Sụt giảm người mua, cò con ôm đất vùng ven TP HCM khóc ròng
Cơn sốt đất vùng ven TP HCM đã hạ nhiệt. |
Sau khi UBND TP.HCM chính thức thông tin về việc huyện lên quận, và các siêu dự án, tình hình người tìm mua bán đất nền ở các quận, huyện vùng ven có dấu hiệu 'giảm nhiệt'.
Sụt giảm người mua
Theo báo SGGP, ở điểm nóng trên đường 659, khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, nơi được mệnh danh là thủ phủ của các trung tâm, công ty môi giới BĐS, khá bất ngờ bởi sự đìu hiu, vắng vẻ ở khu vực này. Nhiều công ty môi giới BĐS tại đây đóng kín cửa. Tại khu vực phường Phú Hữu (quận 9), đoạn gần cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều nhà dân, hàng quán kinh doanh ăn uống… trước kia treo nhiều tấm biển quảng cáo môi giới, nhận ký gởi đất nền thì nay cũng gỡ bỏ. Có trung tâm môi giới cách đây 2 tuần nuôi đến 20 nhân viên tư vấn nhưng giờ rút xuống còn... 2 người để hoạt động lay lắt mà cũng không thấy mấy khách hỏi thăm.
Chủ quán nước trên đường Bưng Ông Thoàn chia sẻ: “Những tháng vừa qua, người dân quanh đây sống nhờ môi giới, ký gởi đất. Các công ty BĐS bán được đất rồi cho “phần trăm” chúng tôi. Từ sau khi có thông tin sẽ chấn chỉnh, còn bắt đối tượng tung tin đồn thất thiệt, mấy ngày nay chỉ dám giới thiệu tới “cò”, việc còn lại giữa hai bên nói chuyện, nếu suôn sẻ thì có tiền. Đặc biệt vài ngày trở lại đây, giá đất có giảm nhẹ, từ 26 triệu đồng/m² xuống còn khoảng 24 triệu đồng/m², giá trong hẻm nhỏ hơn thì giảm sâu từ 22 triệu đồng/m² xuống còn 17 - 18 triệu đồng/m²”. Một số nền đất nằm trong hẻm đường Bưng Ông Thoàn cũng giảm giá khoảng 20%, đối với một số nền mặt tiền đường hẻm ô tô thì giá vẫn giữ nguyên.
Còn theo báo Tuổi Trẻ, sự "giảm nhiệt" mua bán thấy rõ rệt nhất là tại các quận, huyện vùng ven như Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ. Tại huyện Cần Giờ, một cò đất tên Nam ở thị trấn Cần Thạnh cho biết, sau tết người đầu tư tìm về mua đất rất đông. Sôi động nhất là khu vực thị trấn Cần Thạnh. Tuy nhiên khoảng mấy ngày trở lại đây, người về ít. Khu vực thị trấn Cần Thạnh trước đây là điểm nóng trong cơn sốt đất, hai ngày cuối tuần vừa qua chỉ lác đác xe về coi đất. Đa số là những người trước đó về thăm dò tình hình.
Tương tự tại nhiều khu vực Bình Chánh, người tìm mua đất giảm thấy rõ. Bà Hồng Linh – một “cò đất” thổ địa tại khu vực các xã dọc trục QL50 nối huyện Bình Chánh (TP.HCM) chạy dọc xuống huyện Cần Giuộc (Long An) cho hay, hơn tuần nay người tìm mua có giảm, nhưng giá bán vẫn còn cao. Bà Linh giải thích, thông tin Bình Chánh chuyển từ huyện lên quận chiếm khoảng 1/3 nguyên nhân đợt "sốt giá" vừa rồi. Do vậy việc TP thông tin khiến giá một số khu vực chững lại, giá có giảm. Song người bán cũng “găm hàng” không chịu bán giá rẻ hơn, chờ chuyển biến thị trường.
Méo mặt vì ôm hàng
Trước thông tin vừa qua người mua giảm, các nhà đầu tư này cũng chưa vội để tung hàng ra, để nắm thị trường. Do vậy giá đất hiện tại vẫn chỉ giảm nhẹ. Một số khu giá giữ nguyên. "Phải khoảng chừng một tháng nữa, khi thông tin rõ ràng khi đó nhà đầu tư mới quyết định xả hàng hay không. Nếu xả hàng ồ ạt chắc chắn giá sẽ giảm", ông Nam nói.
Với các nhà đầu tư vốn dày thì việc giữ giá chờ thời còn tạm được chứ với những cò con vốn mỏng thì đang thật sự đứng ngồi không yên khi thấy sau con sốt nóng bỏng, thị trường đất nền bỗng đìu hiu giao dịch, khó giải ngân. Theo báo SGGP, sau khi báo chí đăng tải thông tin các huyện không thể lên được quận, thì đất ở huyện Bình Chánh đã tụt dốc không phanh, quay trở lại vạch “xuất phát” khoảng thời điểm đầu năm 2017. Theo ông Điền (xã Phong Phú): “Hai ngày cuối tuần vừa qua, huyện ngoại thành này mới quay lại vùng đất thanh bình, yên ắng. Trước đó, ngày nào ô tô cũng tấp nập, khách liên tục đến hỏi thăm mua đất. Cuối tuần, có hẳn chuyến xe khách 45 chỗ chở từng đoàn khách xuống mua đất thì nay không còn. Giá đất nông nghiệp mua lại từ người dân khoảng 2 triệu đồng/m2 thì được “thổi” lên 4 triệu đồng/m2, đất thổ cư khoảng 7 triệu đồng/m2 được đẩy lên 16 - 22 triệu đồng/m2. Ngay sau khi có thông tin bác bỏ huyện Bình Chánh lên quận, thì rất nhiều “cò” đất bỗng dưng... biến mất. Nhiều “nhà đầu tư” cũng lao đao, ngay bản thân gia đình tôi cũng bán được cho “cò” 2 lô đất nhưng người mua lại thì khóc ròng vì lỗ gần 2 tỷ đồng”.
Còn trên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Lộc - tổng giám đốc Công ty bất động sản Techcomreal, nhận định sau khi có thông tin chấn chỉnh, người đầu tư sẽ thận trọng hơn, không bằng mọi giá để mua đất. Họ sẽ sàng lọc bất động sản nào pháp lý hoàn chỉnh, có kết nối hạ tầng, có yếu tố sinh vào để đầu tư.
Đặc biệt khi mức giá không tăng lên, cùng với áp lực về chốt lời và việc đóng tiền theo tiến độ các đợt sau, thì giới đầu cơ “gom đất thổi giá” sẽ buộc phải tung hàng ra. Khi đó, thị trường sẽ hình thành mặt bằng giá mới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/