|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Ông lớn' taxi truyền thống và bài toán chuyển đổi sang xe điện

09:44 | 01/08/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh ngành taxi Việt Nam đang chuyển mình theo hướng xanh hóa, các doanh nghiệp đang có những bước đi khác nhau. Một số hãng đã chuyển sang sử dụng xe điện hoàn toàn, còn Mai Linh hay Vinasun lại chọn con đường tiếp cận thận trọng hơn với xe hybrid.

Trong tháng 7, theo World Alliances Journal, tập đoàn Mai Linh đã có chuyến thăm và làm việc với tập đoàn Phillips International của Hàn Quốc. Hai bên dự kiến sẽ hợp tác phân phối các sản phẩm xe điện tại thị trường Việt Nam.

Đồng thời cả hai cam kết xây dựng một nhà máy sản xuất chung tại Việt Nam thông qua chuyển giao công nghệ. Mai Linh sẽ phối hợp với Phillips International để lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất hoặc cơ sở sản xuất chung tại Việt Nam, thông qua đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Hiện phía Mai Linh chưa có thông tin chính thức về vụ việc này. Song với động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy hãng taxi có thị phần lớn bậc nhất Việt Nam cũng đang rục rịch tiến vào đường đua xanh. 

Nhiều hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun đang tiếp cận xu hướng xanh hoá giao thông một cách thận trọng. (Ảnh: Báo Đầu Tư).

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo Mai Linh từng cho biết chưa sẵn sàng với xe điện và taxi điện. Cụ thể, phía Mai Linh cho biết hãng đã nhận thấy xu hướng xe điện đang dần trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

Tuy nhiên, "sau khi nghiên cứu và phân tích chuyên sâu, Mai Linh nhận thấy xe điện chưa thật sự phù hợp và tối ưu tại thị trường Việt Nam... Mai Linh đang chuyển dần từ xe sử dụng nhiên liệu xăng thuần túy sang dòng xe hybrid".

Ban đạo Mai Linh giải thích sau khi nghiên cứu doanh nghiệp nhận thấy cơ sở hạ tầng và việc xử lý pin điện chưa thực sự phù hợp với hãng. Sau đó, hãng taxi đã công bố kế hoạch chuyển đổi các dòng xe cũ sang phương tiện thân thiện hơn với môi trường. Thay vì nâng cấp lên dòng xe vận hành 100% bằng điện, Mai Linh quyết định chuyển hướng sang xe hybrid.

Mai Linh bắt tay với Toyota Việt Nam trong dự án đầu tư 9.999 xe, kỳ vọng hoàn thành trong vòng ba năm. Riêng năm 2024, Mai Linh đặt mục tiêu đầu tư 2.224 xe, bao gồm 1.000 xe hybrid.

Chiến lược chuyển đổi xanh của Mai Linh có điểm tương đồng với một hãng taxi truyền thống khác là Vinasun. Hồi giữa tháng 6, Vinasun đã chính thức ra mắt dịch vụ taxi hybrid tại Việt Nam với việc tiếp nhận 806 xe hybrid từ Toyota. Hãng này đặt mục tiêu đầu tư 2.000 xe Toyota hybrid trong năm 2025.

Lý giải cho quyết định chọn xe hybrid thay vì xe điện, ban lãnh đạo Vinasun khẳng định đã nghiên cứu kỹ lưỡng và nhận thấy xe hybrid không chỉ tiết kiệm chi phí vận hành (tiết kiệm nhiên liệu và không cần thời gian sạc pin) mà còn giảm thiểu khí thải CO2, góp phần bảo vệ môi trường.

Trao đổi với người viết, ông Trần Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Vinasun cho rằng hiện tại có quá ít sự lựa chọn về ô tô điện khi VinFast thể hiện sức mạnh tuyệt đối trên sân nhà. Là một đơn vị vận tải, Vinasun cần tính toán kỹ các điểm sạc cho đội xe của mình, không để cho hoạt động sạc điện ảnh hưởng tới quá trình vận hành kinh doanh. Bên cạnh đó, các chi phí liên quan đến sửa chữa, bảo dưỡng xe điện cũng là một điều khiến nhà điều hành hãng taxi truyền thống này phải lưu tâm.

Trong khi đó, dưới sự đầu tư mạnh mẽ từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng và VinFast, xu hướng chuyển đổi sang xe điện đang thực sự diễn ra trong ngành taxi Việt Nam.

Bên cạnh hãng taxi thuần điện XanhSM - vốn được vận hành bởi GSM của ông Phạm Nhật Vượng, nhiều hãng taxi truyền thống như MaiLove, Én Vàng, Lado, Bách Đại Dũng đã bắt đầu đầu tư xe điện. Tại Phú Yên, hãng taxi Let’s Go Taxi cũng đã đưa những chiếc xe điện Wuling Mini EV vào hoạt động vận tải hành khách.

Cùng dải đất miền Trung, công ty vận tải Sơn Nam (tiền thân là Công ty TNHH Mai Linh Nghệ An) đã hợp tác cùng GSM để triển khai dịch vụ taxi điện đầu tiên tại Nghệ An mang thương hiệu MaiLove.Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, Sơn Nam sẽ thuê 255 xe VinFast VF 5 và 50 xe VinFast VF e34 từ Công ty GSM để vận hành dịch vụ taxi điện MaiLove tại Nghệ An. 

 Ô tô điện của VinFast được nhiều hãng taxi truyền thống lựa chọn. (Ảnh: GSM).

Theo báo cáo của GSM, sau một năm ra mắt, Xanh SM đã phục vụ hơn 50 triệu lượt khách, góp phần giảm 52.000 tấn CO2 thải ra môi trường. Bên cạnh đó, GSM cho biết hiện đã có hơn 30.000 xe taxi điện, chiếm 40% tổng số xe điện hoạt động tại thị trường.

Sự chuyển đổi này phù hợp với mục tiêu mà Chính phủ đã ban hành tại Quyết định 876/QĐ-TTg. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh phải đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng đang đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích chuyển đổi phương tiện, đặc biệt là xe taxi và xe buýt. Đồng thời, cơ quan này đang sửa đổi quy chuẩn về trạm dừng nghỉ, yêu cầu bố trí vị trí sạc xe điện tại các bến xe và hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Thành Vũ