|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 4/5 - 8/5: Khó phân định sự kiện nào sẽ dẫn dắt tâm lí nhà đầu tư

05:03 | 04/05/2020
Chia sẻ
Trong tuần này, nhà đầu sẽ đón nhận nhiều báo cáo và sự kiện nóng sốt, khó đánh giá được mức độ ảnh hưởng đến thị trường như báo cáo việc làm tháng 4 của Mỹ, biến động giá dầu thô, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, quá trình mở cửa kinh tế của Mỹ và các nước châu Âu,...
Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 4/5 - 8/5: Khó phân định sự kiện nào sẽ dẫn dắt tâm lí nhà đầu tư - Ảnh 1.

Hầu hết các sự kiện đều có liên quan đến đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Forbes)

Báo cáo việc làm tháng 4 của Mỹ sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần này. Theo nhận định của Investing.com, bản báo cáo sẽ nêu chi tiết về tác động kinh tế khủng khiếp của các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19. Số liệu trong báo cáo việc làm tháng 4 được dự đoán sẽ là cao kỉ lục, thậm chí là chưa từng có trong lịch sử.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi quá trình một số tiểu bang tại Mỹ cũng như nhiều nước tại châu Âu nới lỏng phong tỏa, dần tiến đến mở cửa nền kinh tế trở lại.

Căng thẳng thương mại có thể bùng lên sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thêm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc và giá dầu sẽ được thị trường theo dõi sát sao khi liên minh OPEC+ bắt đầu giảm sản lượng theo thỏa thuận từ ngày 1/5.

1. Báo cáo việc làm có thể gây chấn động

Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc việc làm phi nông nghiệp cho tháng 4 vào ngày 8/5. Bức tranh tổng thể về thị trường việc làm Mỹ dự kiến sẽ rất đáng quan ngại, các nhà kinh tế dự đoán Mỹ sẽ mất 21 triệu việc làm trong tháng 4.

Trước đó, vào tháng 3, 710.000 việc làm đã biến mất khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới, xóa sạch thành quả việc làm đạt tích cóp được trả cả thập kỉ qua. Tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 4 dự kiến sẽ tăng vọt lên 16%.

Trong 6 tuần qua, Mỹ đã ghi nhận hơn 30 triệu hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp, tương đương hơn 18,4% lực lượng lao động của nước Mỹ. Các lệnh hạn chế di chuyển như yêu cầu ở yên trong nhà và thực hiện giãn cách xã hội để làm chậm tốc độ lây lan của COVID-19 đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh.

Báo cáo sắp tới nhiều khả năng sẽ gia tăng áp lực khổng lồ lên quá trình khôi phục hoạt động kinh tế của nhiều bang, mặc dù số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 vẫn đang tiếp tục leo thang ở nhiều nơi.

2. Căng thẳng thương mại có leo thang sau lời đe dọa của ông Trump?

Ngày 1/5, Tổng thống Trump cho biết việc tăng thuế quan đối với Trung Quốc "chắc chắn là một lựa chọn" khi ông xem xét một số phương án để trừng phạt Bắc Kinh vì che đậy thông tin về đại dịch.

"Rất nhiều điều đang xảy ra liên quan đến Trung Quốc. Chúng tôi không vui vẻ gì với tình huống hiện tại. Tình hình quá tệ, trên toàn thế giới đã có 183 quốc gia/vùng lãnh thổ công bố dịch. Tuy nhiên, Mỹ có rất nhiều phương án để trừng phạt Trung Quốc, thuế quan chắc chắn là một lựa chọn", ông Trump nói.

Không rõ liệu ông Trump có thực hiện lời đe dọa, gây ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, ông Trump dường như đang ý thức rõ về số ca tử vong cao ngất của Mỹ cũng như thiệt hại kinh tế có thể gây rủi ro cho cơ hội tái đắc cử của ông vào tháng 11 tới.

3. Mở của kinh tế - ván bài lớn

Theo tổng hợp của Investing.com, nhiều nước châu Âu đang dần mở cửa nền kinh tế trở lại. Một số nhà máy và công trường xây dựng ở Italy dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào ngày 4/5 sau lệnh phong tỏa kéo dài nhất châu Âu.

Các trường học, viện bảo tàng và nhà thờ tại Đức cũng sẽ mở cửa trở lại sau các cửa hiệu kinh doanh nhỏ, trong khi Anh sẽ công bố chiến lược khôi phục kinh tế trong vài ngày tới.

Chính phủ nhiều nước đang cảnh giác trước làn sóng lây nhiễm thứ hai, tuy nhiên khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự đoán nền kinh tế đồng tiền chung sẽ giảm 15% trong quí I, giới chức đang rất muốn mở cửa kinh tế để bù đắp thiệt hại thời gian qua.

Trong khi đó, thống đốc ở khoảng 25 tiểu bang của Mỹ đã mở cửa phần nào nền kinh tế vào cuối tuần, Georgia và Texas hiện đang dẫn đầu phong trào nào.

4. BoE công bố dự báo kinh tế mới

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhiều khả năng sẽ không thực hiện bất kì thay đổi nào đối với chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào ngày 7/5 tới sau khi giảm lãi suất hai lần vào tháng 3 xuống mức thấp lịch sử là 0,1% cũng như tăng mạnh mua trái phiếu chính phủ đến 200 tỉ bảng.

Thay vào đó, thị trường ngoại hối sẽ tập trung vào các dự báo kinh tế mới cũng như Báo cáo Ổn định Tài chính tạm thời của BoE.

BoE sẽ công bố quyết định chính sách tiền tệ mới nhất vào lúc 13h ngày 7/5 (theo giờ Việt Nam) thay vì 19h như thường lệ để phù hợp với việc công bố Báo cáo Ổn định Tài chính tạm thời.

Thống đốc BoE Andrew Bailey sẽ tổ chức một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách.

5. Thỏa thuận giảm sản lượng có thể thúc đẩy giá dầu hay không?

Giá dầu thô đã tăng trong phiên giao dịch ngày 1/5 sau khi OPEC+ bắt đầu giảm sản lượng theo thỏa thuận đã đạt được nhằm giảm tình trạng dư thừa nguồn cung.

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã giảm gần 60% trong năm 2020 và chạm mức đáy 21 năm vào tháng trước do đại dịch siết chặt nhu cầu và cuộc chiến giá dầu bùng nổ giữa Arab Saudi và Nga trước khi OPEC+ dàn xếp được thỏa thuận.

Mặc dù OPEC+ đã chính thức giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày từ ngày 1/5, một số chuyên gia bày tỏ thái độ hoài nghi rằng liệu mức giảm trên có đủ để cứu thị trường dầu mỏ không khi nhu cầu khó có thể phục hồi nhanh chóng.

Yên Khê