|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Test thử nhanh COVID-19 có độ chính xác thấp chỉ khoảng 80%, còn lại là vừa nhầm vừa sót

19:32 | 01/04/2020
Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, test nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại virus, vi khuẩn khác. Điều đó có nghĩa là test thử nhanh có tỉ lệ trên 20% là vừa nhầm, vừa sót.
Test thử nhanh COVID-19 có độ chính xác thấp chỉ khoảng 80%, còn lại là vừa nhầm vừa sót - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống).

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin thêm về kết quả của test nhanh và xét nghiệm bằng máy.

Thứ trưởng cho biết hiện có hai phương pháp xét nghiệm để phát hiện người nhiễm COVID-19. Một là phải sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao (nếu được thực hiện đúng). Hai là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày).

Trong phương pháp thứ hai, có loại test thử nhanh, kết quả đọc được trong vòng 10-15 phút và không cần máy móc. Việt Nam đã nhập khẩu test thử nhanh từ Hàn Quốc (tuy nhiên tại Hàn Quốc không sử dụng loại test thử nhanh này).

Test thử nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp hơn. Độ nhạy khoảng 65 – 80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy; độ đặc hiệu khoảng 60 – 70% vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại virus, vi khuẩn khác. 

Điều đó có nghĩa là test thử nhanh có tỉ lệ trên 20% là vừa nhầm, vừa sót. Xét nghiệm có thể nhầm: xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng thực chất dương với loại virus, vi khuẩn khác và cũng bỏ sót người đã bị nhiễm nhưng chưa phát bệnh hoặc mới phát bệnh (ít hơn 3 ngày).

Vì vậy, loại xét nghiệm nhanh sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong tình huống đã có rất nhiều người nhiễm bệnh, cần xét nghiệm để lọc ra những người đã mắc bệnh nhiều ngày (hơn 3 ngày) để tập trung theo dõi, điều trị. Bộ Y tế đã cho nhập một số lượng để dự phòng cho tình huống này.

Ông nhận định tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều người lây nhiễm nên phương án tốt nhất là cách li những người nghi nhiễm và làm xét nghiệm bằng máy để xác định chính xác.

Trường hợp có một cộng đồng nhỏ cần đánh giá nhanh để dự báo mức độ nhiễm bệnh thì có thể sử dụng nhưng không được coi kết quả để kết luận là nhiễm bệnh hay chưa nhiễm bệnh.

Hiện tại, TP Hà Nội đã sử dụng xét nghiệm nhanh để sơ bộ đánh giá mức độ lây lan, từ đó có phương án ứng phó phù hợp. 

Cụ thể từ ngày 31/3, Hà Nội lắp đặt 10 trạm xét nghiệm dã chiến theo tiêu chuẩn của WHO để phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân các phường xung quanh bệnh viện Bạch Mai (Đống Đa, Đồng Tâm, Lê Thanh Nghị).

Qua sàng lọc bằng test thử nhanh đối với 783 trường hợp đã phát hiện một số ca dương tính. Tuy nhiên, sau khi tiến hành xét nghiệm trên máy tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội thì các ca này đều âm tính. Đây là do khả năng người bệnh dương tính với loại virus, vi khuẩn khác có kháng nguyên tương tự với SAR-CoV-2.


Trúc Minh