|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tham gia tái cơ cấu được phép sở hữu chéo?

10:21 | 15/06/2017
Chia sẻ
Những ngày gần đây câu chuyện tái cơ cấu Sacombank luôn là chủ đề nóng trong giới tài chính, đặc biệt là khi xuất hiện những nhân vật từ LienVietPostBank sang tham gia ứng cử hội đồng quản trị (HĐQT) của Sacombank. Vấn đề sở hữu chéo lại được đặt ra khi ông chủ của LVPB có khả năng sẽ ngồi vào ghế nóng của Sacombank.
tham gia tai co cau duoc phep so huu cheo
Câu chuyện tái cơ cấu Sacombank luôn là chủ đề nóng trong giới tài chính. Ảnh: T.L

Mạng lưới sở hữu chéo dù thuyên giảm...

Vấn đề sở hữu chéo từ khi được phát hiện luôn là nan đề của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hệ quả của việc sở hữu chéo không những làm hạn chế hiệu quả của các chính sách điều hành mà còn gây ra rủi ro cục bộ cho hệ thống ngân hàng cũng như phát sinh những đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực và sự ảnh hưởng trong hoạt động của tổ chức, mà câu chuyện của Sacombank và Eximbank trong thời gian gần đây là minh chứng rõ nhất.

Chính vì vậy, thời gian qua, NHNN đã xây dựng nhiều chính sách để giảm dần tình trạng sở hữu chéo, mà Thông tư 36/2014/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1-2-2015) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) là một bước tiến quan trọng trong việc này. Ngoài ra, NHNN cũng kiên quyết xử lý những sai phạm nghiêm trọng trong việc vay vốn cầm cố và mua bán cổ phần qua lại giữa các ngân hàng của một số ông chủ trong giới ngân hàng.

Như trường hợp của ACB, vào năm 2012, ngân hàng này có các mối quan hệ sở hữu với cả Eximbank, Đại Á (hiện đã sát nhập vào HDBank), Vietbank và cũng nắm vốn tại Kienlongbank qua công ty chứng khoán ACB. Tuy nhiên, kể từ sau khi xử lý vụ án bầu Kiên thì ACB đã chuyển nhượng dần sở hữu ở các ngân hàng này. Tương tự, trong năm 2016, VietinBank đã thoái vốn tại SaigonBank từ mức 10,39% xuống còn 4,91%; Maritime Bank (MSB) giảm sở hữu tại Ngân hàng Quân đội (MBB) từ mức 8,96% xuống còn dưới 5%.

Để xử lý sở hữu chéo, các ngân hàng, ngoài việc thoái vốn thì có thể nhận sáp nhập luôn ngân hàng đang sở hữu, như trường hợp của MSB nhận sáp nhập MDBank hay Phương Nam sáp nhập vào Sacombank. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể xin phép mua lại các công ty tài chính đang sở hữu trở thành công ty con nhằm xử lý tình trạng sở hữu chéo tại các công ty tài chính, mà thực tế thời gian qua cũng đã chứng kiến hàng loạt thương vụ mua lại các công ty tài chính của các ngân hàng.

Hiện tại chưa có thông tin nào cho biết ông Dương Công Minh hoặc tổ chức liên quan có sở hữu cổ phiếu tại Sacombank, mà khả năng chỉ là đang tham gia hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng này với sự cho phép của NHNN.

...nhưng vẫn khó xử lý dứt điểm

Hiện tượng sở hữu chéo tuy có giảm sau khi Thông tư 36 ra đời nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, nếu như trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MBB; 8,2% Eximbank; 5,26% SaigonBank và 4,6% Ngân hàng Phương Đông (OCB), thì đến thời điểm này Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBB; 8,19% Eximbank; 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank. Hay như tại MSB, dù đã giảm tỷ lệ sở hữu tại MBB và nhận sáp nhập MDBank, nhưng thông tin từ cuộc họp đại hội đồng cổ đông vừa qua cho thấy MSB vẫn còn đang sở hữu 4,85% cổ phần ở MBB; 9,98% ở PGBank và 4,66% ở PVcomBank.

Tương tự, Eximbank vẫn đang sở hữu 8,76% vốn tại Sacombank và chưa thể thoái được do Sacombank đang trong giai đoạn tái cấu trúc, trong khi đó vào năm 2015 rộ lên thông tin một số cá nhân tại Ngân hàng Nam Á đang gom cổ phiếu của Eximbank với mục đích thâu tóm ngân hàng này nhưng sau đó bất thành. Ngoài ra, dữ liệu trước đây cho thấy Nam Á cũng có sở hữu 3,5% vốn tại Ngân hàng Bản Việt.

