Ngành điều 'cầu cứu' ngân hàng gói tín dụng 800 triệu USD
Cung vượt cầu: Ngành điều gặp khó | |
Nhiều nhà máy sản xuất điều tạm ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu |
Phân loại hạt điều trước khi đóng gói xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phúc An (Bình Phước). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều, trước diễn biến bất thường của giá điều (giá điều nhân xuống quá nhanh), các ngân hàng đang khá e dè trong giải ngân. Một số ngân hàng khi đến thời gian đáo hạn không cho vay tiếp khiến các doanh nghiệp phải bán tháo nhân điều xuất khẩu để có nguồn vốn xoay vòng.
Việc ngân hàng siết chặt cho vay đáo hạn khiến các doanh nghiệp ngành điều gặp rất nhiều khó khăn. Ghi nhận từ các đơn vị hội viên, ông Đặng Hoàng Giang - Tổng thư ký Vinacas cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều đang phải tạm ngưng sản xuất do không có vốn quay vòng, thiếu nguyên liệu sản xuất. Đơn cử như ở Long An, hiện chỉ có 12/33 doanh nghiệp còn hoạt động; còn tại Bình Phước, có đến 80% cơ sở, doanh nghiệp chế biến điều (chủ yếu là quy mô nhỏ) phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất.
Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến điều ở Ấn Độ - một trong những nhà sản xuất, chế biến điều lớn nhất thế giới cũng đang gặp khó khăn tương tự.
Tại thành phố Kollam (thuộc bang Kerala) - thủ phủ điều của Ấn Độ, từ đầu năm 2018 đến nay, doanh nghiệp điều nước này đã nhập nguyên liệu điều với giá rất cao từ Châu Phi. Tuy nhiên, với giá bán thấp, đã có tới 70% doanh nghiệp phải bán tháo, đóng cửa tạm dừng sản xuất và phải nộp đơn xin giải cứu. Chính phủ Ấn Độ đã phải họp bàn giải pháp đề nghị ngân hàng Trung ương giãn nợ hoặc hạ thấp lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas cho biết thêm, thời gian qua một số doanh nghiệp ngành điều Việt Nam gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao trong khi giá điều nhân xuống thấp nhưng đây chỉ là vấn đề “tạm thời”. Mới đây, các doanh nghiệp điều đã đàm phán lại được giá mua nguyên liệu, giảm từ 150 - 300 USD/tấn hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động sản xuất nên cần vốn để tiếp tục hoạt động, tránh tình trạng phá sản hàng loạt. Bởi lẽ, điều là ngành sản xuất lớn, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,6 tỷ USD, đứng đầu nhóm nông sản xuất khẩu và nhu cầu thị trường thế giới còn rất lớn.
Mặt khác, các dự báo của Hội đồng hạt quả khô thế giới (INC) cũng cho thấy, giá nhân điều thế giới vẫn đang tăng, trung bình tăng 6%/năm và không hề có dấu hiệu giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điều toàn cầu vẫn dự báo tăng, nhất là vào cao điểm 6 tháng cuối năm. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp hiện đã hết, doanh nghiệp ngành điều cần tận dụng cơ hội này để nhập khẩu nguyên liệu đẩy mạnh chế biến xuất khẩu trong thời gian tới, bù lại phần tổn thất do giá giảm vừa qua.
Dù nhu cầu tiêu thụ hạt điều của thế giới luôn được dự báo tăng qua các năm, thế nhưng, điều cũng chỉ là một trong 12 loại hạt trong rổ hạt quả khô hiện nay, vẫn có nguy cơ sẽ bị thay thế bằng các loại hạt khác. Do vậy, việc bỏ lỡ đáp ứng nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vị thế của ngành điều trong thời gian tới.
Theo ước tính của Vinacas, hiện có khoảng 500.000 tấn điều nguyên liệu đang trên đường từ nước xuất khẩu sang Việt Nam hoặc bị kẹt ở kho ngoại quan. Do vậy, ngành điều rất cần các ngân hàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ gói tín dụng khoảng 800 triệu USD để kịp thời lấy hàng phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu.
Đại diện Vinacas cho biết, đơn vị này sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng 800 triệu USD phục vụ nhập khẩu nguyên liệu đối với các doanh nghiệp trong ngành. Vinacas sẽ cung cấp cho các ngân hàng danh sách các doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín để có căn cứ cho vay (nếu cần).
Đồng thời, Vinacas cũng yêu cầu ngân hàng không can thiệp quá sâu vào nội bộ ngành, nhất là việc khuyên các doanh nghiệp điều “bỏ cọc” nhập khẩu nguyên liệu. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp mà còn là uy tín, thương hiệu của ngành điều Việt Nam trên thị trường.
Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước ước đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ 2017. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước trên 750 triệu USD, giảm mạnh 40,7% so với cùng kỳ. Mỹ hiện vẫn là nước nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% thị phần, tiếp sau đó là Trung Quốc với 10% thị phần, còn lại là các thị trường khác.
Xem thêm |