|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Việt Nam không mở rộng diện tích trồng điều?

08:07 | 21/06/2021
Chia sẻ
Phản hồi về đề xuất mở rộng diện tích trồng điều của Bộ Công Thương, Cục Trồng trọt cho biết Bộ NN&PTNT sẽ tính toán hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng, không ép ngành điều phát triển bằng mọi giá.

Không phát triển bằng mọi giá

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu điều trong tháng 5 đạt gần 272 nghìn tấn, giá trị gần 386,5 triệu USD, giảm 42% về lượng và giảm hơn 49% về giá trị so với tháng 4.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhập khẩu điều đạt hơn 1,4 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2,2 tỷ USD tăng hơn 247% về lượng và tăng 281% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Trồng trọt: Không phát triển ngành điều bằng mọi giá - Ảnh 1.

Lượng, giá trị nhập khẩu điều từ tháng 5/2020 đến nay (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Như vậy, lần đầu tiên trong 16 năm qua, ngành điều rơi vào tình thế nhập siêu với hơn 2,2 tỷ USD. Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đề xuất mở rộng diện tích điều để tự chủ về nguyên liệu và tăng thu nhập cho nông dân.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết năm 2020 tổng diện tích điều trên cả nước đạt 300.000 ha, diện tích thu hoạch đạt 280.000 ha. Tổng sản lượng đạt 350.000 tấn/năm, sản lượng trung bình đạt 1,25 tấn/ha.

Ông Cường cho biết trung bình mỗi năm Việt Nam cần nhập khoảng 1,4 triệu tấn điều thô. Như vậy, nếu Việt Nam mở rộng diện tích trồng điều để đáp ứng nhu cầu chế biến trong nước thì ít nhất cần khoảng hơn 1,1 triệu ha.

"Con số này là quá lớn so với quỹ đất trống của Việt Nam. Do vậy, nếu phát triển trồng điều buộc phải cạnh tranh với cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả… Nếu trồng điều, diện tích các loại cây trồng này sẽ phải thu hẹp, phá bỏ.

Lúc đó, chúng ta phải đặt lên bàn cân hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng, cây nào cho hiệu quả thì người dân sẽ trồng. Chúng ta không ép ngành điều phát triển bằng mọi giá, không thể ép người dân trồng", ông Cường nói.

Thị trường sẽ quyết định tương lai ngành điều

15 năm qua, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới với công nghệ chế biến hiện đại, gia tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản.

Theo ông Cường, trong khi các mặt hàng khác chủ yếu xuất thô, chỉ có ngành điều mới làm được điều này và đó lợi thế Việt Nam cần giữ vững và phát triển. Tuy nhiên, hơn 60% lượng điều thô chế biến chủ yếu nhập khẩu từ châu Phi.

Giả sử, các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là châu Phi có chính sách giảm xuất khẩu điều thô, tăng chế biến điều nhân thì rõ ràng lượng điều nhập vào Việt Nam sẽ giảm mạnh hoặc giá nhập khẩu điều sẽ tăng cao.

"Do đó, việc chủ chủ động nguồn nguyên liệu trong nước cũng là yêu cầu cần thiết", ông Cường nhận định.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích điều của Việt Nam trong 30 – 40 năm qua ổn định ở mức 300.000 ha, trong đó, Bình Phước chiếm gần 50% tổng diện tích.

Vì sao Việt Nam không mở rộng diện tích trồng điều? - Ảnh 2.

Bình Phước chiếm gần 50% diện tích điều của cả nước. (Số liệu: Cục Trồng trọt, biểu đồ: Hoàng Anh)

Tuy nhiên, phần lớn diện tích điều được trồng theo dự án phủ xanh đất trồng, đồi trọc, trồng ở các vùng đất cằn cỗi, thiếu nước, thiếu quy trình nên sản lượng đạt khoảng 1,25 tấn/ha.

Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định Việt Nam đang phát triển theo nền kinh tế thị trường, thị trường sẽ điều chỉnh tất cả. Nếu trồng điều có hiệu quả, giá điều tốt thì tự người dân sẽ có xu hướng chuyển sang trồng và phát triển điều.

"Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các địa phương đánh giá và định hướng phát triển bền vững ngành điều căn cứ vào quỹ đất, suất đầu tư, hiệu quả kinh tế của ngành điều để có kế hoạch mở rộng diện tích phù hợp nhưng nhất định phải định hướng theo thị trường", ông Cường nói.

Đại diện Cục Trồng trọt cho biết kích thước, chất lượng hạt điều phần lớn phụ thuộc vào các yếu tố đất đai, giống và quy trình canh tác. 

Do đó, nếu mở rộng diện tích trồng điều thì có thể tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng…

Đồng thời, một số giống điều có triển vọng, cho năng suất và chất lượng cao đang được nghiên cứu và thử nghiệm như PL1, AB 05,AB 08, AB 29… Nếu trồng ở vùng đất tốt, quy trình canh tác chuẩn thì sản lượng có thể đạt khoảng 2 tấn/ha.

Tuy nhiên, sản lượng này mới chỉ đạt trong vùng thử nghiệm, ở các địa phương chưa có vùng nào đạt được sản lượng cao như vậy.

Cục Trồng trọt: Không phát triển ngành điều bằng mọi giá - Ảnh 3.

Điều đang được trồng chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai... (Ảnh: DanViet)

Do đó, việc có nên mở rộng diện điều hay không cần nhiều kế hoạch và thời gian.

Trong thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương như Bình Phước có chương trình cải tạo bằng trồng cây mới hoặc ghép giống mới trên thân cây cũ, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến để tăng năng suất.

Cơ chế cho người trồng điều

Trong trường hợp, ngành điều phát triển và Bộ NN&PTNT cùng các địa phương tiến tới mở rộng diện tích điều.

Theo ông Cường, việc mở rộng diện tích sẽ đặt ra một số vấn đề phát sinh. Đơn cử như việc người dân phá các cây trồng khác để trồng điều nhưng phải sau 3 – 5 mới cho thu hoạch, liệu người dân có đủ lực để đầu tư, đầu tư rồi liệu có giải quyết hết đầu ra?

Một tình huống khác, giá điều thô nội địa cao hơn giá điều nhập khẩu thì đương nhiên các doanh nghiệp chế biến tính toán, nghiêng về nhập điều hơn là mua của người dân.

Do đó, nếu các nhà máy, doanh nghiệp chế biến điều nhận thấy chế biến điều có thể thu được lợi nhuận lớn và cần có nguồn nguyên liệu thì trách nhiệm của các doanh nghiệp là đồng hành cùng với chính quyền địa phương, Bộ NN&PTNT đầu tư lại cho người dân trong những vùng điều nguyên liệu theo hướng phát triển bền vững.

Cục Trồng trọt: Không phát triển ngành điều bằng mọi giá - Ảnh 4.

Nếu mở rộng diện tích điều cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người trồng điều (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản)

"Bên cạnh đó, cần tính toán trong thời gian trồng mới cây điều, đợi thu hoạch, người dân sẽ được đầu tư, hỗ trợ những gì… chứ không thể khi cần thì khuyến khích, yêu cầu người dân trồng, khi khó khăn tiêu thụ thì bỏ rơi người dân. Trong thời đại kinh tế thị trường, mọi thứ đều phải sòng phẳng", ông Cường cho biết.

Do đó, trong trường hợp mở rộng diện tích điều, Bộ NN&PTNT, các địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu điều bền vững, thúc đẩy chế biến và gia tăng giá trị nông sản.

Tuy nhiên, chuyên gia Cục Trồng trọt nhấn mạnh Bộ NN&PTNT sẽ không ép ngành điều phát triển bằng mọi giá, chỉ đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn về diện tích trồng, quy trình canh tác, giống và các chính sách hỗ trợ cho người dân. Còn việc còn quyết định trồng hay không trồng phụ thuộc vào địa phương và người dân.

Phạm Mơ