|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính sách tiền tệ dị thường của Nhật Bản, nguồn cơn của cú sốc carry trade và nhiều biến động tương lai

19:25 | 14/08/2024
Chia sẻ
Để xoá sổ giảm phát, Nhật Bản đã áp dụng chính sách tiền tệ đặc biệt trong ít nhất một thập kỷ.

Cựu Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda (ngoài cùng bên trái) và người kế nhiệm Kazuo Ueda (ngoài cùng bên phải). (Ảnh: Reuters).

Chiến lược thịnh hành

Có lẽ cú sập của thị trường tài chính vào đầu tuần trước giờ chỉ còn là ký ức thoáng qua đối với các nhà đầu tư, bất chấp thực tế là gần như không tài sản nào bình an vô sự trong cuộc bán tháo.

Tuy nhiên, cú sập đã phơi bày một loạt rủi ro của thị trường trước một chiến lược thịnh hành: giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade).

Trong một giao dịch carry trade, nhà đầu tư sẽ đi vay bằng đồng tiền của một quốc gia có lãi suất thấp và mua tài sản của các quốc gia có tỷ suất sinh lời cao hơn. Đồng tiền cấp vốn phổ biến nhất trong nhiều năm qua là yen Nhật.

Chỉ cần vay ở Nhật Bản, một trong những thị trường cuối cùng duy trì mức lãi suất cực thấp, sau đó đầu tư vào cổ phiếu Nvidia hay bitcoin, nhà đầu tư đã có thể gặt hái lợi nhuận đáng kể.

Các nhà phân tích không thể xác định chính xác quy mô của chiến lược carry trade bằng đồng yen vì giao dịch tiền tệ không được theo dõi tập trung trên sàn như giao dịch cổ phiếu.

Để đánh giá quy mô, chúng ta có thể xem xét hoạt động cho vay nước ngoài của các ngân hàng Nhật Bản. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng giá trị cho vay vào cuối quý I là 1.000 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2021.

Phần lớn tăng trưởng cho vay quốc tế bằng đồng yen có liên quan đến thị trường liên ngân hàng, nơi các nhà băng cho nhau vay cũng như cho các tổ chức tài chính khác như công ty quản lý tài sản vay.

Phía trên là ước tính về nhu cầu của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài với các giao dịch carry trade bằng đồng yen.

Vậy các nhà đầu tư Nhật Bản thì sao? Vào cuối quý I, đầu tư quốc tế ròng của người Nhật đạt 487.000 tỷ yen (khoảng 3.400 tỷ USD), tăng 17% so với ba năm trước. Carry trade không chiếm phần lớn nhất nhưng cũng khá lớn.

Tổng hợp lại, có thể thấy quy mô của các giao dịch carry trade sử dụng yen Nhật làm đồng tiền cấp vốn đã lên đến hàng nghìn tỷ USD.

 

Cuộc đảo chiều lịch sử

Lo ngại về chiến lược carry trade bằng đồng yen đã gia tăng trong nhiều tuần qua. Nỗi lo tăng vọt vào ngày 31/7, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nâng lãi suất từ phạm vi 0 - 0,1% lên khoảng 0,25%, mức cao nhất trong 15 năm.

Sau đó, Thống đốc Kazuo Ueda cho biết ông không loại trừ khả năng sẽ nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay và nhấn mạnh BoJ sẵn sàng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Mức lãi suất tại Nhật Bản vẫn còn rất thấp so với các nền kinh tế lớn khác. Song, các nhà giao dịch đã chú ý lập trường diều hâu của BoJ. Kết quả là, đồng yen rời khỏi mức đáy 38 năm và đi lên 10% so với USD chỉ trong một tháng.

Khi đồng yen tăng giá, các nhà đầu tư sẽ phải chịu áp lực lớn. Giả sử, nếu một nhà đầu tư vay 10 triệu yen vào tháng trước và ngay lập tức chuyển đổi sang USD, họ sẽ có khoảng 62.000 USD.

Tuy nhiên, do đồng tiền của Nhật Bản tăng giá, họ sẽ cần khoảng 70.000 USD để trả khoản vay đó vào ngày hôm nay (đó là còn chưa tính đến lãi suất và các khoản phí khác).

Nói cách khác, nhà đầu tư cần phải đạt tỷ suất lợi nhuận ít nhất 13% từ khoản vay trong một tháng để hoà vốn. Đây là vấn đề lớn hơn hẳn mức tăng lãi suất 0,15 điểm % của BoJ.

Vì vậy, các nhà đầu tư hoặc phải đóng vị thế carry trade và chấp nhận thua lỗ, hoặc phải bán bớt tài sản như cổ phiếu Mỹ để duy trì vị thế (tức không thực hiện khoản lỗ). Đó chính là những gì đã diễn ra vào đầu tuần trước: một cuộc đảo chiều của chiến lược carry trade bằng đồng yen.

Và thực tế là cuộc đảo chiều vẫn chưa kết thúc. Ông Arindam Sandilya, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của JPMorgan Chase, lưu ý yen vẫn là một trong những đồng tiền bị định giá thấp.

 

Nói đến đây, có lẽ nhiều người vẫn còn nghi ngờ tại sao chỉ một động thái của BoJ lại gây hỗn loạn lớn như vậy.

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta nên dành thời gian nhìn lại chính sách tiền tệ khác biệt của Nhật Bản trong ít nhất một thập kỷ qua để đánh giá tác động của nó đến dòng vốn toàn cầu.

