Test nhanh COVID-19 của Hà Nội có thể 'bắt nhầm' virus corona khác
Hôm qua 10 trạm xét nghiệm nhanh sàng lọc COVID-19 đầu tiên được thiếp lập tại Hà Nội. Các trạm này sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh do Hàn Quốc sản xuất, thông qua lấy mẫu máu và trả kết quả trong 10 phút. Đây là loại xét nghiệm tìm kháng thể IgM/IgG, cho kết quả xét nghiệm tại chỗ.
Kháng thể được hiểu là thứ mà cơ thể tạo ra để chống kháng nguyên nhất định (mầm bệnh). Kháng nguyên là những phần tồn tại trên bề mặt của mầm bệnh (virus/vi khuẩn) mà cơ thể có thể nhận diện. Sau khi mầm bệnh xâm nhập cơ thể, chúng bị hệ miễn dịch nhận diện các kháng nguyên và sinh ra kháng thể tương ứng để tiêu diệt mầm bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, phân tử kháng thể cấu tạo từ 4 chuỗi polypeptide, gồm hai chuỗi nặng (H) và hai chuỗi nhẹ (L) tạo thành một cấu trúc hình chữ Y. Các kháng thể khác nhau ở phần đầu của hai "cánh tay" chữ Y khác biệt để tạo nên các vị trí kết hợp đặc hiệu với các kháng nguyên tương ứng.
Có thể tạm so sánh sự đặc hiệu của phản ứng kháng thể - kháng nguyên với ổ khóa và chìa khóa. Tuy vậy, có thể có nhiều loại tác nhân gây bệnh có cấu trúc kháng nguyên tương tự nhau nên vẫn có hiện tượng "chìa khóa" nọ có thể mở được "ổ khóa" kia.
Việc nhận diện "chìa khóa - kháng nguyên" không phải lúc nào cũng có thể chỉ ra đích danh "ổ khóa - mầm bệnh" tương ứng. Hiện tượng đó được gọi là dương tính chéo khi làm các xét nghiệm tìm kháng thể để xác định mầm bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, với xét nghiệm tìm kháng thể với virus SARS-CoV- 2, do virus này thuộc họ coronavirus nên chúng cũng có một số kháng nguyên giống một số loại virus corona khác. Hiện có 4 loại corona virus gây cảm lạnh lưu hành trên người.
Có khoảng 4 % dân số từng mắc những chủng corona này mà không có biểu hiện. Xét nghiệm nhanh có độ nhạy tăng lên nên dễ "bắt nhầm". Do đó, nếu nhận diện những kháng nguyên này, có thể không chỉ ra được cụ thể tác nhân gây bệnh là coronavirus thường hay SARS-CoV2.
Ngoài ra, một vài loại test kháng thể SARS-CoV2 có thể dương tính chéo với cả kháng thể IgM và IgG với virus Dengue gây sốt xuất huyết. Vì thế cần xét nghiệm bằng sinh học phân tử để khẳng định chắc chắn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể IgM/IgG xảy ra âm tính "giả" hoặc dương tính "giả" là điều dễ hiểu.
Xét nghiệm nhanh chưa đủ khẳng định nhiễm virus gây COVID-19 vì thế người đã âm tính thì tiếp tục theo dõi y tế, cách li, thực hiện đúng khuyến cáo chứ không được loại bỏ hẳn hoặc yên tâm vì mình chắc chắn âm tính.
Nguyên tắc xét nghiệm sàng lọc là phải thực hiện xét nghiệm khẳng định lại. Tuỳ mức độ, có trường hợp xét nghiệm sàng lọc cho kết quả âm tính luôn. Tuy nhiên, lại có trường hợp âm tính thời điểm sàng lọc nhưng sau đó lại dương tính.
Bác sĩ Khanh chỉ ra nguyên nhân là do khi sàng lọc, bản thân người đó có thể mắc bệnh mà không hề biết, có thể mới nhiễm, đang trong thời gian ủ bệnh, cơ thể chưa sinh ra kháng thể; cũng có thể có liên quan tới nồng độ virus trong máu.
Kháng thể lấy ra dương tính có thể bệnh nhân đã khỏi bệnh từ rất lâu và đã có kháng thể (IgG) trong cơ thể. Nguyên tắc khi lấy máu xét nghiệm nhanh, virus phải ảnh hưởng tới hệ thống huyết học, hệ thống miễn dịch mới tạo ra kháng thể chống con virus. Còn xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR thì lấy mẫu bệnh phẩm từ vùng dịch hầu họng để tìm virus, độ nhạy hơn, đặc hiệu cao hơn.