|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc gặp khó

16:40 | 10/11/2018
Chia sẻ
Tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã mở rộng rất nhanh trong những thập niên vừa qua khi nền kinh tế bùng nổ mạnh mẽ, đem lại cho họ nguồn của cải chưa từng có. Song gần đây, tầng lớp này đang gặp phải ngày càng nhiều những khó khăn.
tang lop trung luu trung quoc gap kho Cứu trợ chứng khoán Trung Quốc: Làm nhiều, tác dụng được bao nhiêu?
tang lop trung luu trung quoc gap kho
Những người tiêu dùng trung lưu Trung Quốc tự gọi mình là “bắp cải” - bị nhổ bật gốc trên thị trường chứng khoán.

Spike Wang, 29 tuổi, chuyên viên tài chính đang phải vật lộn để sống ở Thượng Hải. Wang là một trong hàng triệu đàn ông và phụ nữ trung lưu Trung Quốc lớn lên trong một nền kinh tế phát triển thần tốc. Giờ đây, giữa lúc giá thuê nhà tăng phi mã và thị trường chứng khoán lao dốc, họ thấy cuộc sống hàng ngày càng lúc càng khó.

Năm ngoái là thời kỳ đặc biệt khốn khó. Giống như nhiều nhà đầu tư thuộc tầng lớp trung lưu, Wang đã bán tháo phần lớn cổ phần các công ty Trung Quốc sau khi danh mục đầu tư của anh bị mất giá đến 40% chỉ trong hai năm.

Không đủ tiền chi trả tiền thuê nhà đã tăng tới 37%, năm nay anh dọn ra khỏi căn hộ cũ ở Bắc Kinh và chuyển tới một căn hộ rẻ tiền hơn ở Thượng Hải. Nhưng anh vẫn thấy khó mà đảm đương nổi chi phí sinh hoạt ở Trung Quốc hiện giờ.

“Tôi cảm thấy rõ rằng hàng hóa đắt đỏ hơn rất nhiều, đặc biệt là vào nửa cuối năm nay”, Wang nói.

Tình trạng kiệt quệ về kinh tế của công dân Trung Quốc đã trở thành vấn đề phổ biến đến nỗi trên không gian mạng của Trung Quốc có hẳn một từ khóa riêng để chỉ những người như Wang - “jiucai”, tạm hiểu là bắp cải.

“Tôi là một bắp cải điển hình, bị nhổ bật gốc trên thị trường chứng khoán, trên thị trường thuê nhà và với tư cách một người tiêu dùng”, Wang nói.

Những người tiêu dùng trung lưu Trung Quốc tự gọi mình là “bắp cải” - một thứ rau xanh được sử dụng rộng rãi trong việc chế biến món ăn, để bày tỏ trên không gian mạng nỗi sợ hãi của họ trước các vấn đề kinh tế - tài chính.

Đó là một từ ngữ ngụ ý rằng họ là những kẻ khờ bị lừa đảo, họ chỉ là những bắp cải để các công ty lớn gặt hái, nhất là giữa lúc diễn ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và nền kinh tế bị chậm lại. Những phản ứng mỉa mai chẳng hạn như “chúng ta sắp bị thu hoạch” đã trở nên rất phổ biến trong tầng lớp trung lưu.

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã mở rộng rất nhanh trong những thập niên gần đây khi nền kinh tế bùng nổ mạnh mẽ. Nhưng một nền kinh tế đang chậm lại và không ổn định, bị áp lực của Mỹ đe dọa, đã gây ra nhiều nỗi lo lắng ngày càng tăng.

Trong một năm, giá thuê nhà ở một số khu vực của thủ đô Bắc Kinh đã tăng ít nhất 40%, nhiều cư dân nói rằng họ phải chi một nửa số tiền lương cho tiền thuê nhà. Một trong những phép đo chính xác về chi phí sinh hoạt ở Trung Quốc, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lên hàng tháng, từ tháng 5 đến nay.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gần đây làm tăng thêm sự bất định cho tầng lớp trung lưu của đất nước. Hồi tháng 9, các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư JPMorgan dự tính rằng, cuộc chiến tranh thương mại có thể làm cho Trung Quốc mất đi ít nhất 700.000 việc làm.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc, nơi hàng triệu nhà đầu tư tầng lớp trung lưu đã bỏ vào đó những đồng tiền tiết kiệm tích lũy được, đã xuống dốc không phanh dưới áp lực của các biện pháp của Mỹ, mất đi 25% giá trị kể từ tháng 1-2018.

Nguyên thủy, “bắp cải” là từ được thị trường chứng khoán Trung Quốc đặt ra để chỉ một tập thể đông đảo các nhà đầu tư nhỏ lẻ, số lượng có thể lên tới 100 triệu người.

Vô số các nhà đầu tư này đã mọc lên và lan rộng giống như bắp cải khi gặp môi trường thuận lợi cho tăng trưởng. Nhưng khi thị trường chứng khoán rơi xuống, các tay chơi lớn vẫn sống sót trong khi các nhà đầu tư trung bình đều thua lỗ. Khi “những bắp cải đã được thu hoạch” bị đẩy ra khỏi thị trường, những bắp cải đầu tư mới, chưa có kinh nghiệm, lại đổ vào, tràn ngập thị trường chỉ trong thời gian rất ngắn.

Tầng lớp trung lưu có cảm tưởng họ đang bị “gặt hái”, theo nhận định của Zhang Lin, một nhà bình luận kinh tế độc lập.

“Những “bắp cải” thật sự là cũng chính là nhóm người trung lưu mà lợi ích của họ sẽ bị hy sinh” - Zhang nói. Trong số những người này có nhiều công nhân cổ cồn trắng làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân hoặc là chủ nhân các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những người người tiêu dùng trung lưu bình thường trong nền kinh tế đang nguội lại của Trung Quốc như ông Wang nói với CNN rằng họ đang lặng lẽ thay đổi lối sống. Wang cho hay giờ anh phải nghĩ kỹ trước khi quyết định đi ăn ngoài phố, và anh chọn mua thực phẩm rồi tự tay nấu nướng ở nhà.

Xing, nhân viên một công ty khởi nghiệp ở Bắc Kinh, cho biết mặc dù anh vẫn còn đủ sức chịu được đà gia tăng chi phí hiện nay nhưng có lẽ anh phải đình hoãn một vài vụ mua sắm lớn. Trong số những khoản chi tiêu anh sẽ tránh có cả việc sinh thêm một đứa con mà gia đình đã dự tính.

“Sẽ quá sức tốn kém”, anh nói.

Xem thêm

Huỳnh Hoa