|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành in Việt cần cách nhìn mới về công nghệ trước 'làn sóng' đầu tư từ nhiều nước

12:43 | 19/09/2019
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp ngành in từ Trung Quốc, Mỹ, châu Âu... đang "tấp nập" đầu tư nhà máy, chuyển giao công nghệ sang thị trường Việt Nam. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để doanh nghiệp có cách nhìn nhận mới về chiến lược phát triển ngành hàng.

Sáng 18/9, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM tổ chức khai mạc Triển lãm quốc tế ngành điện, máy móc thiết bị công nghiệp, tự động hóa Việt Nam 2019 (EMA Vietnam 2019) cùng với Triển lãm ngành in TP HCM năm 2019 (HPPE 2019) tại TP HCM.

Ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội in TP HCM cho biết: "Trước đây, ngành in Việt Nam tham gia các triển lãm chủ yếu là "đi theo" những ngành khác và do các công ty nước ngoài tổ chức. Năm nay, đây là lần đầu tiên có một hội chợ chuyên ngành in do chính doanh nghiệp Việt tổ chức. 

Bởi những năm gần đây, công nghiệp in của thành phố đã tiếp cận rất gần với nền công nghiệp 4.0. Cụ thể như phát triển công nghệ in Offset, công nghệ in Flexo, mô hình "nhà in thông minh", dịch vụ in thông minh … để tăng tính tiện lợi và năng suất cho ngành này".

09fb696d07efe0b1b9fe

Triển lãm EMA Vietnam 2019 và Triển lãm HPPE 2019 tại TP HCM chính thức khai mạc. Ảnh: NH.

Ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành sách, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Hiện nay tổng sản lượng in của TP HCM chiếm khoảng 65%, doanh thu ngành in trong 2 năm vừa qua khoảng 2 tỉ USD/năm, nếu tính luôn cả bao bì và khối sản xuất FDI, tổng doanh thu in bao bì khoảng 4 tỉ USD/năm".

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng nhiều loại bao bì cao cấp phục vụ cho các tập đoàn mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như P&G, Unilever… đang bị các công ty in có vốn đầu tư nước ngoài thâu tóm rất mạnh. 

Xu hướng này càng rõ rệt trong những năm gần đây, các doanh nghiệp FDI công nghiệp hỗ trợ trong đó có ngành in có xu hướng đi theo các công ty lớn đầu tư vào Việt Nam, đáp ứng chuỗi cung ứng.

Đặc biệt khi những cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và những lợi thế về chính sách do Việt Nam gia nhập vào các FTA thì làn sóng này càng mạnh mẽ. 

6697c607a8854fdb1694

Nhiều loại máy in công suất lớn được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: NH.

Ông Ngô Anh Tuấn cho biết thêm hiện nay, đa số các công ty bao bì, đóng gói và các công ty in có hàm lượng sản phẩm in lớn hơn 60% đều muốn chuyển sang Việt Nam. Thực tế, đã có hai tập đoàn lớn về sản xuất và đóng gói lớn của Trung Quốc là JST và LEO qua Việt Nam.

Thông thường các nhà máy lớn của Trung Quốc đặt ở Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng nhiều hơn ở TP HCM. Còn tại TP HCM đa số là các công ty của Mỹ, châu Âu đến chuyển dịch các sản phẩm gia công có hàm lượng bao bì in ấn trên 60%. 

Ngoài ra các công ty đồ chơi của Mỹ, châu Âu cũng đang tìm đến TP HCM để chuẩn bị các bước tiếp theo.

"Hàng ngày, TP HCM tiếp xúc 10 đoàn doanh nghiệp đến từ các nước trên thế giới muốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam", ông Tuấn dẫn chứng.

Tuy nhiên, ngành in Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, có thể kể đến nguy cơ doanh nghiệp Việt khó giữ được thị trường trên chính sân nhà.  

Rất nhiều nhà in lớn Việt Nam tưởng là lớn khi có 5 - 6 máy in, trong khi nhà in Trung Quốc có hàng trăm máy, trong đó khổ máy gấp đôi, tốc độ cũng cao gấp rưỡi, họ đang sản xuất vậy, giờ chuyển sang Việt Nam, doanh nghiệp tiếp nhận rất khó khăn. Hiệp hội đang kêu gọi các doanh nghiệp gắn kết với nhau để nhận được những đơn hàng lớn như vậy.

Chủ tịch Hội in TP HCM chia sẻ

80872c154297a5c9fc86

Khách tham quan được trực tiếp quan sát và trải nghiệm tính năng hoạt động của các loại máy in hiện đại. Ảnh: NH.

Ngoài ra, về chính sách, hiện nay Nhà nước đã mở rộng ra rất nhiều các điều kiện hoạt động, không phân biệt doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước. 

Mặc khác ngành in ấn văn hóa phẩm ngày càng đi xuống, ảnh hưởng bởi sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông điện tử… Do vậy, yếu tố tăng trưởng không nằm trong in ấn mà đang nằm trong bao bì và gia công sản phẩm cho nước ngoài.

Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt buộc phải có cách nhìn nhận mới, phải đặc biệt tập trung đầu tư công nghệ mới, hoàn chỉnh, triển khai công nghệ một cách có hiệu quả, hợp lí để từ đó tiết kiệm chi phí, năng lượng, đồng thời an toàn cho môi trường. 

Đặc biệt, đối với ngành in ấn, quản lí lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm và xử lí rác thải cũng là một điều kiện cần thiết khi doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Đồng quan điểm, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết hiện nay nhiều ngành sản xuất đang tích cực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có ngành in.

"Chuỗi triển lãm là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và tổ chức ngành in, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, giao thương, xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ…", ông Từ Lương nhấn mạnh.

623677db1959fe07a748

Bên cạnh máy móc, nhiều loai giấy in và màu in cũng giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: NH.

Triển lãm thu hút hơn 150 doanh nghiệp trưng bày 200 gian hàng như gian hàng máy móc thiết bị ngành in lụa, in dệt may, ngành in da giày; máy móc thiết bị ngành in kỹ thuật số, in biển hiệu, in chuyển nhiệt; khu vực ngành in bao bì, in nhãn mác; máy móc thiết bị ngành in điện tử; vật tư vật liệu ngành in, sản phẩm ngành in...

"Với qui mô của triển lãm có thể thấy rằng ngay trong lần đầu tiên được tổ chức đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong ngành, qua đó cho thấy tiềm năng phát triển của ngành in tại thị trường thành phố nói riêng và thị trường cả nước nói chung", đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.

Như Huỳnh