|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tái cơ cấu ngành điều - Bài 1: Nông dân chưa giàu vì đâu?

16:00 | 01/09/2018
Chia sẻ
Ngành điều nước ta đang cho cho giá trị xuất khẩu vượt mốc 3,5 tỷ USD/năm. Đây cũng là ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.
tai co cau nganh dieu bai 1 nong dan chua giau vi dau Cung vượt cầu: Ngành điều gặp khó
tai co cau nganh dieu bai 1 nong dan chua giau vi dau Nhiều nhà máy sản xuất điều tạm ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu

Ngành điều nước ta hiện đang cho cho giá trị xuất khẩu vượt mốc 3,5 tỷ USD/năm. Đây là ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động gồm những người trực tiếp trồng điều và công nhân chế biến.

Riêng tỉnh Bình Phước có hơn 200 doanh nghiệp và 400 hộ kinh doanh tham gia vào khâu chế biến và xuất khẩu hạt điều, đưa tỉnh này trở thành “thủ phủ” điều của cả nước. Diện tích trồng điều của Bình Phước chiếm đến gần 50% cả nước, công nghiệp chế biến đứng hàng đầu, nhưng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì người dân trồng điều đang còn “tự bơi”, sản xuất còn lạc lậu, gặp bất lợi về thời tiết dẫn đến nông dân chưa có thu nhập cao nhờ cây điều.

Bài 1: Nông dân chưa giàu, vì đâu?

“Thủ phủ” Bình Phước hiện có hơn 71.000 hộ nông dân trồng điều; trong đó, có phần đông hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang trồng trên 145.000 ha, bình quân mỗi hộ gia đình có 2 ha.

Tuy nhiên, những năm gần đây do liên tục mất mùa, bà con nhà nông thu nhập bấp bênh. Hiện cây điều chỉ trong giai đoạn là “cây xoá đói, giảm nghèo”, còn xác định thành cây chủ lực làm giàu vẫn còn gian nan ở phía trước.

* Năng suất liên tục giảm do mất mùa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đánh giá, niên vụ hai năm gần đây 2017 - 2018 điều mất mùa nặng. Điển hình là năm 2017, trên 50% diện tích trồng điều bị mất trắng, giảm sâu năng suất sản lượng, kéo theo cung ứng nguyên liệu chế biến hạt điều nhân xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng rất lớn cho các nhà sản xuất.

tai co cau nganh dieu bai 1 nong dan chua giau vi dau
Nông dân Bình Phước chăm sóc vườn điều. (Ảnh: K GửiH/TTXVN)

Trong vụ 2018, sau khi tỉnh Bình Phước thực hiện chương trình “giải cứu” các vườn điều trên quy mô lớn, cây điều đã tái sinh khá tốt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cây điều có phục hồi nhưng năng suất vẫn chưa đạt. Thậm chí, mất mùa liên miên nên thu nhập kinh tế của phần đông hộ nông dân trồng điều luôn chạy vạy để lo đủ cái ăn, cái mặc. Sau đợt sâu bệnh ồ ạt tấn công các vườn điều trong 2 vụ gần đây (2017-2018), nhiều nông dân trồng điều ở “ thủ phủ” Bình Phước (chiếm gần 50% diện tích của cả nước) tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn. Anh Phan Văn Đức ở xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng có hơn 3 ha điều, bình quân mỗi vụ thu hoạch hơn 2 tấn/ha.

Nhưng do hai năm gần đây, vườn điều bị bọ xít muỗi tấn công, phá hoại, cây bị cháy lá cành, cả vụ chỉ thu hoạch được hơn 6 tạ/mùa. Sau khi trừ chi phí phân bón và công chăm sóc, anh Đức bị thua lỗ. Hộ nhà nông Điểu Lay ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập có hơn 2 ha trồng điều và đây là nguồn kinh tế để nuôi 5 người trong gia đình. Tuy nhiên, theo anh Lay những năm gần đây, vụ điều nào cũng mất mùa.

