|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn FLC dự phòng hơn 1.100 tỉ đồng cho khoản góp vốn vào Bamboo Airways

18:02 | 31/08/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh ngành hàng không gặp phải vô vàn khó khăn và thua lỗ vì dịch COVID-19, Tập đoàn FLC đã phải trích lập dự phòng 1.146 tỉ đồng cho khoản đầu tư góp vốn vào hãng hàng không "con đẻ" của mình là Bamboo Airways.
Tập đoàn FLC dự phòng hơn 1.100 tỉ đồng cho khoản góp vốn vào Bamboo Airways - Ảnh 1.

Mô hình tàu bay Bamboo Airways tại quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long. Ảnh: Đức Quyền.

FLC trích lập dự phòng tổng cộng 1.858 tỉ đồng

Theo báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2020, tính đến ngày 30/6 Tập đoàn FLC đã góp vốn tổng cộng 8.905 tỉ đồng vào 16 công ty con. 

Trong đó, công ty con được góp vốn nhiều nhất là CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với 3.587 tỉ đồng, tiếp đến là CTCP FLC Quy Nhơn Golf & Resort với 1.050 tỉ đồng, Công ty TNHH Một thành viên FLC Land 950 tỉ đồng, …

Bamboo Airways đồng thời dẫn đầu về giá trị mà FLC phải trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm nay với 1.146 tỉ đồng, tương đương 32% vốn mà Tập đoàn FLC góp và 16,4% tổng vốn điều lệ của Bamboo Airways.

Ngoài ra, Tập đoàn FLC còn phải dự phòng gần 279 tỉ đồng cho khoản góp vốn vào FLC Sầm Sơn Golf & Resort, 168 tỉ đồng cho FLC Quy Nhơn Golf & Resort, … Tổng cộng Tập đoàn FLC phải trích lập dự phòng 1.858 tỉ đồng cho các khoản góp vốn vào công ty con.

Tập đoàn FLC dự phòng hơn 1.100 tỉ đồng cho khoản góp vốn vào Bamboo Airways - Ảnh 2.

Các công ty hàng không và du lịch được Tập đoàn FLC góp vốn nhiều nhất và cũng cần trích lập dự phòng lớn nhất.

Ngược lại, Tập đoàn FLC không phải dự phòng cho một số công ty con khác như CTCP Địa ốc Star Hà Nội, CTCP Địa ốc Alaska, CTCP Nước giải khát FLC, …

Trong một hội thảo về bất động sản do BizLive tổ chức ngày 29/8 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways cho rằng dù đại dịch COVID-19 có kéo dài đến sang năm thì mảng bất động sản của FLC cũng không đáng lo ngại, chỉ lo các mảng khác như du lịch, hàng không.

"Dịch COVID-19 lần 2 xảy ra, công suất của hệ thống phòng FLC giảm còn 20-30%. Rất đáng mừng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngay như ngày hôm nay, công suất phòng đang tăng lên rồi", ông Quyết nói.

Tập đoàn FLC dự phòng hơn 1.100 tỉ đồng cho khoản góp vốn vào Bamboo Airways - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways. Ảnh: Đức Quyền.

Về mảng hàng không, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg đầu năm nay, ông Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo Airways lỗ khoảng 1.500 tỉ đồng trong quí I/2020. Hiện không rõ trong quí II, kết quả kinh doanh của Bamboo Airways lời lỗ ra sao.

Trong 7 tháng đầu năm, hãng hàng không của Tập đoàn FLC khai thác tổng cộng 16.501 chuyến bay, tức là khoảng 2.350 chuyến mỗi tháng, giảm 40% so với tháng 1/2020 khi dịch COVID-19 chưa bùng phát ở Việt Nam.

Trong tháng từ 19/3 đến 18/4/2020 khi cả nước đang trong đợt cao điểm chống dịch, Bamboo Airways chỉ khai thác được 169 chuyến, giảm 87% so với cùng kì năm ngoái và sụt 95% so với tháng liền trước. Đây là tình cảnh khó khăn chung của các hãng hàng không Việt Nam cũng như toàn thế giới.

Trong nửa đầu năm 2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Group) lỗ sau thuế 6.642 tỉ đồng, tương đương 51% kế hoạch lỗ 13.000 tỉ đồng của cả năm nay. Doanh thu thuần 6 tháng đạt 24.808 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kì 2019.

Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng ghi nhận lỗ 1.122 tỉ đồng với hoạt động vận tải hàng không trong quí II vừa qua.

Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 do Tập đoàn FLC sở hữu 100% vốn. Sau nhiều lần tăng vốn từ 700 tỉ đồng lên 1.300 tỉ đồng2.200 tỉ đồng rồi 4.050 tỉ đồng, đến ngày 17/4 năm nay Bamboo Airways ghi nhận vốn điều lệ 7.000 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2020 sau soát xét, Tập đoàn FLC đang sở hữu 52,35% vốn điều lệ của Bamboo Airways.

Lỗ thêm 61 tỉ đồng sau soát xét, tổng tài sản giảm 273 tỉ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đã soát xét, tổng tài sản của Tập đoàn FLC tại ngày 30/6/2020 là 34.016 tỉ đồng, giảm 273 tỉ đồng (tức 0,8%) so với trước khi soát xét. 

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm cũng có điều chỉnh nhẹ với lỗ sau thuế nửa đầu năm sau soát xét là 2.790 tỉ đồng, tăng 61 tỉ đồng so với số lỗ trong báo cáo tự lập. Doanh thu thuần giữ nguyên ở mức 6.490 tỉ đồng.

Tập đoàn FLC cho biết kết quả kinh doanh kì này sa sút là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh hàng không và du lịch.

Doanh thu giảm sút mạnh do các biện pháp phong tỏa chống dịch. Trong khi đó, nhiều khoản chi phí vẫn giữ nguyên và phát sinh một số chi phí mới như mua thuốc khử trùng, phun sát khuẩn tàu bay, khách sạn, ...

Đức Quyền - Song Ngọc