Chuyên gia: Cần cân nhắc việc có thể xử lý hình sự những chủ ngân hàng vi phạm quy định về sở hữu chéo
Xem xét xử lý hình sự chủ ngân hàng sai phạm
Phát biểu tại Talk show: "Bản chất sở hữu chéo: Ngân hàng trong tay 'trùm'?", GS.TS. Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP HCM, cho biết có thể cần xem xét các biện pháp hình sự để xử lý các chủ ngân hàng sai phạm.
Chuyên gia chỉ ra các dẫn chứng từ việc xử lý các vi phạm về sở hữu chéo trên thế giới. Theo đó, tại Mỹ, từ sau sự kiện Lehman Brothers vào năm 2008, nước này đã đưa ra một loạt hướng dẫn để hệ thống ngân hàng được hoạt động an toàn.
Từ đó đến nay, đã có hàng loạt vụ kiện cáo và xử lý hình sự những thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), giám đốc và CEO điều hành ngân hàng. Bên cạnh trách nhiệm dân sự, các chủ ngân hàng tại Mỹ cũng phải đối diện với trách nhiệm hình sự. Kết quả, tình trạng làm không đúng chức năng của thành viên HĐQT tại Mỹ đã giảm nhiều.
Ông Thơ cũng lấy ví dụ ở Đức, khi luật pháp quy định "ngân hàng là nơi đầu tiên có trách nhiệm xử lý, báo cáo lên các cơ quan quản lý thị trường, chứ không phải cơ quan quản lý thị trường phải kiểm soát tất cả".
Nhận định về tình trạng sở hữu chéo tại Việt Nam, chuyên gia nói rằng bản chất của hiện tượng này là bởi ngân hàng nằm trong tay một vài ông chủ "mà ai cũng biết tên là ai", nhưng không có chứng cứ.
TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định mấu chốt của vấn đề nằm ở HĐQT. Ông Chí đồng ý với ý kiến rằng trách nhiệm pháp lý với HĐQT là cần thiết, đặc biệt trong một hệ thống có vai trò quan trọng như ngành ngân hàng.
Vị này chỉ ra rằng Việt Nam cũng có những điều luật để cổ đông khởi kiện các nhà quản trị gây tổn hại, nhưng việc xác định tổn thất lại rất khó khăn. Bởi vậy, cần ngân hàng cần có sự minh bạch với cổ đông, với thị trường để tăng cường khả năng giám sát.
Ông Chí nhận định khi sở hữu chéo phát triển ở mức độ cao, cùng với sự phát triển của hệ thống tài chính, NHNN một mình sẽ không thể giám sát nổi. "Có hiện tượng những nhóm cổ đông được lập lên chỉ để để cử một số cá nhân vào HĐQT", ông nói.
Kết quả là, mức độ chấp nhận rủi ro của những người đại diện cho ngân hàng cực kỳ lớn. Bởi vậy, theo ông Chí, pháp luật cần phải răn đe trách nhiệm của thành viên HĐQT trong việc tìm kiếm rủi ro và sử dụng vốn của ngân hàng.
Theo ông, ngay cả khi dùng công nghệ dể truy xét thì việc xác nhận sở hữu chéo cũng không hề dễ dàng. Bởi vậy, "chúng ta cần công bố danh tính của những nhóm cổ đông lớn để thị trường giám sát", ông đề xuất.
Xây dựng "gia phả" công ty của các cá nhân
Theo TS. Hồ Quốc Tuấn - Đại học Bristol - Anh, minh bạch là có dữ liệu. Thứ nhất, cần công bố công ty liên quan, người có liên quan. Từ những thông tin này, các công ty dữ liệu có thể mô hình hóa, tạo ra "gia phả" công ty của một cá nhân.
Chuyên gia Tuấn cũng nhắc đến vai trò của các cơ quan báo chí. Nhờ có dữ liệu, các cơ quan báo chí có thể theo dõi hoạt động của các cá nhân, đăng tải thông tin về tình trạng sở hữu chéo và "đánh động thị trường". Từ việc phân tích này, cơ quan quản lý có thể hành động.
Ông Tuấn gợi ý rằng cần xây dựng một "cơ quan độc lập, hợp tác với những cơ quan như Thuế, Ủy ban Chứng khoán, yêu cầu báo cáo của một ngân hàng quan trọng phải có những gì". Cơ quan giám sát độc lập sẽ có trách nhiệm tổng hợp, công bố thông tin.
Như vậy, theo chuyên gia, có thể tách biệt trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và trách nhiệm giám sát, công bố thông tin của cơ quan quản lý mới được tạo ra này.
Không thể đòi hỏi minh bạch tuyệt đối
Chuyên gia Tuấn lại cho rằng về mặt lý thuyết, đôi khi sự thiếu minh bạch của ngân hàng là bản chất của hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, việc đòi hỏi sự minh bạch tuyệt đối của hệ thống ngân hàng là rất khó. Đồng thời, những thuật ngữ trong ngành ngân hàng khi được minh bạch hóa cũng quá khó hiểu với công chúng.
Theo ông, vì ngân hàng là "mô hình cung cấp máu cho nền kinh tế, nên khi siết quá chặt, lượng vốn sẽ bị ứ đọng". Ông Tuấn cho biết tại Trung Quốc, do có quá nhiều tầng quản lý, các ngân hàng không dám làm, không dám hạ lãi suất cho vay, bất chấp việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm lãi suất điều hành.
Chuyên gia cho rằng cần phải câng bằng giữa việc quản lý và để ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế. Đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì kiểm soát quá chặt có thể tạo ra vấn đề.
Ông Tuấn cho biết với tình hình Việt Nam, chúng ta sẽ không thể loại bỏ hết rủi ro, nhưng sẽ cố gắng hạn chế rủi ro, và sử dụng các chế tài để xử lý khi lãnh đạo ngân hàng làm sai.