|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

GSM tuyên bố muốn tạo ra xu hướng mới cho ngành taxi và màn đáp trả từ Mai Linh

16:44 | 18/08/2023
Chia sẻ
Theo GSM, tiêu chuẩn mới cho ngành taxi là xe điện nhưng Mai Linh thì lại nói không.

Ngày 15/8, Toyota Việt Nam và CTCP Tập đoàn Mai Linh đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược. Trong đó, Tập đoàn Mai Linh sẽ đầu tư 10.000 xe trong vòng 5 năm kể từ năm 2023, xây dựng kế hoạch thay thế xe cũ bằng các mẫu xe thương hiệu Toyota. 

Ngược lại, Toyota sẽ cung cấp các mẫu xe với giá ưu đãi, đồng thời áp dụng các ưu đãi khác về chuỗi giá trị và dịch vụ chính hãng chất lượng cho Mai Linh.

Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Hồ Huy - Chủ tịch Mai Linh cho biết: “Với kinh nghiệm 34 năm hoạt động trong lĩnh vực này, từ lâu, chúng tôi đã xác định sản phẩm xe của Toyota là phù hợp nhất, được ưa chuộng nhất đối với nhà đầu tư cũng như khách hàng”.

Chiến lược này của Mai Linh dường như đang đi ngược xu hướng chung của thị trường taxi, đó là sử dụng ô tô điện. Xu hướng này bắt đầu tư công ty GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi chính thức vận hành hãng taxi Xanh SM tại Hà Nội vào tháng 4/2023.

GSM đặt ra mục tiêu đưa 20.000 ô tô điện VinFast vào hoạt động taxi trong năm nay, hiện diện tại 27 tỉnh, thành trên cả nước.

Sau sự xuất hiện của Xanh SM, các hãng taxi trong nước bắt đầu bước vào giai đoạn điện khí hoá. 

Chẳng hạn, Sun Taxi - một công ty vận tải hoạt động chủ yếu tại 15 tỉnh thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, đã đặt mua 3.000 ô tô điện VinFast để làm mới đội hình taxi.

Hay Lado Taxi (Lâm Đồng) cũng nhanh chóng thiết lập quy mô 1.000 ô tô điện để chạy taxi, hoạt động tại 6 tỉnh phía Nam gồm Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Hải Phòng, hãng taxi Én Vàng đã đạt mua 500 ô tô điện VinFast. Những chiếc xe taxi điện Én Vàng đã bắt đầu hoạt động từ dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay.

 Taxi điện trở thành xu hướng được nhiều công ty vận tải truyền thống hưởng ứng. (Ảnh minh hoạ: Đức Huy).

Trước làn sóng thay đội hình xe taxi chạy xăng bằng xe điện, cổ đông của “ông lớn” Vinasun đã bày tỏ lo lắng trong Đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra hồi cuối tháng 4.

Đáp lại, lãnh đạo Vinasun cho biết hãng đã nghiên cứu, đánh giá, tính toán chi phí cũng như tiếp cận khi nào đầu tư vào xe điện. Đồng thời tiết lộ kinh doanh xe điện là một chỉ tiêu trong năm nay của Vinasun.

Mặt khác, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, ông Trần Anh Minh trấn an cổ đông rằng: “Taxi điện chỉ là một phương tiện. Đối với taxi, khách hàng cần sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, phủ lấp đầy, có các phương tiện như app, tổng đài, để phục vụ khách hàng nhanh nhất”.

Tuy nhiên, có thể thấy ngay từ đầu Mai Linh đã đứng ngoài cuộc đua taxi điện. Hãng khá im hơi lặng tiếng trước những diễn biến dồn dập trên thị trường. Song không bởi vậy mà Mai Linh bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua giành thị phần.

Tháng 5, sau khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2022, hãng taxi của ông Hồ Huy đã cắt mạch lỗ sau 4 năm, ghi nhận lãi sau thuế 1 tỷ đồng. Doanh thu thuần Mai Linh tăng 55% so với cùng kỳ, đạt gần 1.647 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt hơn 416 tỷ đồng.

Để có được điều này, Mai Linh đã sử dụng rất nhiều chiến thuật để quay trở lại đường đua, từ hợp tác với fintech đưa dịch vụ taxi lên ứng dụng ngân hàng và ví điện tử tới phát triển app gọi xe riêng và ra mắt một loại thẻ trả trước dành cho hành khách,…

Tương tự Mai Linh, Vinasun cũng đã có lại lợi nhuận từ năm ngoái, khi doanh thu thuần đạt 1.089 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 185 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ năm 2021 là 277 tỷ đồng.

Có thể thấy các hãng taxi truyền thống không chịu ngồi yên trước sức ép từ taxi điện và gọi xe công nghệ. Đồng thời, họ không chấp nhận rằng ô tô điện sẽ là xu hướng trong ngành taxi tại Việt Nam, bằng chứng là thoả thuận hợp tác 10.000 ô tô giữa Mai Linh và Toyota kể trên.

 

Ở chiều ngược lại, các hãng taxi điện cho rằng điện khí hoá là một xu hướng tất yếu. Thậm chí, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Văn Thanh, CEO GSM từng khẳng định: “Mục tiêu trong năm nay của chúng tôi là trở thành hãng taxi lớn nhất Việt Nam”. 

Ông Thanh cho biết bản thân không xem các hãng thuộc loại hình taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, G7,... hay Grab, Gojek ở phân khúc taxi công nghệ, là đối thủ cạnh trạnh của GSM.

“Chúng tôi không xem họ là đối thủ cạnh tranh. Sứ mệnh của GSM là muốn xanh hóa giao thông. Vì thế, chúng tôi không đặt nặng ai sẽ là đối thủ của mình”, ông Thanh nói.

Là một hãng taxi truyền thống đi đầu trong việc chuyển đổi sang loại hình taxi điện, ông Nguyễn Ngọc Đồng, Chủ sở hữu Lado Taxi nói rằng gần một năm triển khai dịch vụ taxi điện ông và cộng sự đã nhận ra những lợi thế của xe điện so với xe xăng như không mùi, không tiếng ồn, tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng,… Do đó, Lado Taxi quyết tâm chuyển đổi đội xe.

“Xe điện giúp giảm chi phí bảo trì bảo dưỡng đáng kể so với xe xăng, đồng thời giúp tối ưu nhân sự vận hành, với chỉ 1 kỹ thuật viên quản trị có thể quản lý và vận hành 100 chiếc xe điện, trong khi với số xe xăng tương đương cần đến 2-3 người”, ông Đồng chia sẻ.

Lado Taxi đặt mục tiêu đến năm 2025, 95% xe taxi của hãng sẽ là ô tô điện.

Như vậy, có thể nhìn ra được cuộc cạnh tranh trên thị trường taxi Việt Nam đang khá gay gắt, giữa một bên là các hãng truyền thống và một bên là các công ty taxi điện mới nổi,… Điều này tạo ra những diễn biến thị trường vô cùng sôi động và người hưởng lợi không ai khác là khách hàng.

Đức Huy