Nhà giàu Hong Kong tính lối thoát cho khối tài sản
Lãnh đạo UBS Group, Credit Suisse Group và Standard Chartered hôm qua (21/11) cho biết trong diễn đàn kinh tế New Economic Forum tại Bắc Kinh. "Khách hàng của chúng tôi đã mở tài khoản ở Singapore, Malaysia và Đài Loan", CEO Standard Chartered Bill Winters cho biết, "Nhưng họ chưa chuyển nhiều tiền đi đâu. Chúng tôi vẫn chưa thấy có làn sóng nào cả".
Đến nay, theo đại diện các ngân hàng này, phần lớn số tiền trên vẫn đang ở Hong Kong,
Sergio Ermotti - lãnh đạo UBS cũng cho biết khách hàng "đã kích hoạt các kế hoạch dự phòng". Tuy vậy, ông cho rằng "việc nhà đầu tư đa dạng hóa khi gặp rủi ro địa chính trị cũng không phải là điều mới mẻ". CEO DBS Group Piyush Gupta nói rằng từ vài tháng trước, mọi người đã bắt đầu mở tài khoản rồi.
Tòa nhà của hàng loạt ngân hàng tại Hong Kong. Ảnh: Bloomberg
Tất cả đều đang trong trạng thái chờ đợi và quan sát, CEO Credit Suisse Tidjane Thiam nhận xét. Nhà băng này cũng chưa nhận thấy có sự chuyển dịch lớn trong số dư tài khoản khách hàng.
Hong Kong chìm trong biểu tình nhiều tháng qua, khiến các hãng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn phải giảm lương hoặc sa thải bớt nhân viên để tồn tại. Nhiều người lo ngại căng thẳng kéo dài sẽ làm suy yếu tài chính của thành phố này. Đây là ngành đóng góp 20% GDP cho Hong Kong. Nhiều nhân viên ngân hàng Hong Kong lo ngại bạo động cũng đã tìm việc khác ở nước ngoài.
Dù vậy, đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy Hong Kong có thể đánh mất lợi thế về tài chính, CEO Goldman Sachs David Solomon cho biết. "Hong Kong luôn rất quan trọng trong vai trò trung tâm tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông nói, "Tôi nghĩ rằng không chỉ Trung Quốc, mà cả thế giới đều hiểu được tầm quan trọng đó.
Vì vậy, tình hình này cần được giải quyết trong ngắn hạn". Cũng như các nhà băng trên, Goldman không nhận thấy có thay đổi nào về hành vi trong nhóm các khách hàng tài chính lớn.