|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này (25/11 - 29/11): Dù Mỹ nghỉ lễ Tạ ơn, nhà đầu tư cũng khó bỏ qua diễn biến đàm phán thương mại và loạt chỉ số PMI

06:52 | 25/11/2019
Chia sẻ
Mặc dù tuần giao dịch sẽ rút ngắn do thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn, nhà đầu tư khó có thể rời mắt khỏi diễn biến đàm phán thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là khi dự luật Hong Kong đang ngày càng gây sức ép lớn trên bàn đàm phán. 

Triển vọng thị trường ngoại hối tuần 25/11 - 29/11

Tình trạng bất ổn dai dẳng liên quan đến triển vọng của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể khiến nhà đầu tư hạn chế "đánh cược" lớn trước kì nghỉ lễ Tạ ơn sắp tới.

Mặc dù tuần giao dịch sẽ rút ngắn do thị trường Mỹ đóng cửa đón lễ Tạ ơn vào ngày 28/11, lịch kinh tế của Mỹ cho thấy lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng sẽ nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư.

Theo Reuters, thị trường sẽ theo dõi sát sao các chỉ số PMI sản xuất của từng khu vực để tìm kiếm dấu hiệu cho thấy hoạt động nhà máy đang chững lại.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng sẽ được công bố hôm 26/11, trước đợt lễ mua sắm Black Friday. Hai sự kiện này sẽ cho thị trường cái nhìn rõ nét hơn về sức mạnh của người tiêu dùng Mỹ.

Số lượng đơn đặt hàng bền và số liệu GDP sơ bộ cũng sẽ không nằm ngoài vòng chú ý của nhà đầu tư. Trong khi đó, dữ liệu lạm phát sơ bộ (dự kiến công bố hôm 29/11) sẽ đứng đầu danh sách cần phải theo dõi tại khu vực Eurozone.

shutterstock_440732590-e1519842885727

Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Cuối phiên giao dịch tuần trước, đồng USD đã tăng giá so với hầu hết đồng tiền tệ sau khi dữ liệu cho thấy lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ đã tăng tốc trở lại trong tháng 11, từ đó tiếp thêm triển vọng lạc quan cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cụ thể, IHS Markit cho hay chỉ số PMI sản xuất sơ bộ của Mỹ đã tăng lên mức 52,2 điểm vào tháng 11 sau khi ghi nhận kết quả 51,3 điểm hồi tháng 10, trong khi chỉ số PMI dịch vụ sơ bộ tăng từ 50,6 điểm tháng 10 lên 51,6 điểm vào tháng 11.

Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ đã tăng 0,28% lên 98,17 điểm trong phiên giao dịch muộn hôm 22/11.

Đồng USD còn nhận thêm một cú hích khác từ khu vực Eurozone. Dữ liệu của khối kinh tế chung cho thấy hoạt động kinh doanh gần như bị đình trệ trong tháng 11, khi mà ngành dịch vụ - vốn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tăng trưởng yếu hơn nhiều so với dự đoán.

Vào cuối phiên giao dịch hôm 22/11, đồng euro (EUR) đã giảm 0,3% so với đồng bạc xanh xuống ngưỡng 1,1021 USD đổi một EUR.

Quay trở lại mặt trận thương mại, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung hôm 22/11 đều nhấn mạnh rằng họ mong muốn kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một và xoa dịu cuộc chiến thuế quan kéo dài hơn 18 tháng qua.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán đang gặp bế tắc do dự luật Hong Kong. Nếu Tổng thống Trump kí thông qua dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong hoặc nếu các tàu chiến của Mỹ áp sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, tình hình có thể xấu đi nhanh chóng.

Hiện tại, nhiều nguồn tin cho thấy ông Trump đang khá chần chừ đặt bút kí dự luật, trong khi các cơ quan chính phủ liên tục thúc giục ông làm điều này.

Sự kiện thị trường ngoại hối 25/11 - 29/11

NgàyCác thông tin công bố
Thứ Hai (25/11)  Đức công bố chỉ số môi trường kinh doanh Ifo
Thứ Ba (26/11)- New Zealand công bố doanh số bán lẻ
- Mỹ công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng CB, doanh số bán nhà mới, chỉ số PMI sản xuất khu vực Richmond
- Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu
Thứ Tư (27/11)- Mỹ công bố số lượng đơn đặt hàng bền (durable goods), số liệu GDP sơ bộ, chỉ số PMI khu vực Chicago, chỉ số giá PCE cốt lõi, số liệu tiêu dùng cá nhân, doanh số nhà chờ bán
- Fed công bố báo cáo Beige Book về tình trạng cũng như triển vọng của nền kinh tế Mỹ
Thứ Năm (28/11)        - Đức công bố chỉ số CPI sơ bộ
- Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn
Thứ Sáu (29/11) - Khu vực Eurozone công bố ước tính CPI
- Canada công bố số liệu GDP, lạm phát giá nguyên liệu thô

 

Yên Khê