|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: Sở hữu chéo ngân hàng ngày càng tinh vi, cần áp dụng chế tài xử phạt thật nặng

09:47 | 07/07/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, nếu phát hiện ra một vụ việc cho vay sân sau thì cần có chế tài xử phạt nặng hơn phần lợi ích họ nhận được mới đủ sức răn đe để tránh lặp lại tình trạng này.

Phát biểu tại Talk show Bản chất sở hữu chéo: Ngân hàng trong tay "trùm"? do Báo Sài Gòn Đầu tư - Tài chính tổ chức ngày 6/7, TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, sở hữu chéo đang là vấn đề đáng lo ngại trên thị trường tài chính khi các công ty con liên quan đến các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) đi vay tại ngân hàng.

Thị trường tài chính phát triển, sở hữu chéo ngày càng tinh vi

"Vấn đề này không mới và cũng xuất hiện ở các quốc gia khác với tên gọi "insider lending" nhưng đối với Việt Nam thì việc quản lý còn khá lỏng lẻo", ông Chí nói.

Theo chuyên gia, nguyên nhân khiến vấn đề sở hữu chéo ngày càng khó phát hiện và quản lý một phần là do sự phát triển của thị trường tài chính với những định chế mới, phức tạp hơn.

Ở thị trường ở thời kỳ sơ cấp 10 năm trước, các cá nhân, doanh nghiệp đi vay trực tiếp thông qua việc cầm cố tài sản, sau đó chuyển sang cho vay bằng cầm cố cổ phần và đến nay là trái phiếu doanh nghiệp.

"Những năm gần đây, khi thị trường trái phiếu nở rộ thị trường tài chính xuất hiện câu chuyện mua trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo là chính cổ phiếu của ngân hàng, do đó các vấn đề sở hữu chéo đã phát triển đến một mức độ tinh vi", ông Chí nói.

Các công cụ này khiến sở hữu chéo không phải chỉ đơn giản là ngân hàng này sở hữu cổ phần của ngân hàng khác như thời kỳ trước năm 1997 khi Luật Các tổ chức tín dụng ra đời mà đến nay, có cả một hệ sinh thái đằng sau và sử dụng mọi công cụ từ phần vốn góp cổ phần là tài sản trong các ngân hàng cho đến chính cổ phần của cổ đông cũng được mang đi thế chấp.

Toàn cảnh talk show Bản chất sở hữu chéo: Ngân hàng trong tay "trùm"?. (Ảnh chụp màn hình).

Đây cũng là lý do thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua phát triển rất mạnh mẽ nhưng chủ yếu là chào bán riêng lẻ cho một vài nhà đầu tư lớn. Đồng thời, trên báo cáo tài chính của một số ngân hàng cũng cho thấy sự gia tăng tín dụng thông qua việc mua trái phiếu. 

Điều này cho thấy sự phát triển các công cụ tài chính đã tạo điều kiện cho sở hữu chéo ngày càng tinh vi hơn, không chỉ cho vay trực tiếp mà còn sử dụng các công cụ để tài trợ lẫn nhau nhằm mục đích chi phối ngân hàng đó.

Để hạn chế tình trạng này, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó cũng đề cập đến việc quản lý sở hữu chéo tại các ngân hàng. 

Tuy nhiên, kể cả khi áp dụng những quy định dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, vẫn khó có thể xử lý triệt để vấn đề này khi có rất nhiều chiêu trò, biến tướng. Đơn cử như việc việc giảm tỷ lệ sở hữu của các ông chủ ngân hàng, họ có thể sẽ lách luật bằng cách tạo ra các doanh nghiệp đằng sau đó và biến tài sản góp vốn để đi vay có đảm bảo trên thị trường tài chính.

Cùng với sự phát triển các công cụ tài chính trên thị trường đòi hỏi phải có sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn. Các doanh nghiệp "sân sau" rất khó để điều tra và kiểm soát nên điều khoản trong Luật Các Tổ chức tín dụng về việc giới hạn cho vay các công ty liên kết của "ông chủ" ngân hàng cũng không có nhiều tác dụng, TS. Chí nhìn nhận.

Áp dụng chế tài xử phạt mạnh hơn để hạn chế sở hữu chéo 

Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương Quốc Anh. (Ảnh chụp màn hình).

Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) cũng đánh giá rằng, rất khó để xử lý hoàn toàn vấn đề sở hữu chéo tại ngân hàng. Ngay cả việc đưa thành viên độc lập vào HĐQT các ngân hàng, nếu không có đủ chuyên môn cũng sẽ dễ dàng bị qua mặt.

Hoặc các "ông chủ" ngân hàng thường đề cử những người thân tín vào làm thành viên độc lập HĐQT, ngay cả khi cổ đông nhỏ lẻ phản đối cũng không có tác dụng do không đủ phiếu bầu.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, ông Tuấn chỉ ra rằng, việc lựa chọn thành viên độc lập HĐQT cần có một thể chế khác, không dựa trên số phiếu. Ví dụ như ở Đức, họ có đưa ra thể chế một số thành viên HĐQT được bầu vào mà không dựa trên số phiếu từ tỷ lệ sở hữu của các ông chủ. Tuy nhiên, cơ chế này cũng có những hạn chế nhất định nên cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng.

Tuyến phòng thủ thứ hai là chế tài xử phạt. Tại nhiều quốc gia phương Tây, họ có mô hình cho phép cổ đông nhỏ lẻ kiện cổ đông lớn và không cần toàn bộ cổ đông nhỏ phải đi kiện mà chỉ cần đại diện, nếu cổ đông nhỏ thắng kiện toàn bộ các cổ đông nhỏ khác cũng được đền bù một khoản tương tự.

Vì vậy, giá trị xử phạt của cơ chế này rất lớn nên HĐQT nếu không hoàn thành nhiệm vụ gây tổn thất cho cổ đông lớn sẽ phải chịu đền bù. "Việc mang mô hình quản trị doanh nghiệp phương Tây vào nhưng không có chế tài xử lý phù hợp thì rất khó đủ tính "răn đe" các doanh nghiệp", GS. Hồ Quốc Tuấn cho hay. 

Một giải pháp nữa là nếu phát hiện ra một vụ việc cho vay sân sau thì cần có chế tài xử phạt nặng hơn cả lợi ích họ nhận được. Việc bị phạt nặng hơn số lợi mà ngân hàng cho doanh nghiệp sân sau vay sẽ đủ sức răn đe để tránh lặp lại tình trạng này.

Ở góc độ vĩ mô, GS. TS. Trần Ngọc Thơ cho rằng, việc cho vay trong cùng hệ sinh thái, góp vốn ảo không tạo ra giá trị cho nền kinh tế nên tại nhiều quốc gia nếu phát hiện điều này họ sẽ trừ hết phần vốn ảo đó trong tổng vốn của ngân hàng.

Đây có thể là một bài học kinh nghiệm để chúng ta có thể học hỏi và xử lý triệt để sở hữu chéo trong thời gian tới.

Ông cũng cho rằng, bản chất sở hữu chéo của thị trường tài chính Việt Nam có phần khác với sở hữu chéo của một số quốc gia trên thế giới. Bản chất sở hữu chéo của Việt Nam là việc một vài "ông chủ" đứng đằng sau và thâu tóm, nắm quyền kiểm soát, cho vay thân hữu tập trung vào bất động sản.

"Việc cho vay các tập đoàn bất động sản khiến giá đất ở Việt Nam bị thổi phồng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế", GS. Thơ đánh giá.

Hạ An

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.