Tập đoàn Masan lãi ròng 3.120 tỷ 9 tháng, tăng gần 47% so với cùng kỳ
CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm.
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người tiêu dùng gia tăng dự trữ hàng hóa và mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi thay vì chợ truyền thống. Xu hướng này đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ của WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) tăng lên đột biến.
Để phản ánh kết quả tài chính “chuẩn hóa” cho MCH, Ban điều hành đã áp dụng chỉ số doanh thu của từng ngành hàng theo thời vụ trong giai đoạn trước dịch COVID-19. Đối với WCM, Ban điều hành đã chuẩn hóa kết quả hoạt động năm 2021 bằng cách sử dụng doanh số trung bình hàng tuần trước đợt giãn cách do COVID-19.
Doanh thu thuần sau khi loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021 để so sánh tương đương (do đã chuyển giao mảng kinh doanh này) của Masan đạt 55.546 tỷ đồng ba quý, tăng 4,8% so với mức 52.978 tỷ đồng cùng kỳ 2021.
Trên cơ sở so sánh tương đương, EBITDA ba quý đạt 10.826 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, biên EBITDA đạt 19,5% so với mức 19,2% 9 tháng năm ngoái. Trên cơ sở báo cáo, EBITDA hợp nhất trong 9 tháng đầu năm 2022 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong ba quý, lãi sau thuế Masan tăng 32,5% trên cơ sở báo cáo và tăng 63,3% trên cơ sở so sánh tương đương, đạt 3.952 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng ở mảng kinh doanh chính đạt 2.105 tỷ đồng trong 9 tháng trên cơ sở so sánh tương đương, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận ròng của cả tập đoàn đạt 3.120 tỷ, tăng 46,8% trong ba quý.
Trong đó, lãi sau thuế của The CrownX trong quý III ghi nhận 917 tỷ đồng, tăng 90,2% so với quý II. Ngoài việc LNST của Masan MEATLife và Masan High-Tech Materials giảm, lợi nhuận quý III giảm so với quý II còn vì khoản lỗ chưa được hiện thực hóa do biến động tỷ giá hối đoái tăng khi đánh giá lại khoản nợ bằng USD (khoảng 168 tỷ đồng), thu nhập từ Techcombank giảm (khoảng 101 tỷ đồng) và khoản thu nhập một lần trong quý II không còn trong quý III.
Dựa trên kết quả hoạt động trong 9 tháng và đà tăng hiện tại, trên cơ sở so sánh tương đương, năm 2022 Masan dự kiến đạt doanh thu 75.000 – 80.000 tỷ đồng, LNST trước lợi ích phân bổ cho cổ đông không kiểm soát từ 4.800 – 5.500 tỷ đồng. Mức ước tính này thấp hơn so với mục tiêu đề ra vào đầu năm nay do điều kiện thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Với The CrownX (TCX), nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hợp nhất WCM và MCH của Masan ghi nhận doanh thu của The CrownX đã tăng trưởng 16,8% và lợi nhuận thuần tăng trưởng 90,2% so với quý trước. Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu 9 tháng đầu năm của TCX tăng 7,8% và doanh thu thu quý III tăng 17,9%so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III và 9 tháng, WCM đã mở lần lượt 176 và 477 cửa hàng WinMart+. Tổng cộng đến nay đã có 3.049 cửa hàng WinMart+ đi vào hoạt động. Về mặt số lượng điểm bán, WinMart+ đã tăng thị phần từ 40% vào cuối năm 2021 lên 48% vào cuối quý III/2022. Tính đến cuối quý III/2022, WinCommerce có 128 siêu thị WinMart đi vào hoạt động.
Mặc dù mở rộng quy mô đáng kể, WCM đã cải thiện lợi nhuận với biên EBITDA là 3,3% trong quý III so với 2,2% trong quý II nhờ các cửa hàng cải thiện hiệu quả hoạt động và lượng khách đến cửa hàng gia tăng. Quý III, EBITDA của WCM tăng 66,2% so với quý II lên 251 tỷ đồng.
76% cửa hàng WinMart+ mở trong quý III đã có lãi EBITDA ở cấp cửa hàng trong vài tháng đầu hoạt động so với 83% tất cả cửa hàng WinMart+.
Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu 9 tháng của WCM tăng 8,1% và quý III tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Quý III doanh thu tăng 8,9% so với quý II.
