Tăng trưởng bình quân 15%/năm, ngành công nghiệp nhựa, cao su muốn đón cơ hội bứt phá bằng công nghệ
Nhiều dư địa trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt
Nhựa, cao su luôn được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, với tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt 12 - 15%/năm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su trong tháng 8/2019 đạt 180.980 tấn, trị giá hơn 244 triệu USD, tăng gần 6% về lượng và tăng hơn 12% về trị giá so với cùng kì năm 2018.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt 962.100 tấn, trị giá hơn 1,3 tỉ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với cùng kì năm trước.
Theo Tổng cục Hải Quan căng thẳng thương mại chưa có nhiều tác động đến xuất khẩu cao su của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp cũng đã chủ động đa dạng hóa thị trường bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ, Hàn Quốc và Brazil.
Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa và Cao su TP HCM khi trao đổi với người viết cho biết hai ngành cao su và nhựa đều đang có những cơ hội lẫn thách thức trong môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay.
"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến 'làn sóng' mua mặt hàng cao su từ Việt Nam tăng lên. Bởi trước đây các tập đoàn này vốn đặt hàng gia công ở Trung Quốc, nhưng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ dẫn đến sự chuyển dịch sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Điều này, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất ngành này phải mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà mua hàng".
Lượng đơn hàng từ các đối tác nước ngoài được dự báo sẽ tăng lên khi thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Ảnh: NH.
Ngoài ra, việc Việt Nam kí kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ nhựa, cao su khi các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ và thuế xuất khẩu được hưởng nhiều ưu đãi.
Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa, cao su tại thị trường các nước Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản cũng ở mức cao, với những tiềm năng xuất khẩu cao từ nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, các sản phẩm cao su của Việt Nam như lốp xe, linh kiện và cao su kĩ thuật... đang được xuất khẩu nhiều qua các thị trường chính như Mỹ, Malaysia, Bỉ, Đức, Brazil, Nhật Bản, Thái Lan… cho thấy triển vọng và tiềm năng rất lớn của ngành cao su Việt Nam trong những năm sắp đến.
Tuy nhiên, ngành hàng đang gặp phải không ít khó khăn, trong đó lớn nhất là về nguyên liệu, thiết bị sản xuất nhập hoàn toàn.
Hơn 80% doanh nghiệp trong nước là những doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ với trình độ công nghệ khá hạn chế, khoảng 85% thiết bị máy móc trong ngành phải nhập ngoại.
Hiện các doanh nghiệp nội địa đang cạnh tranh tương đối tốt với các công ty nước ngoài cũng như các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Nhưng tình trạng phụ thuộc này sẽ còn kéo dài và gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Đáng chú ý, những năm gần đây, các doanh nghiệp và tập đoàn hàng đầu trên thế giới khi hợp tác với các đối tác luôn đặt tiêu chí về sản phẩm thân thiện môi trường lên hàng đầu và cân nhắc tới khi kí hợp đồng.
Đây là một trong những thách thức của ngành công nghiệp nhựa và cao su Việt Nam.
Cần mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ
Theo ông Quốc Anh để cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải tính đến chuyện đầu tư máy móc mới, nhất là những công nghệ sản xuất tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, doanh nghiệp cần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, góp phần hạn chế nhập khẩu, thông qua đẩy mạnh sự liên kết vùng, khu vực và các tỉnh để đáp ứng các yêu cầu về qui tắc xuất xứ và tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Dzuẫn: "Ngành nhựa đang giữ vai trò quan trọng trong qui trình chế biến đóng gói bao bì, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của các ngành khác.
Đặc biệt, nhu cầu về nâng cao chất lượng sản phẩm theo định hướng bảo vệ môi trường, cùng với tư duy đổi mới và phát triển sản phẩm đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành nhựa muốn tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu, thì việc đổi mới công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng theo qui định cũng như thân thiện với môi trường là rất quan trọng".
Doanh nghiệp cần "giải bài toán" đầu tư máy móc mới, nhất là những công nghệ sản xuất tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường. Ảnh: NH.
Theo đó, để những doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước thuận lợi trong việc tiếp cận với những sản phẩm máy móc thiết bị hiện đại và tìm kiếm đối tác, khách hàng tiềm năng, các chuyên gia cho rằng việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế là cơ hội giao thương và cũng là giải pháp hiệu quả cho bài toán công nghệ hiện nay.
Và một trong những triển lãm tiêu biểu có thể kể đến là VietnamPlas 2019 sẽ diễn ra từ ngày 3 - 6/10 tại TP HCM.
Triển lãm tập trung trưng bày nhiều ứng dụng công nghệ, máy móc và nguyên phụ liệu tiên tiến của 520 thương hiệu đến từ 15 thị trường như: Áo, Bỉ, Trung Quốc, Đức, Hong Kong, Ấn Độ, Mỹ...
Đây được xem là cầu nối xúc tiến thương mại hiệu quả giúp các doanh nghiệp tìm kiếm nhiều máy móc chất lượng cao, tìm hiểu các tiến bộ mới nhất trong ngành công nghiệp nhựa, cao su và cơ hội tương tác trực tiếp với các thương hiệu hàng đầu thế giới.