Cả vườn điều hơn 2 ha chỉ cho thu hoạch được 1 tấn, bán với giá gần 40.000 đồng/kg cho Lay thu nhập 40 triệu đồng/năm. Theo anh Lay tính toán nếu trừ chi phí thuốc, phân bón và công chăm sóc là xem như thu không đủ bù chi. Ghi nhận tại Hợp tác xã Nông nghiệp Bù Gia Mập cho thấy, hiện có 132 hộ là xã viên với tổng diện tích đang trồng khoảng 400 ha điều. Trong hai niên vụ 2017 và 2018, hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã Nông nghiệp Bù Gia Mập khá “bấp bênh” vì năng suất các vườn điều sụt giảm mạnh.

Đặc biệt, vụ điều 2017-2018 không chỉ giảm năng suất mà chất lượng nhân bị giảm do sâu bệnh tấn công; sâu đục trái khiến nhiều sản phẩm bị lỗi khi đưa vào chế biến. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bù Gia Mập Trần Thị Yến, vụ mùa 2018 sâu bệnh như sâu đục thân, bị bọ xít tấn công làm cháy lá gây thiệt hại trên toàn bộ diện tích điều của hợp tác xã dẫn đến mỗi ha cho thu hoạch chỉ 7-8 tạ/ha. Như vậy, với năng suất này thì nhà nông trồng điều đều bị lỗ nặng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết nhận xét, mất mùa điều liên tục xảy ra, cao điểm nhất là trong niên vụ 2017, nguyên nhân do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường khiến phát tán sâu bệnh tấn công các vườn điều của nhà nông.

Nạn bọ xít muỗi bùng phát cũng khiến nhiều vườn điều bị rụng lá, khô cành dẫn đến chất lượng phát triển các vườn điều không tốt, kéo theo giảm năng suất, mất mùa điều. Chiến dịch “giải cứu” của tỉnh Bình Phước năm 2018 tập trung vào tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ nông dân quản lý sâu bệnh, tuyên truyền tác hại của sâu bệnh và cách phục hồi... và số vườn điều phục hồi tốt chiếm 70%...

Tuy nhiên, hiện tại ở “ thủ phủ” điều Bình Phước có những vườn điều trồng kéo dài hàng chục năm, diện tích già cỗi gia tăng khá lớn, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến đến giảm năng suất và chất lượng vườn cây suy kiệt.

* Nông dân lại chặt bỏ cây

Do bị nhiễm sâu bệnh tấn công từ năm 2017 đến năm nay, hàng trăm ha điều của người dân xã Đăng Hà liên tục xảy ra tình trạng khô cành, cháy lá và bị sâu đục thân phá hoại dẫn đến mùa vụ, thất thu. Nhiều vườn điều trong 2-3 năm nay liên tục không đậu trái, cây chết khô, chết mòn khiến nhà nông trồng điều mất kiên nhẫn phải đốn hạ. Tại khu vực hai bên tuyến đường từ thôn 5 đến cầu Phước Cát, những đống củi điều xếp đầy ven đường chờ bán. Những quả đồi ngày trước được phủ xanh bằng cây điều thì nay trơ trọi, trọc lóc nham nhở vì dấu vết của gốc điều do bà con mới vừa chặt hạ các vườn điều kém hiệu quả kinh tế.

tai co cau nganh dieu bai 1 nong dan chua giau vi dau
Cây điều khô cành, lá khó có khả năng phục hồi phát triển kịp vụ mùa năm sau. (Ảnh: K GửiH/TTXVN)

Đến thôn 5, xã Đăng Hà, nhà nông Lục Văn Triều đang đốn hạ 3 ha điều trồng 18 năm nay để chuyển sang trồng cây khác.

Ông Triều cho biết, những năm trước, vườn điều thu hơn 8 tạ/năm. Ba năm trở lại đây, vụ mùa bị mất trắng, gia đình không có thu nhập, nguy cơ đói ăn. Để cứu vườn điều, ông Triều đã mua các loại thuốc dưỡng cây, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và bón phân cải tạo vườn nhiều lần nhưng không ăn thua; điều vẫn khô cành, những cây sống thì còi cọc không ra bông.

