Thống đốc NHNN: Khó xử lý triệt để nhưng sẽ có quy định để giảm hiện tượng sở hữu chéo, 'sân sau' tại các ngân hàng
Sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc họp về lĩnh vực ngân hàng. Trình bày báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, các nội dung yêu cầu của Quốc hội thuộc lĩnh vực ngân hàng cơ bản được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Cơ quan thẩm tra ghi nhận việc xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiệu quả hơn...
Cụ thể, các giải pháp thu hút ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước được triển khai tích cực. Các hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường, đổi mới. Xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm. Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.
Cũng tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng và cho rằng tình trạng sở hữu chéo tại ngân hàng thương mại là vấn đề còn nan giải, theo Báo Dân trí.
"Nội dung này có tác động gì đến chính sách trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và đặc biệt là có sự tác động, ảnh hưởng gì đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế không?", ông Tới đặt câu hỏi và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào thông qua việc sửa đổi Luật.
Sẽ có quy định giảm sở hữu chéo, "sân sau, sân trước"
Giải trình sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nêu rõ vấn đề sở hữu chéo, thao túng, sân trước sân sau trong lĩnh vực ngân hàng được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện các quy định của pháp luật, triển khai trong thực tiễn để khắc phục.
Theo bà Hồng, trên hồ sơ, sở hữu chéo cơ bản được khắc phục nhưng trên thực tế, tổ chức và cá nhân vẫn có thể thống kê hộ về sở hữu cổ phần hoặc thành lập các doanh nghiệp để vay vốn của ngân hàng. Qua điều tra các vụ việc vừa qua, vấn đề này đã được phát hiện.
Vì vậy, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan để tham mưu Chính phủ thiết kế một nhóm giải pháp để giảm hiện tượng này.
Một trong số đó là mở rộng phạm vi, khái niệm có liên quan, cũng như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng băn khoăn rằng, khócó thể xử lý triệt để vấn đề chống sở hữu chéo, chống thao túng và chống "sân trước, sân sau".
Bởi dù cho có các quy định mở rộng đối tượng nhưng doanh nghiệp hay cá nhân vẫn cố tình nhờ người khác đứng tên, thì vấn đề vẫn không thể xử lý được. Thực tế, ngay cả khi ở Ngân hàng Nhà nước xảy ra tình trạng này, đơn vị vẫn chỉ có thể nhờ cơ quan điều tra vào cuộc.
Dù vậy, Thống đốc cho rằng "nếu chờ có một quy định xử lý triệt để thì sẽ không bao giờ có". Không chỉ ở Luật Các tổ chức tín dụng, mà cả trong văn bản quy phạm pháp luật khác hay lĩnh vực khác, quy định phải làm sao khiến hoạt động của doanh nghiệp và người dân ngày càng minh bạch, Thống đốc cho hay.