Thực tế, triệt tiêu tình trạng sở hữu chéo không phải là việc dễ dàng, nhất là khi ngành ngân hàng vẫn đang đối mặt muôn vàn khó khăn. Những ngân hàng muốn thoái vốn thì một số có kết quả kinh doanh không tốt hoặc đang phải tái cơ cấu nên khó bán, nguồn lực từ giới đầu tư cũng bị hạn chế, trong khi với dòng tiền đầu tư muốn tham gia góp vốn mua cổ phần ngân hàng thì NHNN yêu cầu phải chứng minh rõ ràng nguồn gốc nhằm tránh quay về tình trạng sở hữu chéo.

Ngoài ra, một lượng lớn cổ phần ngân hàng cũng đang được rao bán từ các cổ đông là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, nên việc thoái vốn của các TCTD càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, một số ngân hàng vẫn có chồng chéo, đan xen những lợi ích, do đó một số nhóm lãnh đạo, cá nhân thật sự không muốn thoái vốn để tranh giành ảnh hưởng dẫn dắt ngân hàng nhằm duy trì lợi ích.

Một điều cần lưu ý nữa là các ngân hàng ngoài việc sở hữu cổ phần lẫn nhau thì thời gian gần đây còn tăng cường mua trái phiếu, giấy tờ có giá kỳ hạn dài lẫn nhau nhằm giúp tăng nguồn vốn tự có cấp 2. Về bản chất, điều này không vi phạm sở hữu chéo. Tuy nhiên, việc đầu tư vốn lẫn nhau như trên vẫn làm tăng rủi ro cục bộ cho hệ thống, do lúc này các ngân hàng dù không là cổ đông của nhau nhưng lại trở thành chủ nợ của nhau nên các lợi ích lại trở nên đan xen chằng chịt và rủi ro song hành.

Tham gia tái cấu trúc, tăng tình trạng sở hữu chéo?

Trở lại câu chuyện về ông Dương Công Minh, nguyên là Chủ tịch HĐQT của LVPB, hiện cùng với gia đình nắm giữ 5% cổ phần tại ngân hàng này. Ông đồng thời cũng là người đang đại diện cho Him Lam sở hữu 14,98% LVPB. Vậy thì việc ông Minh tham gia ứng cử vào HĐQT Sacombank liệu có phải đang vi phạm quy định về sở hữu chéo theo một số ý kiến gần đây nêu ra?

Hiện tại, chưa có thông tin nào cho biết ông Minh hoặc tổ chức liên quan có sở hữu cổ phiếu tại Sacombank, mà khả năng chỉ là đang tham gia hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng này với sự cho phép của NHNN. Dù vậy, về lâu dài khả năng ông Minh hoặc tổ chức có liên quan tăng nắm giữ cổ phần của Sacombank vẫn có thể xảy ra.

Thông tư 36 quy định một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá hai TCTD khác, với tỷ lệ sở hữu phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN. Do đó, các trường hợp ngoại lệ được thực hiện khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu là nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho TCTD gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận, hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, nếu ông Minh cùng LVPB tham gia hỗ trợ tái cơ cấu Sacombank thì việc mua nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho Sacombank có thể vẫn được phép, nhằm đảm bảo lợi ích song hành. Và về lâu, khả năng hợp nhất hai ngân hàng này lại để tránh tình trạng sở hữu chéo nếu có không phải không thể xảy ra, nhất là khi hai ngân hàng trên gần đây đang có định hướng chiến lược phát triển tương tự, với phân khúc khách hàng trọng tâm gần như nhau.

tham gia tai co cau duoc phep so huu cheo Thống đốc NHNN: Sở hữu chéo rất khó phát hiện và kiểm soát

Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số TCTD vẫn ...

tham gia tai co cau duoc phep so huu cheo Sở hữu chéo tại Vietcombank bao giờ được giải?

Với việc sở hữu vốn cổ phần tại 5 TCTD trong đó có ba TCTD vượt mức sở hữu quy định của NHNN là 5%, ...

tham gia tai co cau duoc phep so huu cheo Quyết liệt xử lý tình trạng sở hữu chéo ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, sẽ tiếp tục xử lý quyết liệt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Thụy Lê