|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: Giảm tỷ lệ sở hữu cũng khó ngăn việc thao túng ngân hàng

17:02 | 04/12/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia quy định về tỷ lệ sở hữu không phải là vấn đề, vấn đề chính là minh bạch sở hữu và giám sát cho vay, bài học nhãn tiền là vụ việc xảy ra tại Ngân hàng SCB vừa qua.

Các quy định để ngăn chặn sở hữu chéo ngân hàng là một trong những vấn đề làm nóng nghị trường kỳ họp Quốc hội vừa qua. 

Tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi),tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân, tổ chức được đề xuất giảm từ mức 5% và 15% vốn điều lệ xuống còn 3% và 10%, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%.

Quy định đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các đại biểu quốc hội. Đánh giá đây là dự thảo Luật quan trọng, phức tạp, Chủ tịch Quốc hội cho biết Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.

Tỷ lệ sở hữu không phải là vấn đề, vấn đề là minh bạch và giám sát

Theo các chuyên gia việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định; tránh trường hợp nhờ đối tác, người quen, đứng tên sở hữu hộ, cổ phần hộ, dù nhóm này không phải là "bên liên quan" theo quy định của pháp luật, nhưng thực tế có quen biết, cùng nhau nắm cổ phần chi phối.

PGS TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế HCM. (Ảnh: VNB).

PGS TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế HCM, cho rằng rất khó để xử lý sở hữu chéo vì nó rất tinh vi. Kể cả giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của mỗi cổ đông ngân hàng nhưng nếu các đối tượng này cố tình đứng tên hộ thì cũng không thể xử lý được.

Bài học nhãn tiền là vụ việc xảy ra tại Ngân hàng SCB vừa qua, bà Trương Mỹ Lan cũng sử dụng hàng chục cổ đông đứng tên hộ để chi phối ngân hàng SCB chứ trên danh nghĩa bà Lan chỉ sở hữu chưa đến 5% cổ phần.

Theo kết luận điều tra, bà Lan chỉ đứng tên hơn 4% cổ phần, 80% còn lại nhờ... 74 người khác đứng tên nhằm tránh quy định một cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% cổ phần của một ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Thực chất năm 2018, bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần ở SCB dưới danh nghĩa của 27 pháp nhân, cá nhân. 

Vì vậy, việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân, tổ chức có thực sự hiệu quả khi tình trạng đứng tên hộ vẫn xảy ra rất phổ biến, chuyên gia đặt vấn đề.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. (Ảnh: NVCC).

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng nhìn nhận tỷ lệ sở hữu ngân hàng như quy định hiện hành là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thậm chí, nhiều quốc gia còn chấp nhận tỷ lệ sở hữu cao hơn Việt Nam.

“Tỷ lệ sở hữu không phải là vấn đề, vấn đề chính là minh bạch sở hữu và giám sát cho vay. Nếu các ông chủ ngân hàng nắm 15 - 20% vốn ngân hàng thì không ai có thể lũng đoạn ngân hàng. Thực tế các trường hợp khuynh đảo ngân hàng vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của các ông chủ nhà băng lên tới 80 - 90%”, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Giảm giới hạn cấp tín dụng lại có thể dẫn đến những xáo trộn không cần thiết

Một điểm mới tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là quy định giảm giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quy định này cũng khó có thể xử lý triệt để tình trạng "sân sau - sân trước".

Thay vì một khách hàng vay để đầu tư dự án, các đối tượng tách thành nhiều khách hàng và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Như vụ việc tại Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan sử dụng hàng trăm pháp nhân và chiếm tới 93% dư nợ của SCB.

TS. Huân cho biết vụ việc xảy ra tại Ngân hàng SCB cho thấy vấn đề này đang rất nhức nhối và có thể còn xảy ra ở một số ngân hàng khác. Ngay cả trên thế giới các cơ quan quản lý cũng rất khó khăn trong việc xử lý tình trạng này chứ không riêng gì Việt Nam.

"Quá trình phạm tội của các đối tượng thường rất tinh vi mà các nghiệp vụ bình thường của cơ quan quản lý khó phát hiện. Quan trọng nhất là phải nâng cao tính minh bạch của ngân hàng bởi các biện pháp chỉ mang tính hạn chế chứ khó có thể xử lý triệt", chuyên gia nói.

Trong khi đó, việc giảm giới hạn cấp tín dụng lại có thể dẫn đến những xáo trộn không cần thiết với nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, khi dự án tốt cần vốn lại không thể vay do hạn mức cấp tín dụng bị giảm hay việc nhà đầu tư lớn phải thoái vốn vì quy định mới.

Cần có quy định minh bạch thông tin các ngân hàng

Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là phải minh bạch toàn bộ thu nhập và tài sản cá nhân của các các nhân, tổ chức là cổ đông ngân hàng. Cần xác định nghĩa vụ công bố thông tin với cổ đông và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trên một mức cụ thể. 

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, hiện nay Luật Chứng khoán đã quy định rõ về trách nhiệm công bố thông tin tuy nhiên những công ty chưa niêm yết như Ngân hàng SCB lại không phải tuân theo quy định này. Vì vậy, cần có quy định về minh bạch thông tin với toàn bộ hệ thống ngân hàng để tránh tình trạng nhờ người đứng tên hộ, sử hữu chéo...

Ông cho rằng phải kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.

"Dòng tiền không phải tự nhiên có, phải từ đâu, cá nhân nào. Vụ việc của Vạn Thịnh Phát cho ta thấy bài học rất lớn, một cá nhân không có thu nhập cao, tài sản lớn lại trở thành cổ đông ngân hàng thì cần xem xét kỹ", ông nói.

Giải pháp thứ hai được các chuyên gia đưa ra là cần nâng cao trách nhiệm giám sát của các chủ thể trong xã hội. Chia sẻ trên VTV, Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Đại học Bristol, Anh cho hay ở các nước, do hệ thống giám sát có thể tổ chức thành song song, nên có thể giám sát chéo lẫn nhau.

"Tức là có một tổ chức giám sát tài chính, họ giám sát chéo phía bên ngân hàng nhà nước và ngược lại ngân hàng nhà nước được giám sát chéo lại tổ chức giám sát xem đã thực hiện đúng chưa", ông Tuấn nói.

Không chỉ cơ quan có trách nhiệm giám sát trực tiếp như Ngân hàng Nhà nước mà những chủ thể giám sát độc lập như đại biểu quốc hội và truyền thông cũng cần tăng cường giám sát thông qua hệ thống thông tin minh bạch công khai.

Hạ An