|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tặng không cả đồi rau cho TP HCM, người bán kiên quyết khẳng định 'kiếm tiền cả đời chứ đâu phải lúc này'

14:34 | 17/07/2021
Chia sẻ
Giữa lúc cơn "bão giá" rau củ quả đang khiến người dân TP HCM khổ sở, nhiều tấm lòng ở các địa phương khác đã thể hiện tinh thần đùm bọc của dân tộc Việt Nam, đem hàng tấn rau gửi tặng Sài thành với hi vọng thành phố mang tên Bác sẽ vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch.
Tặng không cả đồi rau cho TP HCM, người bán kiên quyết khẳng định 'kiếm tiền cả đời chứ đâu phải lúc này' - Ảnh 1.

Những tấm lòng thiện nguyện hướng về người dân TP HCM. (Đồ hoạ: Alex Chu).

Hiện tại, nguồn cung ứng hàng hóa, đặc biệt là rau xanh tại TP HCM đang gặp nhiều vấn đề do ảnh hưởng của các quy định giãn cách. Giá cả của nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng, trong đó rau xanh là một điển hình. Nhiều người dân đang phải kêu trời vì giá tăng rau củ quả thường ngày chỉ vài nghìn đồng đã có thể mua thì nay đội giá, tăng mấy chục lần. 

Mới đây, câu chuyện khan hiếm hàng hóa sau khi TP HCM áp dụng chỉ thị 16 lại nóng thêm một lần nữa khi trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng của một người phụ nữ, cô này than thở vì giá ra tăng quá cao. 

"Nghĩ sao thời buổi khó khăn, họ bán rau răm vừa héo, vừa ít mà bán 14.994 đồng, tăng giá lên gấp 3 - 4 lần. Bằng từng này tôi ra chợ mua chỉ 1.000 đồng thôi, 1.000 đồng còn nhiều hơn thế. Còn củ gừng này giá 21.912 đồng, các bạn thấy có xứng đáng không. Rồi đây vài củ sả giá 9.688 đồng, từng này bên ngoài tôi mua chỉ có 3.000 đồng", người phụ nữ trong nói trong video livestream. Cô đưa hóa đơn mua hàng cùng số rau củ mình mua vừa than thở.

Khi giá trị cộng đồng được đề cao: Cả đồi rau được nông dân tặng không cho TP HCM, người bán rau nhất quyết không tăng giá vì 'kiếm tiền cả đời chứ đâu phải lúc này' - Ảnh 1.

Đoạn livestream than thở về giá bán rau củ tại một siêu thị ở TP HCM. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Câu chuyện giá cả rau xanh leo thang ở TP HCM đã truyền tới đồng bào cả nước và một lần nữa, trong thời điểm khốn khó nhất, người dân Việt Nam vẫn thể hiện được tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau.

Đơn cử, theo Thanh Niên, từ đầu tháng 7, ông Nguyễn Trường Vũ, chủ một garage tại Quận 12 TP HCM đã đi khắp nơi gom hàng tấn rau xanh từ nhiều nguồn lực khác nhau, chất kín garage của mình. Ông Vũ cho biết số rau xanh này sẽ được chuyển tới các khu cách ly hoặc hỗ trợ bà con trong khu vực bị phong tỏa do dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, ông chủ garage cũng tổ chức gian hàng 0 đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn tại địa phương.

Trước thông tin nhiều người dân nghèo tại TP HCM gặp khó vì thực phẩm bão giá, ông Nguyễn Văn Kiều, một nông dân ở buôn làng R'but, xã Quảng Sơn (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã quyết định tặng hết cả vườn củ cải trắng của mình tới người dân TP HCM.

Tháng 5 vừa qua, ông Kiều cùng một người bạn góp vốn khoảng 100 triệu đồng để trồng cải trên diện tích khoảng 2,5 ha. Sau hơn 50 ngày, củ cải trắng bắt đầu cho thu hoạch. Và cũng đúng thời điểm này, tình hình dịch bệnh ở TP HCM diễn biến phức tạp, đời sống của người dân bắt đầu gặp khó khăn khi các chợ nông sản dừng hoạt động.

