|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed hạ lãi suất sẽ đặt dấu chấm hết cho giao dịch carry trade?

10:19 | 07/08/2024
Chia sẻ
Theo các nhà kinh tế tại TS Lombard, nếu Fed hạ lãi suất nhanh chóng, các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) sẽ càng đảo chiều mạnh mẽ.

 

Các tờ tiền 10.000 yen. (Ảnh: Bloomberg).

Theo các nhà kinh tế tại TS Lombard, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất nhanh chóng, các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) sẽ càng đảo chiều mạnh mẽ.

Cảnh báo của TS Lombard xuất hiện trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đang sốt sắng huỷ bỏ các giao dịch carry trade sau đợt bán tháo nghiêm trọng của các tài sản rủi ro mới đây.

Carry trade là chiến lược giao dịch trong đó nhà đầu tư đi vay bằng một đồng tiền có lãi suất thấp và tái đầu tư vào tài sản của một quốc gia khác có tỷ suất sinh lời cao hơn. Chiến lược này trở nên cực kỳ phổ biến trong những năm gần đây.

Đồng yen thường được dùng làm đồng tiền cấp vốn trong các giao dịch carry trade vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã duy trì lãi suất ở mức siêu thấp trong nhiều năm.

Khi đồng yen tăng giá, các nhà đầu tư đi vay đồng tiền này sẽ chịu áp lực lớn. Nếu đóng vị thế, họ có thể thua lỗ. Để có tiền duy trì vị thế (không thực hiện khoản lỗ), nhà đầu tư có thể phải bán bớt một số tài sản, chẳng hạn như chứng khoán Mỹ. 

Đợt bán tháo vào đầu tháng 8 bắt nguồn một phần từ các dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến của Mỹ. Các nhà đầu tư lo ngại rằng Fed có thể đã chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất để chống lại suy thoái.

“Khi thị trường lao động suy yếu và rủi ro suy thoái mới xuất hiện, phản ứng tự nhiên của Fed nên là cắt giảm lãi suất một cách tương đối nhanh chóng.

Tuy nhiên, động thái đó sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng thoái lui khỏi các giao dịch carry trade của nhà đầu tư”, nhóm nhà kinh tế của TS Lombard viết trong một lưu ý vào đầu tuần này.

 

“Cú đánh ba”

Các nhà kinh tế tại TS Lombard hy vọng BoJ và Fed sẽ phối hợp đưa ra thông điệp chung để xoa dịu sự lo lắng của thị trường.

“Sau đó, nếu xu hướng huỷ bỏ các giao dịch carry trade vẫn tiếp tục, chúng tôi dự đoán hai ngân hàng trung ương này sẽ thực hiện một vài biện pháp định lượng để ngăn chặn nhà đầu tư carry trade phải bán tài sản...

...đồng thời, tạo điều kiện để Fed hạ lãi suất kịp thời mà không làm tổn hại hệ thống tài chính hơn”, nhóm chuyên gia cho hay.

Các tài sản trú ẩn truyền thống như đồng yen và franc Thuỵ Sỹ đã tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tuần này, làm dấy lên suy đoán rằng các nhà đầu tư đang tìm cách nhanh chóng bán các giao dịch carry trade sinh lời để bù lỗ ở thị trường khác.

Trong vài tuần gần đây, đồng yen đã trên đà tăng mạnh so với đồng USD. Kết phiên 6/8, đồng nội tệ của Nhật Bản giao dịch ở mức 144,75 yen đổi 1 USD.

Đây là một sự đảo chiều rõ rệt so với thời điểm trước kỳ nghỉ lễ quốc khánh của Mỹ, khi đồng yen giảm xuống còn 161,96 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1986.

Theo các chiến lược gia của HSBC, về cơ bản thị trường đã hứng chịu một “cú đánh ba” trong những ngày gần đây, bao gồm việc nhà đầu tư huỷ bỏ các giao dịch carry trade, triển vọng kiếm tiền từ trí tuệ nhân tạo và viễn cảnh Mỹ suy thoái.

“Chúng tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để mua vào, nhưng các yếu tố cơ bản vẫn đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán”, nhóm chiến lược gia nhận định trong một báo cáo được công bố hôm 6/8.

“Chúng tôi đánh giá rủi ro lớn nhất hiện nay là đợt bán tháo có thể trở nên nghiêm trọng hơn và cuối cùng đẩy nền kinh tế vào suy thoái, do tác động tiêu cực đến tài sản của nhà đầu tư và việc các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn”, họ nhấn mạnh.

Trong một lưu ý khác, ông Kit Juckes, chiến lược gia ngoại hối trưởng tại Societe Generale, cho biết “cuộc tháo chạy quy mô lớn khỏi các giao dịch carry trade đang diễn ra”.

“Bạn không thể loại bỏ giao dịch carry trade lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến mà không gây ra hỗn loạn. Đó là ấn tượng mà thị trường mang đến cho chúng ta sáng nay”, ông Juckes cho hay vào ngày 5/8.

Vị chiến lược gia cho biết phản ứng lớn nhất của thị trường ngoại hối cho đến nay vẫn là “giảm vị thế”. Ông nói thêm rằng khả năng đồng yen giảm xuống dưới 140 yen đổi 1 USD trong ngắn hạn là “không bền vững do tác động của xu hướng này đến cổ phiếu và lạm phát”.

Yên Khê

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 07/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9.