|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC hoàn tất tăng vốn cho Bamboo Airways lên 1.300 tỉ đồng trong quí I/2019

05:53 | 02/05/2019
Chia sẻ
Nghị quyết HĐQT Tập đoàn FLC và giấy đăng kí kinh doanh cùng thể hiện Bamboo Airways được tăng vốn lên 1.300 tỉ đồng vào tháng 7/2018 nhưng thực tế đến hai tháng đầu năm 2019, FLC mới góp đủ số vốn cam kết vào Bamboo Airways.

Hành trình tăng vốn của Bamboo Airways

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được Tập đoàn FLC thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ đăng kí 700 tỉ đồng. Đây là số vốn tối thiểu một doanh nghiệp cần có để được khai thác không quá 10 tàu bay cho vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế.

Theo báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2017 của Tập đoàn FLC, tính đến ngày 31/12 FLC đã hoàn tất việc góp vốn 700 tỉ đồng vào Bamboo Airways, tương ứng với tỉ lệ sở hữu 100%.

Ngày 13/7/2018, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC ra nghị quyết thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Bamboo Airways thêm 600 tỉ đồng, từ 700 tỉ đồng lên 1.300 tỉ đồng.

Đến ngày 25/7 cùng năm, Bamboo Airways đã được Phòng Đăng kí kinh doanh tỉnh Bình Định cấp thay đổi đăng kí kinh doanh. Theo đó, vốn điều lệ của công ty tăng lên mức 1.300 tỉ đồng, toàn bộ vốn góp bằng đồng Việt Nam, thời gian góp vốn là ngày 18/7 tức 5 ngày sau khi HĐQT Tập đoàn FLC ban hành nghị quyết nói trên.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của Tập đoàn FLC, trong năm này FLC chỉ góp vốn 358 tỉ đồng vào Bamboo Airways.

Còn theo báo cáo tài chính riêng quí I/2019 được FLC công bố mới đây, trong quí Tập đoàn này đã góp thêm 242 tỉ đồng vốn điều lệ vào Bamboo Airways.

Như vậy tổng cộng trong nửa cuối năm 2018 và quí I/2019, Tập đoàn FLC đã hoàn tất việc góp thêm 600 tỉ đồng vốn điều lệ vào Bamboo Airways, nâng qui mô vốn của hãng hàng không non trẻ này lên 1.300 tỉ đồng.

FLC hoàn tất tăng vốn cho Bamboo Airways lên 1.300 tỉ đồng trong quí I/2019 - Ảnh 1.

Tòa nhà Bamboo Airways tại số 265 Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Y Vân.

Thông tin về lộ trình hoàn thành góp vốn vào Bamboo Airways trên đây khớp với các thông tin liên quan đến việc cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không (KDVCHK) cho hãng bay này.

Cụ thể, ngày 12/11/2018 – trước khi FLC hoàn tất tăng vốn cho Bamboo Airways lên 1.300 tỉ đồng – Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép KDVCHK cho Bamboo Airways với số vốn điều lệ ghi trên giấy phép vẫn là 700 tỉ đồng.

Trong tháng 3/2019, Bamboo Airways đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị cấp lại Giấy phép KDVCHK để thay đổi một số nội dung, trong đó có chi tiết nâng vốn điều lệ từ 700 lên 1.300 tỉ đồng.

Kết quả thẩm định hồ sơ của Cục Hàng không cho thấy, nội dung về thay đổi vốn điều lệ của Bamboo Airways đã được thể hiện đầy đủ trong Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, các chứng từ chuyển tiền và báo cáo vốn góp của chủ sở hữu và báo cáo kiểm toán độc lập của công ty tại ngày 20/2/2019.

Như vậy có thể khẳng định Bamboo Airways được tăng vốn lên 1.300 tỉ đồng trong thời gian từ 1/1 đến 20/2/2019.

Tháng 4 vừa qua, Tập đoàn FLC công bố kế hoạch chào bán gần 300 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp (cao gấp đôi thị giá hiện nay) để huy động khoảng 3.000 tỉ đồng. Trong số này, dự kiến khoảng 700 tỉ đồng sẽ được dùng để tiếp tục tăng vốn điều lệ của Bamboo Airways lên 2.000 tỉ đồng. Tuy vậy hiện chưa rõ đợt phát hành nói trên có thành công hay không, khi nào sẽ hoàn thành và lúc nào Bamboo Airways sẽ thực sự được bơm thêm vốn.

Kế hoạch tăng vốn, tăng đội bay

Theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP, 1.300 tỉ đồng là số vốn tối thiểu một doanh nghiệp cần có để được phép khai thác trên 30 tàu bay cho vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế. Chủ tịch FLC và Bamboo Airways – ông Trịnh Văn Quyết từ lâu đã thể hiện tham vọng nâng qui mô đội bay của hãng này lên 40-50 chiếc trong năm 2019. Cuối tháng 4 vừa qua, Bamboo Airways đã chính thức bước vào sân chơi hàng không quốc tế khi mở các đường bay nối Việt Nam với Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

FLC hoàn tất tăng vốn cho Bamboo Airways lên 1.300 tỉ đồng trong quí I/2019 - Ảnh 2.

Máy bay của Bamboo Airways tại sân bay Ibaraki, Nhật Bản. Ảnh: Bamboo Airways.

Hiện nay Bamboo Airways đã đạt được qui mô vốn pháp định 1.300 tỉ đồng nhưng đề nghị cấp lại Giấy phép KDVCHK theo hướng mở rộng qui mô khai thác lên trên 30 tàu bay vẫn đang gặp phải một số trở ngại.

Cục Hàng không cho rằng vấn đề này cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhu cầu thị trường, sự phù hợp với kết cấu hạ tầng cảng hàng không cũng như từ khía cạnh năng lực của Bamboo Airways và thực tiễn việc đảm bảo giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không.

Đối với Bamboo Airways, Cục đã yêu cầu doanh nghiệp này giải trình rõ về việc nguồn lực đảm bảo khai thác tàu bay an toàn, an ninh và cung cấp các hợp đồng tuyển dụng lao động đã kí kết, các hợp đồng cung cấp dịch vụ mặt đất, kế hoạch chi tiết việc tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực khai thác đội tàu bay đến 40 chiếc trong năm 2019.

Về phía Cục Hàng không, đơn vị này cho biết chỉ có thể đảm bảo quản lí được đến 256 tàu bay đăng kí quốc tịch Việt Nam (bao gồm cả các tàu bay trực thăng và tàu bay hàng không chung). Nếu Bamboo Airways nâng qui mô khai thác lên 40 tàu bay như tuyên bố, cùng với dự tính nhận tàu bay của các hãng hàng không khác tại Việt Nam, tổng số tàu bay mang quốc tịch Việt Nam thời điểm 31/12/2019 là 277 chiếc, tăng 61 chiếc so với hiện tại và vượt quá 21 chiếc so với năng lực giám sát của Cục Hàng không đã được phê duyệt.

Do đó, Cục Hàng không cho biết sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT sau khi Bamboo Airways đã có văn bản giải trình và cung cấp các tài liệu đảm bảo khả năng khai thác đội tàu bay đến 40 chiếc trong năm 2019 và đánh giá của Cục Hàng không về vấn đề này.

Kiên Dương