|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá nông sản giảm có đủ sức thu hút doanh nghiệp chế biến?

06:40 | 18/06/2021
Chia sẻ
Dù lĩnh vực chế biến nông sản được đánh giá là ngành hái ra tiền, siêu lợi nhuận nhưng các doanh nghiệp vẫn e dè khi lấn sân vào lĩnh vực này, đặc biệt là chế biến rau củ quả. Điều gì khiến lĩnh vực chế biến rau quả này chưa thể phát triển dù tiềm năng và dư địa phát triển là khá lớn?

Miếng bánh hấp dẫn

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, xuất khẩu các sản phẩm rau quả tươi giảm mạnh do chi phí logistics tăng cao, lịch trình vận chuyển bị xáo trộn.

Trong tháng 5, xuất khẩu nông sản tắc đường khiến giá một số củ, quả lao dốc. Cụ thể, khoai lang tím chỉ còn 1.000 đồng/kg, xoài Đài Loan có giá 2.000 đồng/kg, mít Thái chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ còn 6.000- 7.000đồng/kg…

Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu rau quả tươi giảm nhưng các sản phẩm chế biến từ rau quả có chiều hướng gia tăng do các quốc gia thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng quốc tế chuyển sang sử dụng các sản phẩm nông sản chế biến, tiện lợi.

Hiện nay, nguồn cung các rau, củ, quả trong nước trong thời điểm dịch khá dồi dào. Do đó, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, tích trữ nguyên liệu giá rẻ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu nông sản chế biến, thu lợi nhuận lớn.

"Bởi sau khi chế biến, giá trị các sản phẩm rau quả tăng 2 - 6 lần so với rau quả tươi. Nếu chúng ta có nguồn nguyên liệu sạch, công nghệ chế biến hiện đại, thị trường tiêu thụ và hệ thống phân phối lớn thì tương lai lĩnh vực chế biến nông sản có thể trở thành ngành siêu lợi nhuận", ông Nguyên nói.

Giá nông sản giảm có đủ sức thu hút doanh nghiệp chế biến? - Ảnh 1.

Sau khi chế biến, giá trị nông sản tăng 2-6 lần (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến nông sản và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết trong 3 năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã thu hút được nguồn vốn tư nhân đầu tư vào chế biến nông sản khoảng 2,6 tỷ USD với 60 tổ hợp, 7.700 cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Riêng lĩnh vực trồng trọt có khoảng 153 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp.

Gần đây, tỷ lệ xuất khẩu giữa sản phẩm chế biến và sản phẩm thô đã được rút ngắn lại. Nếu vào thời điểm năm 2017, sản phẩm thô chiếm 90%, chế biến 10%, thì đến nay sản phẩm chế biến xuất khẩu đạt 30%, thô chỉ còn 70%.

"Chế biến nông sản sẽ là miếng bánh cực kỳ hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Ngành nông nghiệp đặt lộ trình và mục tiêu phấn đấu cân bằng tỷ lệ này là 50% - 50% trên cơ sở chọn lựa các thị trường", ông Toản nói.

Vì sao doanh nghiệp chưa dám chơi lớn?

Dù được đánh giá là ngành tỷ USD, siêu lợi nhuận nhưng các doanh nghiệp vẫn e dè khi lấn sân vào lĩnh vực chế biến nông sản, đặc biệt là rau quả. Tuy nhiên, lĩnh vực này chưa phát triển dù tiềm năng và dư địa phát triển khá lớn.

Chia sẻ tại cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với Hiệp hội các nhà bán lẻ, bà Phạm Thị Hà Anh, Giám đốc công ty CP lương thực Bình Minh cho biết ngoài việc quy hoạch vùng trồng theo chứng chỉ GlobalGAP, VietGAP thì điểm yếu khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ở khâu chế biến.

"Vải thiều hay các loại nông sản tươi của Việt Nam rất ngon và được thế giới đón nhận. Nhưng, chúng ta chưa phát triển làm đồ khô, đồ chế biến do nhà máy chế biến còn ít, công ty chiếu xạ còn đếm trên đầu ngón tay", bà Hà Anh nói.

Giá nông sản giảm có đủ sức thu hút doanh nghiệp chế biến? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp chế biến e dè đầu tư vào chế biến vì nguồn vốn lớn, quay vòng chậm (Ảnh: Factory)

Về phía VINAFRUIT, ông Nguyên cho biết ngành chế biến rau quả khá kén doanh nghiệp do nguồn vốn đầu tư lớn cho mặt bằng, nhà xưởng, công nghệ chế biến, vốn lưu động thu mua nguyên liệu...

Đặc biệt là các loại rau củ, trái cây chỉ có mùa vụ. Do đó, các doanh nghiệp phải thu mua, tích trữ sản xuất cả năm. Song, vấn đề xây dựng, thuê kho lạnh có chi phí cao, tạo áp lực cho các doanh nghiệp.

"Chu kỳ quay vòng vốn của doanh nghiệp chế biến kéo dài ít nhất 6 tháng. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang "khát" vốn, thiếu vốn để thu mua, dự trữ, bảo quản nguyên liệu, duy trì sản xuất.

Doanh nghiệp muốn tham gia chế biến nông sản phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh và chắc. Lĩnh vực này hấp dẫn nhưng đòi hỏi đầu tư dài hơi, hoàn vốn chậm... nên chưa nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà", ông Nguyên cho biết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật công nghệ, máy móc chế biến nông sản hiện đại, trong khi phần lớn các thiết bị được nhập từ nước ngoài. Đó cũng là điểm khó khăn làm chùn bước các doanh nghiệp.

Theo chuyên gia VINAFRUIT, Chính phủ cần có những gói ưu đãi với doanh nghiệp chế biến, chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp hoặc vay tín chấp, tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào sân chơi tỷ USD này.

Không để chế biến rau quả "sớm nở, tối tàn"

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, xuất khẩu nông sản khó khăn, ùn ứ rau quả tại nhiều địa phương. Từ việc giải cứu nông sản cho bà con nông dân, nhiều doanh nghiệp chế biến đã cho ra đời nhiều sản phẩm độc, lạ như bánh xoài, bánh tráng thanh long, bún dưa hấu, bún khoai lang…

Vậy cần làm như thế nào để các sản phẩm này có thể đi đường dài ở thị trường nội địa và quốc tế, chứ không nổi lên như một hiện tượng.

Theo ông Nguyên, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ. Sự vận động của ngành chế biến rau quả phải bám theo tín hiệu thị trường trong nước và thế giới để không sản xuất ồ ạt khiến việc tiêu thụ khó khăn.

Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến cần phải liên kết với người dân sản xuất nguyên liệu đầu vào sạch, không tồn dư hóa chất bởi khách hàng quốc tế ưa chuộng hàng sấy, đóng hộp nhưng cũng khắt khe về nguyên liệu.

"Trong thời đại 4.0, các doanh nghiệp nên tận dụng các sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Bởi, sản phẩm chế biến có thời hạn bảo quản dài và dễ lưu thông hơn so với trái cây tươi", ông Nguyên nói.

Hoàng Anh