Sau yen Nhật, cú sốc tiếp theo của thị trường carry trade sẽ đến từ một đồng tiền châu Á khác?
Các chuyên gia nhận định nhân dân tệ của Trung Quốc có thể là đồng tiền tiếp theo cần theo dõi sau khi các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) của đồng yen đảo chiều mạnh mẽ trong tuần này.
Carry trade là một chiến lược mà trong đó, nhà đầu tư sẽ đi vay bằng đồng tiền của một quốc gia có lãi suất thấp và tái đầu tư vào tài sản của một quốc gia khác có tỷ suất sinh lời cao hơn.
Sau đó, nhà đầu tư sẽ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất, nhưng cũng có thể mất tiền nếu lãi suất thay đổi đột ngột.
Trong vài năm qua, đồng yen và nhân dân tệ thường là hai đồng tiền cấp vốn trong các giao dịch carry trade do mức chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và hai nền kinh tế châu Á là rất lớn.
Trong vài tuần gần đây, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách đã thúc đẩy nhà đầu tư huỷ bỏ các giao dịch carry trade bằng đồng yen.
Đồng nội tệ của Nhật Bản từng chạm mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng USD vào tháng 7, nhưng trong tuần này đã vọt lên mức cao nhất kể từ đầu năm.
Chia sẻ với CNBC vào ngày 7/8, ông Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của ANZ Bank, cho hay: “Tôi nghĩ rằng các giao dịch carry trade có khả năng bị huỷ bỏ tiếp theo là đồng nhân dân tệ”.
Đồng nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài đã liên tục mạnh lên so với đồng bạc xanh trong những ngày gần đây. Vào đầu tuần, tỷ giá USD/nhân dân tệ có thời điểm đã tụt xuống dưới mức 7,1.
Những tay chơi lớn
Ông Goh nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ đồng nội tệ, nhưng sự phụ thuộc của nước này vào hoạt động xuất khẩu vẫn có thể tác động đáng kể đến tỷ giá hối đoái.
Đồng nhân dân tệ yếu hơn so với đồng USD đã hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Thặng dư thương mại hàng hoá của Trung Quốc chạm mức kỷ lục 99 tỷ USD vào tháng 6.
Theo vị chuyên gia, những người chơi lớn nhất trên thị trường carry trade châu Á là các nhà xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
“Hãy nhìn vào châu Á và Trung Quốc. Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại lớn, nhưng đồng tiền của họ vẫn tiếp tục suy yếu”, ông lưu ý.
“Nhờ tham gia vào các giao dịch carry trade, họ có thể thu lợi nhuận cao hơn nhiều từ lãi suất bằng cách đầu tư vào đồng USD”, ông lý giải.
Theo nhà kinh tế Bruce Pang của JLL, dữ liệu chính thức cho thấy vào tháng 6, các doanh nghiệp Trung Quốc đang nắm giữ nhiều USD nhất kể từ tháng 12/2016.
Song, trong bối cảnh Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể sẽ quyết định chuyển đổi tài sản khỏi đồng USD. Động thái này có thể gây “biến động lớn” đối với một số đồng tiền châu Á, ông Goh nói.
Và không chỉ các nhà xuất khẩu Trung Quốc tham gia vào thị trường carry trade nhân dân tệ, ông Pang cho hay.
Theo dữ liệu do nhà kinh tế này trích dẫn, đầu tư không phải của doanh nghiệp Trung Quốc vào trái phiếu đồng nhân dân tệ đã tăng gần 80 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, mức tăng cao thứ hai trong lịch sử.
Ông Pang cho biết chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ cùng tốc độ tăng trưởng yếu hơn dự kiến của nền kinh tế tỷ dân đã góp phần vào xu hướng trên.
Tuy nhiên, tính toán của các nhà đầu tư sẽ thay đổi khi Mỹ nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất và nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc.
Citi cũng cảnh báo trong một lưu ý vào ngày 6/8 rằng nhân dân tệ là một đồng tiền cần theo dõi. Ngân hàng này cho biết các nhà đầu tư đang “lo lắng về vị thế” carry trade sử dụng nhân dân tệ làm đồng tiền cấp vốn.
Yen vs. nhân dân tệ
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn chỉ ra một số điểm khác biệt giữa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và các loại tiền tệ lớn khác.
Ông Vishnu Varathan, Giám đốc điều hành tại Mizuho, cho biết đồng nội tệ của Trung Quốc không giàu tính thanh khoản hay mang tính toàn cầu như đồng yen.
Theo ông Varathan, đồng nhân dân tệ đã tiếp tục suy yếu so với USD trong nửa đầu năm khi nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và điều đó “vượt xa câu chuyện chênh lệch lãi suất”.
“Vì vậy, để nhà đầu tư huỷ bỏ các giao dịch carry trade bằng đồng nhân dân tệ, rủi ro địa kinh tế phải giảm bớt”, ông nói thêm.
Và trong khi BoJ có thể tiếp tục nâng lãi suất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vẫn đang nới lỏng chính sách do nhu cầu trong nước còn trì trệ.
Trong cuộc phỏng vấn khác với CNBC, bà Wang Yingrui, nhà kinh tế tại AXA Investment Managers, cho biết lập trường của PBoC thực chất có thể sẽ giúp thúc đẩy các giao dịch carry trade bằng đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, bà Wang dự đoán trong ngắn hạn, đồng nhân dân tệ có thể mạnh lên. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã tích luỹ lượng lớn USD trong vài năm qua khi tỷ suất sinh lời của các tài sản Mỹ tăng lên.
“Những nhà xuất khẩu này có thể bắt đầu chuyển đổi USD và tạo lực đẩy cho nhân dân tệ”, vị chuyên gia kinh tế nói.
Và trong khi đồng yen đang rời khỏi mức thấp nhất trong hàng thập kỷ so với đồng bạc xanh, kỳ vọng đối với đồng nhân dân tệ lại khá im ắng. Nhà kinh tế Tao Wang của UBS dự đoán tỷ giá USD/nhân dân tệ trong năm nay sẽ nằm trong khoảng 7,1 - 7,2.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/