Với WinMart+ ghi nhận doanh thu lần lượt là 14.730 tỷ đồng 9 tháng và 5.209 tỷ đồng quý III, tương ứng tăng 11,5% và 16,4% so với cùng kỳ. Doanh thu của các cửa hàng WinMart+ trên cơ sơ so sánh tương đương là 12.070 tỷ đồng, giảm 19,4%. Doanh thu từ các cửa hàng mới mở trong 9 tháng là 2.661 tỷ đồng.
Trên cơ sở chuẩn hóa, siêu thị WinMart đạt doanh thu 7.046 tỷ đồng trong ba quý và 2.337 tỷ đồng trong quý III, lần lượt tăng 6% và 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở so sánh tương đương, các siêu thị WinMart đạt 6.735 tỷ đồng doanh thu, giảm 6,4% trong 9 tháng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu các siêu thị mới khai trương đạt 310 tỷ đồng.
Về Masan Consumer Holdings (Mã: MCH) đạt 19.695 tỷ đồng doanh thu thuần 9 tháng, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 4.480 tỷ đồng, giảm 2,3%.
Khi loại bỏ tác động do người tiêu dùng tăng tích trữ hàng hóa vào 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu MCH tăng lần lượt là 9,6% và 9,3% trong 9 tháng và quý III/2022.
Quý III, nhóm ngành hàng chủ lực như gia vị và thực phẩm tiện lợi ghi nhận tăng lần lượt 34% và 46,3% so với quý II/2022. Thịt chế biến và cà phê đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số ở mức cao. Tổng quan, doanh thu MCH quý III tăng 24,3% so với quý II/2022.
Dù lạm phát gây áp lực đến lợi nhuận do giá cả hàng hóa cao hơn, biên lợi nhuận gộp của MCH chỉ giảm nhẹ xuống còn 39,1% nhờ các biện pháp phòng ngừa rủi ro được thực hiện sớm, khả năng đàm phán chi phí hợp lý và danh mục sản phẩm đa dạng với lượng hàng sản phẩm cao cấp bán ra nhiều hơn.
Mặc dù doanh số bán hàng cho các nhà phân phối cao hơn, lượng tồn kho lại giảm trong quý III so với quý II/2022, cho thấy nhu cầu tiêu dùng hồi phục và vốn lưu động được quản lý tốt hơn.
Masan MEATLife (Mã: MML) có quý đầu tiên trong năm 2022 có lãi EBITDA. Trên cơ sở so sánh tương đương loại trừ mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi vào năm 2021, doanh thu quý III của MML tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước và 27,9% so với quý II/2022 nhờ doanh thu từ mảng trang trại tăng 53,8%, mảng thịt có thương hiệu tăng 35,2%, mảng thịt gà tăng 15,8%.
Về Masan High-Tech Materials (MHT - Mã: MSR), doanh thu thuần ghi nhận 11.651 tỷ đồng và EBITDA đạt 2.548 tỷ đồng trong ba quý, tăng trưởng lần lượt là 21,3% và 36,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá hàng hóa tăng và nhu cầu vật liệu công nghiệp gia tăng. MHT ghi nhận 262 tỷ đồng lợi nhuận ròng, cải thiện 533 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021.
Do tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá năng lượng và giá thành sản phẩm đầu vào của H.C. Starck đã gia tăng, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận quý III của MHT.
Masan nợ ròng hơn 53.200 tỷ cuối quý III
Về tình hình tài chính của Masan, tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA (trong 12 tháng qua) là 3,3 lần vào cuối tháng 9, tăng so với mức 2,2 lần tại cuối năm 2021, chủ yếu do lượng tiền mặt thấp hơn do Masan thực hiện các hoạt động sáp nhập để tăng tốc chiến lược WINLife.
Tiền và các khoản tương đương tiền đang có là 7.724 tỷ đồng vào cuối quý III, thấp hơn so với cuối năm 2021, do việc mua cổ phần Phúc Long và Nyobolt trong quý III.
Nợ ròng (tổng nợ vay trừ đi khoản tiền, tương đương tiền) cuối kỳ ghi nhận 53.207 tỷ đồng, tăng so với mức 35.540 tỷ đồng vào cuối năm 2021, do lượng tiền mặt giảm.
CAPEX tăng từ 2.115 tỷ đồng 9 tháng năm ngoái lên 3.069 tỷ đồng vào ba quý đầu năm nay.