TGG tăng 33 lần và loạt cổ phiếu tăng phi mã khi trong tầm ngắm M&A của 'hệ sinh thái Louis'
Thị giá TGG tăng phi mã sau thương vụ M&A
Từ mức giá chưa tới 1.200 đồng/cp ở đầu năm, cổ phiếu TGG của CTCP Louis Capital đã tăng phi mã gấp 33 lần và hiện đang giao dịch quanh mức 40.350 đồng/cp. Đi kèm sự đột biến về giá, TGG cũng ghi nhận những phiên giao dịch với thanh khoản kỷ lục 9,6 triệu đơn vị, tương đương 34% số cổ phiếu đang lưu hành.
Theo tìm hiểu, CTCP Louis Capital tiền thân là CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang - một đơn vị chuyên thi công xây lắp các công trình dân dụng, khu du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng. Một câu hỏi được NĐT quan tâm, trước khi "sang tên đổi họ" thành Louis Capital, dưới thời tên gọi cũ CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang, công ty kinh doanh ra sao?
Với việc kinh doanh sa sút, cuối năm 2020, TGG ghi nhận khoản lỗ lũy kế 34,4 tỷ đồng dẫn đến việc kiểm toán viên nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục. Tính đến hết quý I/2021, đơn vị này vẫn lỗ 344 triệu đồng.
Tuy nhiên trong báo cáo bán niên soát xét công bố ngày 16/8, Louis Capital báo lãi ròng 42,31 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 7,84 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh được cải thiện, công ty cũng xóa lỗ lũy kế từ giai đoạn trước.
Lợi nhuận trong nửa đầu năm nay chủ yếu từ việc hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi 43,16 tỷ đồng. Ngoài ra, việc kiểm toán viên đưa ra ý kiến loại trừ do không thể kiểm chứng số liệu hàng tồn kho trong năm 2020 và doanh thu, giá vốn được ghi nhận không phù hợp với chuẩn mực kế toán là yếu tố đáng lưu ý.
Mới đây, TGG đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm 2021 lên mức 350 tỷ đồng, lãi ròng kỳ vọng đạt 50 tỷ đồng, lần lượt gấp 5 lần và 25 lần so với kế hoạch đã được thông qua trước đó. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện 84% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Loạt cổ phiếu tăng giá dựng đứng sau tin được TGG mua cổ phần
Như đã đề cập ở trên, đà tăng "phi mã" của cổ phiếu TGG trên thị trường xuất hiện sau khi Tập đoàn Louis Agro mua cổ phần. Sau khi gia nhập hệ sinh thái Louis, TGG được đổi tên thành CTCP Louis Capital, tập trung hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, đầu tư M&A, mua bán sáp nhập doanh nghiệp.
Để thực hiện chiến lược trên, TGG đang xem xét kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ trong năm nay. Số lượng dự kiến phát hành tối đa là 30 triệu cp với giá phát hành 15.000 đồng/cp, vốn điều lệ sau khi hoàn tất là 573 tỷ đồng. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán.
Số tiền 450 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành (ước tính theo mệnh giá) sẽ được dùng để mua lại cổ phần, góp vốn vào Chứng khoán APG, Louis AMC và đầu tư Dự án Ao Giời Suối Tiên. Trước thông tin trên, cổ phiếu APG đã trải qua nhiều phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 13/8, tăng 91,16% giá trị sau hơn nửa tháng giao dịch và đang ở mức cao nhất lịch sử với 20.550 đồng/cp.
Bên cạnh APG, Louis Capital cũng chi ra hơn 14 tỷ đồng để sở hữu hơn 1,2 triệu cp SMT của CTCP Sametel vào ngày 26/8 vừa qua, qua đó trở thành cổ đông lớn sở hữu 22,84% cổ phần. Thời gian tới, dự kiến TGG sẽ tiếp tục mua vào cổ phần của SMT cho đến khi đạt được tỷ lệ mục tiêu là 51% vốn tại công ty này nhằm tận dụng lĩnh vực điện và viễn thông của SMT cho hệ thống tại các kho bãi và khu công nghiệp của nhóm Louis.
Tương tự APG, cổ phiếu SMT đã tăng trần liên tục 10 phiên sau khi Louis Capital công khai kế hoạch thâu tóm. Đến nay, SMT đang được giao dịch tại mức giá 19.600 đồng/cp, cao hơn tới 73% so với mức giá mà Louis bỏ ra trong phiên 26/8.
Nói về hoạt động kinh doanh của Sametel, công ty báo lỗ ròng 4,2 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, do doanh thu trong kỳ giảm gần 13% so với cùng kỳ còn chi phí phát sinh vượt lợi nhuận gộp. Khoản lỗ ròng kéo tụt lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế xuống mức âm gần 1 tỷ đồng.
"Hệ sinh thái Louis"
Ngoài thương vụ thâu tóm TGG, hệ sinh thái Louis đã thu nạp nhiều "tân binh" trong nửa đầu năm. Điểm chung giữa nhứng thương vụ trên là giá cổ phiếu các doanh nghiệp đều tăng đột biến sau khi kế hoạch giao dịch được công bố.
Đầu năm 2021, ông Đỗ Thành Nhân bất ngờ mua vào lượng lớn cổ phiếu BII của CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (sau đổi tên thành Louis Land). Tới tháng 5, nhóm Louis tiếp tục chuỗi M&A khi mua trên 51% cổ phần CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Mã: AGM) từ Nguyễn Kim nhằm hướng tới mảng nông nghiệp.
Dù không có mức tăng "khủng" như TGG, cổ phiếu BII cũng liên tục "nổi sóng" và tăng kịch trần trong nhiều phiên liên tiếp. Đến hiện nay, BII đã tăng gấp gần 5 lần kể từ đầu năm, giao dịch xung quanh vùng giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Louis Land cũng gia nhập câu lạc bộ vốn hóa nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Có phần khiêm tốn hơn, AGM đã tăng gấp 2,3 sau giai đoạn thâu tóm từ tháng 5 đến nay.
Tương tự như TGG, Louis Land (BII) có lãi sau khi bị thâu tóm, trước đó đơn vị này có lịch sử kinh doanh thua lỗ và chỉ bắt đầu xóa lỗ lũy kế trong quý II/2021. Trong nửa đầu năm, công ty báo lãi ròng gần 35 tỷ đồng nhờ khoản thu 87 tỷ đồng từ việc thoái vốn góp tại 6 công ty con, nhờ đó thoát lỗ lũy kế, ghi nhận 12 tỷ đồng LNST chưa phân phối.
Đối với Angimex (AGM), tình hình kinh doanh có phần ổn định hơn với doanh thu quanh múc 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong năm 2020, lãi ròng giảm gần nửa về 25 tỷ đồng do ảnh hưởng của thời tiết và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.