cứu các công ty. Tôi thích xem xét số liệu về các doanh nghiệp. Và tôi phát hiện 5 công ty lớn này có những số liệu rất dễ hiểu.

Họ tạo ra lợi nhuận, khoảng 14% trên số tiền chúng tôi sẽ trả để mua họ. Họ trả cổ tức khá. Trong một số trường hợp, họ còn mua lại cổ phiếu. Họ sở hữu một loạt các mảng kinh doanh mà chúng tôi có thể phân loại thành một nhóm.

đồng thời, chúng tôi có thể loại bỏ rủi ro tiền tệ bằng cách phát hành nợ bằng đồng yen và chúng tôi sẽ chỉ mất khoảng 0,5%. Vâng, lỗ 0,5% ở bên này so với lời 14% ở bên kia, thế thì bạn sẽ có tiền mãi mãi.

Và họ kinh doanh rất thông minh, đồng thời có quy mô lớn. Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu mua cổ phiếu của 5 công ty Nhật Bản đó”.

Hiện tại, khoản đầu tư vào Nhật Bản của Berkshire vẫn an toàn. Tuy nhiên, lợi nhuận của tập đoàn có thể bị ảnh hưởng trong quý III khi đồng yen mạnh lên và các khoản vay của Berkshire được định giá lại mỗi quý.

Berkshire báo cáo khoản lãi không phải tiền mặt khoảng 1 tỷ USD trong nửa đầu năm nay từ các biến động trên thị trường tiền tệ, chủ yếu do đồng yen sụt giá. Tập đoàn có thể chịu khoản lỗ tương tự trong quý III nếu đồng yen giữ nguyên mức giá hiện tại.

vậy, các nhà đầu tư thường bỏ qua các khoản lãi và lỗ như vậy. Theo các quy tắc kế toán, Berkshire phải tính cả các khoản lãi và lỗ chưa thực hiện từ danh mục đầu tư vào lợi nhuận ròng. Vì vậy, các biến động ngắn hạn như vậy không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận cơ bản của tập đoàn.

Khả Nhân

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.