|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không những không tăng giá, nhiều siêu thị Nhật Bản còn phát lương thực miễn phí cho người dân trong lúc hoạn nạn

13:30 | 16/07/2021
Chia sẻ
Nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng ở Nhật Bản phân phát lương thực miễn phí, hỗ trợ xây dựng nhà cửa, ổn định tâm lý của người dân sau thiên tai.

Năm 2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất sóng thần, khiến gần 16.000 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải di dời nhà cửa và hàng triệu người phải sống trong cảnh thiếu điện nước, theo HBS Working Knowledge.

Đồng thời, thảm họa này cũng khiến hàng loạt công trình giao thông bị phá hủy, hơn 383.000 ngôi nhà bị hư hại, bao gồm cả một nhà máy điện hạt nhân. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp này đã làm như thế nào?

"Nhiều công ty của Nhật Bản không giống các công ty khác tại phố Wall bởi họ không tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận. Thay vào đó, họ hướng đến việc tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội", giáo sư Hirotaka Takeuchi của trường Kinh doanh Harvard chia sẻ. "Các nhà lãnh đạo thông thái khác nhau sẽ cùng nhau hành động".

Phần thưởng cho các công ty này là những giá trị lâu dài. Trên thực tế, tuổi thọ các doanh nghiệp tại Nhật Bản nổi bật so với các khu vực khác trên thế giới. Theo nghiên cứu của Takeuchi Global, 40% các công ty tồn tại hơn 300 năm đều đến từ Nhật Bản.

Điều này đã được chứng minh qua những gì mà các doanh nghiệp Nhật Bản đã làm để phản ứng lại với thảm họa kép năm 2011.

Lawson phân phát các suất ăn cho nạn nhân

Khác với Bách Hóa Xanh, nhiều chuỗi siêu thi, cửa hàng ở Nhật Bản phân phát lương thực miễn phí, hỗ trợ xây dựng nhà cửa, ổn định tâm lý của người dân sau thiên tai - Ảnh 1.

Lawson đã phân phát các suất ăn miễn phí cho vùng chịu thiên tai. (Ảnh: Live Japan).

CEO của chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson, ông Takeshi Niinami đã thông báo tới các nhân viên của mình rằng cần giao thực phẩm cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng của thiên tai trong vòng 7 ngày mà không cần quan tâm tới chi phí.

Đáng chú ý, thông báo này được ông đưa ra chỉ vài phú trước khi thảm họa kép động đất sóng thần xảy ra. Sau đó, công ty của ông đã phân phát khoảng 200.000 suất ăn cho các nạn nhân trong vòng hai tuần.

Ngoài ra, Lawson cũng đặc biệt quan tâm tới gia đình của những nhân viên có người thân thiệt mạng hoặc nhà cửa bị phá hủy bởi thiên tai.

Thay vì tập trung cho nỗ lực cứu trợ công ty ở Tokyo, thị trường chính của Lawson tại Nhật Bản, ông Niinami lại tiến thẳng đến Tohoku, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa kép.

Trong khi nhiều tài xế từ chối giao hàng vào khu vực này, ông Niinami tin rằng việc xây dựng một cửa hàng tiện lợi tại đây sau thảm họa sẽ mang lại cảm giác yên tâm hơn cho người dân. Vì vậy, ông đã kêu gọi để xây dựng một cửa hàng Lawson tại thành phố Soma.

Đồng thời, khi các trường tiểu học của thành phố Soma mở cửa trở lại, ông Niinami đã quyết định phân phát suất ăn miễn phí trong ba ngày liên tiếp cho các học sinh. Hành động của ông đã nhận được sự biết ơn của cả thành phố.

Yakult cung cấp lương thực, thực phẩm cho những người sống sót

Khác với Bách Hóa Xanh, nhiều chuỗi siêu thi, cửa hàng ở Nhật Bản phân phát lương thực miễn phí, hỗ trợ xây dựng nhà cửa, ổn định tâm lý của người dân sau thiên tai - Ảnh 2.

Yakult đã hỗ trợ hết mình cho cả nhân viên và người dân sau thảm họa kép. (Ảnh: Japan Travel).

"Yakult Ladies" là một nhóm chuyên cung cấp thức ăn nước uống do Yakult sản xuất tới tận nhà khách hàng. Ngay sau khi thảm họa động đất sóng thần xảy ra, CEO Hiromi Watanabe đã nhận được thông báo về việc có rất nhiều nhân viên của Yakult tại khu Tohoku lo sợ việc thiếu lương thực, thực phẩm và nước uống.

