Ông Trump đang bị phe Cộng hòa thúc ép ký dự luật Hong Kong
Tổng thống Trump được cho là đang đi nước đôi trong vấn đề Hong Kong - Ảnh: REUTERS
Phát ngôn của ông Trump trong một chương trình của đài Fox hôm 22-11 cho thấy thế khó của Tổng thống Mỹ khi phải đứng giữa việc ủng hộ lực lượng biểu tình tại Hong Kong và tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
"Tập Cận Bình là một người bạn của tôi. Tôi muốn để cho họ tự giải quyết chuyện Hong Kong. Chúng ta sẽ đứng ngoài, nhưng tôi khẳng định tôi sẽ sát cánh với Hong Kong, với các giá trị tự do.
Nhưng tôi cũng muốn quý vị thấy chúng ta đang trong giai đoạn hoàn tất thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử. Và nếu điều đó xảy ra, nó chẳng phải quá tuyệt vời hay sao", ông Trump lập luận.
Sau khi được lưỡng viện Quốc hội thông qua ngày 21-11, dự luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong cùng dự luật cấm bán vũ khí kiểm soát đám đông cho chính quyền Hong Kong đã được chuyển đến Nhà Trắng.
Theo luật Mỹ, trong vòng 10 ngày sau khi nhận được các dự luật từ Quốc hội, tổng thống sẽ phải quyết định tuyên bố phủ quyết hoặc từ chối không ký. Trong trường hợp phủ quyết, ông Trump sẽ phải nêu rõ lý do vì sao.
Khả năng cao, theo báo Washington Post, là ông Trump sẽ không ký dự luật thay vì phủ quyết. Theo trang web của Thượng viện Mỹ, nếu quá 10 ngày mà tổng thống không ký, dự luật nghiễm nhiên chính thức trở thành luật, trừ khi Quốc hội nghỉ họp trong giai đoạn này.
Nhiều chỉ dấu cho thấy ông Trump sẽ đá bóng sang phần sân của Quốc hội để "nuôi" thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, canh bạc mà ông đang theo đuổi như một chiến tích trong sự nghiệp chính trị.
Cảnh sát chống bạo động Hong Kong giải tán người biểu tình - Ảnh: REUTERS
Theo cách đá bóng trách nhiệm, như vậy khi 2 dự luật trên chính thức có hiệu lực sau đó, Tổng thống Trump cũng dễ bề nói chuyện với Bắc Kinh, rằng đây là động thái của nhánh lập pháp, không phải nhánh hành pháp do ông đứng đầu.
Hôm 20-11, Bắc Kinh đã yêu cầu ông Trump có các bước đi để ngăn chặn các dự luật Hong Kong có hiệu lực - một động thái cậy nhờ đến quyền phủ quyết của ông Trump.
Nhưng cho dù tổng thống có phủ quyết, Quốc hội Mỹ vẫn có quyền "vượt mặt" và lật lại sự phủ quyết. Đây là một trong những đặc điểm của mô hình tam quyền phân lập và kiềm chế - đối trọng trong chính trị Mỹ.
Trước sự dao động công khai của ông Trump, nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã lên tiếng cho thấy họ sẽ sử dụng đặc quyền của Quốc hội. Theo quy định, nếu các dự luật bị tổng thống phủ quyết, chúng sẽ bị gởi trả về Quốc hội.
Các nghị sĩ sẽ nhóm họp lại một lần nữa để bỏ phiếu và nếu quá 2/3 đồng ý, sự phủ quyết của tổng thống sẽ trở nên vô hiệu, đưa các dự luật đã bị bác bỏ trở thành luật chính thức.
Thượng nghị sĩ John Barrasso, nhân vật số 3 của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cho rằng ông Trump nên ký các dự luật về Hong Kong bởi vì chúng đã nhận được sự tán thành tuyệt đối tại cơ quan cao nhất của Quốc hội.
Nhiều tiếng nói khác trong Đảng Cộng hòa như Ted Cruz hay Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện James Risch cũng đồng tình với ông Barrasso, thúc giục tổng thống ký dự luật.
Thượng nghị sĩ Risch, một đồng minh thân cận của ông Trump, cho rằng việc tổng thống phủ quyết dự luật có thể khiến ông mất điểm giữa lúc ông cần sự ủng hộ của họ trong tiến trình luận tội do phe Dân chủ khởi xướng.