|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau gần 2 năm ra mắt, taxi điện chiếm hơn 40% số taxi đang hoạt động ở Việt Nam

22:15 | 24/05/2024
Chia sẻ
Chỉ sau gần 2 năm từ thời điểm hãng taxi điện đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, đến nay đã có trên 30.000 xe taxi điện, chiếm hơn 40% tổng số xe taxi đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, người điều phối tọa đàm

Đây là thông tin được ông Nguyễn Tiến Mạnh, người điều phối chương trình chia sẻ tại tọa đàm "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" do Báo Giao thông tổ chức ở Hà Nội ngày 24/5.

Theo ông Mạnh, sau gần 2 năm hãng taxi điện đầu tiên ra mắt tại Việt Nam là Xanh SM thuộc Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, những chiếc xe điện chạy taxi đã dần quen thuộc trên khắp cả nước.

Đặc biệt, bên cạnh hãng taxi thuần điện Xanh SM, nhiều hãng taxi truyền thống đang từng bước chuyển đổi dàn phương tiện từ xe xăng sang xe điện, như taxi MaiLove (Nghệ An), taxi Én Vàng (Hải Phòng), taxi Lado (Lâm Đồng), taxi Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh)... đã đầu tư từ vài trăm đến hàng nghìn xe ô tô điện mới với phương thức đầu tư đa dạng, từ mua, thuê hoặc thuê mua xe điện.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Còn theo báo cáo của Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), tròn một măm ra mắt, thương hiệu Xanh SM đã phục vụ hơn 50 triệu lượt khách hàng với hơn 300 triệu km di chuyển. Xanh SM đã góp phần giảm đến 52.000 tấn CO2 thải ra môi trường, tương đương 2,6 triệu cây xanh quang hợp trong một năm. Sau một thời gian trải nghiệm, người dân ở nhiều thành phố đã bắt đầu quen và hào hứng với việc sử dụng dịch vụ taxi điện.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông đường bộ giai đoạn 2022 – 2030 là đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và sử dụng xe điện và phát triển mạng lưới hạ tầng trạm sạc. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ông Nguyễn Hoành Anh, Phó Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam, chuyển đổi xe kinh doanh vận tải từ xe xăng sang xe điện là vấn đề không chỉ của ngành giao thông mà còn của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Riêng về ngành giao thông, ngay sau khi Chính phủ có Quyết định 876/QĐ-TTg, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định 1679 ngày 2/12/2023 yêu cầu các cơ quan có liên quan triển khai kế hoạch thực hiện. Tiếp đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng ban hành Quyết định 1006 ngày 6/2/2024 về việc triển khai Quyết định 1679 của Bộ, trong đó đưa ra các lộ trình và giải pháp thực hiện.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe taxi, xe buýt – phương tiện vận tải hành khách công cộng chạy với số lượng lớn, nhất là trong nội đô từ xe xăng sang xe điện.

Đồng thời xây dựng tiêu chí xanh đối với các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như bến xe khách, bến xe hàng hoặc trạm dừng nghỉ; phối hợp thí điểm lắp đặt các trạm sạc tại các hệ thống dịch vụ này.

Ngoài ra, Cục cũng sửa quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ, yêu cầu toàn bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ, cao tốc phải có vị trí đỗ xe tối thiểu để bố trí xe ô tô vào sạc điện, chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe tại trạm.

Trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu bố trí vị trí trụ sạc xe điện tại các bến xe khách, bến xe hàng hoặc các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ… để phát triển phương tiện kinh doanh vận tải này.

Văn Xuyên