|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Công nghiệp in ấn Việt cũng khó thoát khỏi 'sức ép' từ thương chiến Mỹ- Trung

13:00 | 14/09/2019
Chia sẻ
Ngành công nghiệp in ấn đang có bước chuyển mới mạnh mẽ làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, sự chuyển dịch đầu tư do tác động của chiến tranh thương mại cũng khiến ngành in 'khó thở".

Doanh thu 4 tỉ USD/năm, ngành in Việt Nam xếp hạng nhất nhì Đông Nam Á

Tại buổi giới thiệu Triển lãm ngành in TP HCM năm 2019 diễn ra ngày 13/9 tại TP HCM, ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội in TP HCM, cho biết chỉ tính riêng khu vực TPHCM đã chiếm tới hơn 65% tổng doanh thu ngành in cả nước. 

Cụ thể, trong 2.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in ấn của cả nước thì riêng TP HCM có đến 1.300 doanh nghiệp, chiếm 65%. Số lượng doanh nghiệp in của TP. HCM tập trung chủ yếu tại các quận như quận 6, Tân Bình, Bình Tân và huyện Bình Chánh...

Trong đó, ngành bao bì tăng trưởng trung bình 15-17%, văn hoá phẩm trước đây giảm do sự phát triển của các phương tiện thông tin, truyền thông điện tử, mạng xã hội… nhưng 3 năm qua đang có xu hướng đi lên. 

Bởi hầu hết các doanh nghiệp in tại TP HCM đều tập trung sản xuất theo thị trường, đầu tư theo lợi thế về công nghệ và đáp ứng thị trường truyền thống. 

Hiện tổng doanh thu các doanh nghiệp ngành in trong nước đóng góp 1% GDP, nếu tính cả khối FDI, tổng doanh thu của ngành in Việt Nam đạt 4 tỉ USD.

"Đây là ngành có khả năng phát triển, mang lại lợi nhuận lớn. Trong khu vực Đông Nam Á, ngành in Việt Nam xếp hạng nhất nhì. 

Tại thị trường nội địa có sự thua kém nhất định về trình độ quản lí sản xuất với nhà in Trung Quốc và Nhật Bản, còn về kĩ thuật và công nghệ, các doanh nghiệp Việt không thua", ông Tuấn khẳng định.

170f15e6570db053e91c

Việc chuyển từ công nghệ truyền thống sang in kĩ thuật số đã tạo ra bước chuyển mới mạnh mẽ cho ngành công nghiệp in ấn. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP HCM cho biết ngành in thành phố đáp ứng hầu hết nhu cầu in trong nước và bước đầu tiếp cận thị trường thế giới, bắt đầu thực hiện nhiều đơn hàng gia công cho nước ngoài với chất lượng kĩ thuật in đa dạng, phức tạp ở trình độ cao.

"Ngành in là ngành có khả năng vận dụng tối đa công nghệ, khoa học của thế giới để phát triển. Việc công nghệ hóa, số hóa tối đa công nghệ thiết bị công nghệ in trong những năm qua chưa bao giờ nhanh như vậy. Nó biến đổi, thay đổi và tác động không nhỏ đến các hoạt động của ngành in của thành phố.

Dẫn chứng là công nghệ in đã tiếp cận rất gần đến một phần của công nghệ 4.0 như in offset, công nghệ sản xuất bao bì và nhà in thông minh"

Dù tăng trưởng tốt vẫn còn nhiều thách thức

Theo ông Tuấn Anh trong hai năm trở lại đây, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều doanh nghiệp in nước ngoài bắt đầu có sự dịch chuyển đầu tư sang thị trường Việt Nam đã kéo theo nhiều thách thức đè nặng lên ngành hàng.

"Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã tới Việt Nam để chuyển dịch sản phẩm gia công in ấn, những đơn hàng khổng lồ là cơ hội lớn cho chúng ta. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt hiện mới chỉ quen thuộc với những hợp đồng số lượng 1.000 - 2.000 thì việc thực hiện gấp 5 - 10 lần là rất khó", ông Tuấn cho biết.

Các doanh nghiệp  FDI ngày càng lớn mạnh, dần chiếm thị phần. Đơn cử tại TP HCM hiện nay hầu hết là doanh nghiệp đến từ các quốc gia có nền công nghệ in đứng đầu thế giới như Đức, Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu. 

"Mặc dù đã lường trước được tình hình, về công nghệ ngành in đủ khả năng cạnh tranh nhưng hiện khâu quản lí tổ chức thực hiện vẫn là yếu điểm cần sớm khắc phục", ông Tuấn Anh nói.

Ngoài ra, bài toán đang đặt ra cho ngành in TP HCM nói riêng và ngành in Việt Nam nói chung là phải làm gì để hạn chế sử dụng năng lượng xuống mức thấp nhất, giảm thải ra môi trường. 

Đồng thời, ổn định lực lượng lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp cũng là một vấn đề khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.

Do đó, ông Ngô Anh Tuấn cho rằng trong bối cảnh thị trường ngành in đang ngày càng nhiều có sự tham gia của các "ông lớn" của thế giới, để ngành in không bị thua ngay trên sân nhà đòi hỏi các doanh nghiệp in cần xây dựng chiến lược kinh doanh, có phương án đầu tư dài hạn, có giải pháp quản trị đồng bộ vì chất lượng, tính ổn định và nhất là đảm bảo thời gian đáp ứng các đơn hàng lớn xuất khẩu.

30f5ef1badf04aae13e1

Các doanh nghiệp in tập trung sản xuất theo thị trường, đầu tư theo lợi thế về công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh. Ảnh: Như Huỳnh

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP HCM, cho rằng Triển lãm chuyên ngành in của TP HCM cũng là một giải pháp để tiếp sức cho ngành in TP HCM thêm cơ hội phát triển và đầu tư đúng trọng tâm... 

Diễn ra từ ngày 18 - 21/9, triển lãm có qui mô hơn 150 gian hàng hàng tham gia trưng bày sản phẩm như máy móc thiết bị ngành in lụa, in dệt may, in da giày, in nhãn mác, in bao bì, in điện tử; vật liệu, vật tư ngành in; sản phẩm ngành in… 

"Đây là lần đầu tiên triển lãm chuyên ngành in được tổ chức tại TP HCM nói riêng và ở Việt Nam nói chung, cũng là dịp để khuyến kích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ, kĩ thuật, thiết bị in tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, sức lao động và thân thiện với môi trường", ông Từ Lương nhận định.

Như Huỳnh

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.