Khi giá trị cộng đồng được đề cao: Cả đồi rau được nông dân tặng không cho TP HCM, người bán rau nhất quyết không tăng giá vì 'kiếm tiền cả đời chứ đâu phải lúc này' - Ảnh 3.

Người nông dân quyết định tặng cả đồi của cải trắng diện tích 2,5 ha cho người dân TP HCM. (Ảnh: Báo Đắk Nông).

Sau khi biết được thông tin nhiều lao động nghèo không dám mua một bó rau muống vì giá cao gấp nhiều lần so với ngày thường, ông Kiều đã cùng người bạn của mình, quyết định dành tặng toàn bộ vườn cải tới người dân thành phố.

“Tiền thì có thể kiếm sau này, còn bây giờ bà con đang gặp khó, mình dành tặng hết vườn cải nhưng cảm thấy rất vui vì góp một phần công sức diệt "giặc COVID-19", ông Kiều tâm sự với báo Đắk Nông khi đang xếp củ cải lên xe, chuyển về TP HCM.

Theo báo Nghệ An, hưởng ứng Tuần lễ “Vì thành phố mang tên Bác”, sáng 16/7, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tiếp nhận và chuyển gần 300 tấn các nhu yếu phẩm của người dân 21 huyện, thành, thị và cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Nghệ An đóng góp ủng hộ người dân TP HCM.

Hay như tin đã đưa, trong thời điểm giá cả tăng chóng mặt, ông Phạm Hồng Minh, còn được biết tới với biệt danh Minh Râu, một người bán rau tại Biên Hòa (Đồng Nai) không vì thế mà tăng giá. Ông Minh chia sẻ: "Tiền kiếm cả đời chứ không nhất thiết phải lúc này". 

Bỏ qua cơ hội kiếm được 5 - 10 triệu/ngày, ông Minh vẫn bán với giá rẻ như cho, thậm chí còn miễn phí cho người khó khăn. Trước đó, ông chủ hàng rau ven đường này từng nổi tiếng với ý thức phòng chống dịch cao khi từ chối bán hàng cho người không đeo khẩu trang.

Ông Minh Râu với những tấm biển viết sai chính tả nhưng lại khiến bao người ấm lòng. (Ảnh: Facebook Nguyễn Thủy).

Liên quan đến thông tin một số siêu thị trên địa bàn TP HCM tăng giá bán, trong buổi làm việc chiều 16/7 với Cục Quản lý thị trường thành phố và Phòng kinh tế TP Thủ Đức, ông Trần Kinh Doanh, CEO CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) kiêm CEO Bách Hóa Xanh, xác nhận có tăng giá bán một số mặt hàng, nhưng do nguyên nhân khách quan.

CEO Bách Hóa Xanh giải thích việc tăng giá bán là do các điều kiện mua hàng bình thường đã bị xé bỏ trong dịch và áp lực phải đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hoá thiết yếu cho người dân.

"Trong điều kiện bình thường, việc mua hàng hoá rất thuận lợi. Ví dụ người bán rau cho Bách Hoá Xanh phải làm đúng quy cách như này, rồi họ trở đến kho, đúng giờ đó chúng tôi nhận hàng và đưa về các kho của mình.

Nhưng trong điều kiện này, không chỉ là việc người bán tăng giá mà nói thẳng thắn luôn là bình thường 8h họ đến nhưng bây giờ họ có trễ hơn hai tiếng đồng hồ cũng phải nán lại để đợi họ. Ngày hôm qua họ nói tôi sẽ giao cho anh 10 tấn rau nhưng họ không có xe tải, thì mình phải lùng xe tải xuống để thu mua", ông Doanh trần tình.

Hiện Bách Hoá Xanh có 560 điểm bán hàng ở TP HCM. Bình thường, mỗi ngày Bách Hóa Xanh cung cấp 500 - 600 tấn rau nhưng trong ngày 14 và 15/7 đã nâng lên thêm 2.100 - 2.500 tấn, sắp tới tăng lên 3.000 tấn. 

Ông Doanh cho rằng nhiều người đến mua hàng rồi về nâng giá bán, khiến người dân bức xúc phản ánh hệ thống Bách Hóa Xanh bán giá hàng hóa cao trong mùa dịch, theo Người Lao Động.

Vượng Phát