Dù kiên nhẫn cải tạo vườn nhưng qua 3 năm không thu được một hạt nên ông đành phải chặt bán củi và sẽ thay thế cây trồng khác. Còn hộ Mông Văn Luyện, cùng trú thôn 5, có 1 ha điều trồng hơn 10 năm. Vườn điều của gia đình ông trồng trên một quả đồi gần nhà. Hơn 3 năm nay, cây điều bị sâu bệnh tấn công làm khô bông, khô cành không có trái khiến đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Nhà ông Luyện có 5 người, kinh tế đều dựa vào 1 ha điều. Nếu phải cưa bỏ, trồng lại cây khác thì cuộc sống của gia đình sẽ rất bấp bênh nhưng để lại vườn thì không có nguồn thu. Ông Luyện cũng chưa biết chọn loại cây gì để thay thế, còn nếu trồng lại điều thì không biết đến lúc nào mới có nguồn thu. Mấy năm trước, vườn điều của gia đình ông thu hơn 1 tấn/năm, tương đương trên 30 triệu đồng, đủ tiền sinh hoạt hằng ngày. Nay cây không có trái, lại bị sâu đục thân và dịch bệnh hoành hành nên phải cưa bỏ. Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, với 2 ha điều, mấy năm trước gia đình ông Trương Văn Tướng ở thôn 3, xã Đăng Hà thu về trên 3 tấn/vụ. Tuy nhiên, hai vụ gần đây nhất, gia đình ông chỉ thu về từ 300 kg đến 400 kg.

Gia đình ông Tướng thuộc diện hộ cận nghèo. Hiện gia đình gặp khó khăn về nguồn kinh phí để tái canh và chưa biết chọn giống điều nào để trồng mới. Mặc dù rất "sót" nhưng vẫn quyết định chặt bỏ vì cả vườn điều không còn cho thu nhập. Cách nhà ông Trương Văn Tướng không xa, hộ ông Trương Văn Vĩnh có 5 ha điều cũng đang “đau đầu” khi có gần 4 ha điều bị hư hại khó phục hồi. Do đó, ông Vĩnh quyết định chặt bỏ 1 ha để chuyển đổi mô hình sản xuất mới.

Còn gia đình ông Triệu Văn Lú cũng ở thôn 3 có gần 2 ha điều nhưng do bị sâu bệnh nặng buộc phải chặt bỏ để trồng lại. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, tiền bạc dốc hết chữa trị bệnh cho vợ trong thời gian dài nên ông Lú "kêu trời" vì túng thiếu. Hiện vẫn còn nhiều hộ phải tiếp tục cưa bỏ vì cây điều. Điều đáng nói, địa phương - nơi có người dân bỏ cây điều đang rơi vào cảnh lúng túng trong việc hướng dẫn khuyến nông giúp bà con chọn cây gì cho phù hợp với thổ nhưỡng và địa hình đồi núi dốc nơi đây.

Việc tái canh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng đất trên phần đông là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà Bàn Văn Lưu cho biết, xã Đăng Hà hiện có 1.800 ha điều. Từ năm 2017, các vườn điều ở Đăng Hà gặp thất mất mùa nhưng vẫn còn cái để thu. Đến vụ điều năm 2018 thì gần như mất trắng.

Bình quân 1 ha điều người dân chỉ thu được hơn nửa tạ. Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng và các ngành chức năng đã đến kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ vật tư giúp người dân phòng trừ, xử lý sâu bệnh hại, nhưng kết quả không khả quan.

Do đó, từ tháng 1 đến đầu tháng 8/2018, người dân trên địa bàn xã đã cưa bỏ trên 135 ha điều để chuyển đổi qua các cây trồng khác. Chủ tịch UBND xã Đăng Hà Võ Ngọc Hoàng Vũ cho biết, qua tình trạng hiện nay, xã cũng khuyến cáo người dân thận trọng khi tái canh và thâm canh cây điều.

Chính quyền xã mong muốn các ngành, đơn vị ở địa phương hỗ trợ để giúp nông dân chọn cây trồng phù hợp, tránh tình trạng chạy theo phong trào “chặt - trồng” không mang lại hiệu quả kinh tế và là nguy cơ tái diễn nạn đói nghèo.

Xem thêm

Chí Tưởng - K GửiH

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.