Khi đó, Yakult cũng đã mất 30% thị phần, giảm lực lượng bán hàng và thiệt hại đáng kể về doanh thu.

Tuy nhiên, thay vì cắt giảm nhân sự, Hiromi Watanabe lại làm điều ngược lại. Ông tuyên bố sẽ dùng tất cả mọi nguồn lực để hỗ trợ cho các nạn nhân sau thảm họa trên.

Sau đó, ông phân phát cho các nhân viên thuộc "Yakult Ladies" mỗi người 300 USD để họ có thể duy trì công việc. Tương tự như vậy, "Yakult Ladies" đã thực hiện việc giao lương thực thực phẩm cho các nạn nhân sống sót sau thảm họa. Tới khi cạn kiệt nguồn cung, họ thậm chí còn giao cả mì gói và nước lọc miễn phí.

Yakult có thể đã đi theo một con đường khác sau thảm họa. "Tôi tin rằng các khoản thu nhập có thể kiếm lại được nhưng lòng tin đối với khách hàng thì không nếu chúng tôi không thể làm được điều gì đó trong giai đoạn khủng hoảng", ông Hiromi Watanabe cho biết.

Yamato quyên góp, ủng hộ để xây dựng lại các khu vực bị tàn phá

Khác với Bách Hóa Xanh, nhiều chuỗi siêu thi, cửa hàng ở Nhật Bản phân phát lương thực miễn phí, hỗ trợ xây dựng nhà cửa, ổn định tâm lý của người dân sau thiên tai - Ảnh 3.

Yamato hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà cửa. (Ảnh: Yamato Transport).

Makoto Kigawa, Giám đốc điều hành của Yamato, một dịch vụ giao hàng ở Nhật Bản đã gửi một thông điệp tới 10.000 nhân viên ở Tohoku sau khi thảm họa động đất sóng thần xảy ra rằng: "Sự giúp đỡ là điều cần thiết vào lúc này. Đừng lo lắng về các khoản lợi nhuận".

Ông Kigawa tin rằng nhiệm vụ của Yamato là khôi phục lại các dịch vụ càng nhanh càng tốt. Được truyền cảm hứng từ việc các tài xế của công ty tự vận chuyển hàng hóa cho những người còn sống, ông đã huy động khoảng 500 nhân viên và 200 xe tải để vận chuyển hàng tới các trung tâm sơ tán ở vùng Tohoku.

Chương trình ban đầu dự kiến kéo dài hai tuần. Tuy nhiên, chương trình sau đó đã diễn ra trong vòng 8 tháng, cho đến khi tất cả người dân không cần phải nhận các khoản trợ cấp của chính phủ.

Ông Kigawa cũng là người đứng ra tổ chức chương trình quyên góp, vận động các nhân viên của công ty và cổ đông, mỗi người đóng góp ít nhất 10 yên để hỗ trợ người dân xây dựng lại các khu vực bị tàn phá. Chiếc dịch cuối cùng đã quyên góp được số tiền hơn 4 tỷ yên, bằng khoảng 40% lãi ròng của Yamato trong năm đó.

Fast Retailing mở đèn 24/7

Khác với Bách Hóa Xanh, nhiều chuỗi siêu thi, cửa hàng ở Nhật Bản phân phát lương thực miễn phí, hỗ trợ xây dựng nhà cửa, ổn định tâm lý của người dân sau thiên tai - Ảnh 4.

Fast Retailing để đèn sáng 24/7. (Ảnh: Style-Republik).

Mặc dù thiên tai đã làm hư hại một số cửa hàng UNIQLO của Fast Retailing, một công ty bán lẻ ở Nhật Bản, nhưng CEO Tadashi Yanai khi đó đã đưa ra quyết định mở cửa các cửa hàng của Fast Retailing 24/7 nhằm đem lại cảm giác bình thường cho mọi người.

Ông Tadashi Yanai đã cho bật đèn tất cả các biển quảng cáo của Fast Retailing cả ngày lẫn đêm. Theo ông, việc làm này rất quan trọng trong việc giữ vững tâm lý của người dân.

"Nhiều người thậm chí đã khóc khi chúng tôi làm như vậy", một quản lý cửa hàng của Fast Retailing chia sẻ.

Ngoài ra, ông Tadashi Yanai cũng là một trong những người đi đầu trong việc quyên góp quần áo, đồ dùng cá nhân cho những người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. CEO của Fast Retailing tin rằng việc giúp đỡ cộng đồng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cách cần thiết để giúp công ty có thể tồn tại.

Quốc Anh