Chính sách tiền tệ dị thường

Vào ngày 29/1/2016, Thống đốc BoJ lúc bấy giờ là ông Haruhiko Kuroda bất ngờ thông báo Nhật Bản sẽ áp dụng lãi suất -0,1%, bắt đầu từ ngày 16/2. Mục đích của các quan chức là bằng mọi cách phải đá bay giảm phát ra khỏi nền kinh tế.

Khi lãi suất xuống mức âm, người cho vay (ở đây là các ngân hàng) sẽ phải trả lãi thay vì nhận lãi. Logic rất đơn giản: nếu lãi suất âm, các ngân hàng sẽ không cho vay và thay vào đó sẽ giữ tiền mặt.

Giống như người dân bình thường cất tiền trong ngân hàng, các ngân hàng cũng giữ tiền mặt chưa sử dụng tại BoJ. Thông thường, họ sẽ nhận được một khoản tiền lãi nho nhỏ.

Tuy nhiên, do lãi suất âm, các ngân hàng lại bị BoJ tính thêm một khoản phí. Do đó, nếu các ngân hàng muốn tránh lãi suất âm đối với tiền gửi của mình, họ cần sử dụng chúng bằng cách cho khách hàng vay hoặc mua tài sản tài chính. Một trong những mục đích của chính sách mới là như vậy.

 

Một mục đích khác của BoJ là đẩy lãi suất thị trường xuống, thông qua lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) âm.

Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể sống tốt bằng cách giữ tiền mặt thay vì mua JGB với lãi suất âm. Vì lý do này, người ta có thể nghĩ rằng không ai muốn mua JGB và do đó lợi suất không thể giảm xuống dưới mức 0.

Song, từ ba năm trước, BoJ đã có những quyết sách riêng để phục vụ cho mục đích thứ hai này.

Ngay sau khi ông Kuroda nhậm chức vào tháng 3/2013, BoJ đã bắt đầu chiến lược “nới lỏng tiền tệ định lượng và định tính” (QQE), trong đó có việc mua thật nhiều JGB.

Sau khi tăng gấp đôi quy mô bảng cân đối kế toán trong hai năm, BoJ vẫn tiếp tục mua tài sản. Đến nay, ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn mua khoảng 6.000 tỷ yen JGB mỗi tháng và dự tính đến đầu năm 2026 mới giảm tốc độ.

Việc mua tài sản liên tục và lớn như vậy đã đẩy lợi suất JGB xuống thấp. Nếu BoJ sẵn sàng mua tài sản thì các tổ chức tài chính cũng vậy, bởi vì họ biết họ có thể chuyển tài sản mà mình đã mua cho BoJ với lãi suất thậm chí còn thấp hơn (đồng nghĩa rằng họ sẽ bán JGB với mức giá còn cao hơn so với khi mua vào).

 

Lãi suất và tỷ giá sẽ đi về đâu?

Đã 10 năm kể từ khi ngân hàng trung ương Nhật Bản áp dụng những biện pháp đó. Từ bỡ ngỡ, thị trường toàn cầu bây giờ đã quen thuộc với chính sách lãi suất âm của BoJ.

Vốn đầu tư cũng dần định hình dựa theo chính sách của BoJ, các giao dịch carry sử dụng đồng yen làm đồng tiền cấp vốn là một ví dụ.

Khi nắm quyền lãnh đạo BoJ vào tháng 4/2023, ông Ueda đã thừa hưởng một hệ thống chính sách tiền tệ phức tạp, dường như không thể đảo ngược. Bình thường hoá chính sách ở Nhật Bản không phải việc dễ dàng.

Bằng chứng là thị trường toàn cầu đã biến động dữ dội trong nhiều ngày sau lần tăng lãi suất thứ hai. Không ít nhà đầu tư đổ lỗi cho BoJ.

Đến mức, Phó Thống đốc Shinichi Uchida phải ra mặt trấn an nhà đầu tư rằng BoJ sẽ không tăng lãi suất khi tình trạng bất ổn của thị trường vẫn tiếp diễn.

Trong số 34 nhà kinh tế tham gia khảo sát mới đây của Bloomberg, khoảng 65% dự đoán lãi suất chính sách của Nhật Bản sẽ tăng một lần nữa trong năm 2024.

Các nhà giao dịch thì ít tự tin hơn. Họ đánh giá xác suất BoJ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 12 là 30%, giảm mạnh so với mức 60% vào một tuần trước.

Chia sẻ với Japan Times, ông Seamus Mac Gorain, trưởng bộ phận lãi suất toàn cầu của JPMorgan Asset Management, cho rằng khả năng cao BoJ sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ vào năm 2025 thay vì vào cuối năm 2024.

“Họ có thể thực hiện một loạt các đợt tăng lãi suất nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào bức tranh kinh tế toàn cầu. Chuyện này phụ thuộc vào việc Mỹ và nền kinh tế thế giới có tránh được suy thoái hay không”, ông Mac Gorain nói.

Sau đà tăng gần đây của đồng yen, nhiều chiến lược gia tiền tệ kỳ vọng đồng nội tệ của Nhật Bản sẽ đi lên vào cuối năm nay, đâu đó quanh mức 145 yen đổi 1 USD.

Nhìn xa hơn, các nhà phân tích của UBS dự đoán đồng tiền này sẽ tăng lên mức 130 yen đổi 1 USD vào năm sau, thay vì 140 như dự kiến trước đó.

 

Yên Khê

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.