|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 1/6 - 5/6: Căng thẳng Mỹ - Trung giữ vai trò chủ đạo

06:46 | 01/06/2020
Chia sẻ
Trong khi căng thẳng Mỹ - Trung nắm giữ vai trò quyết định trên thị trường ngoại hối tuần này, một loạt dữ liệu kinh tế cùng diễn biến xoay quanh gói kích thích tài khóa của EU và đàm phán Brexit cũng là điểm nhấn.

Trong tuần này, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang sẽ phần nào ngăn cản nhà đầu tư lựa chọn các giao dịch mạo hiểm, trong khi điểm nhấn trên lịch kinh tế sẽ là báo cáo việc làm phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trước đó, nhà đầu tư sẽ có cơ hội phân tích một loạt dữ liệu khác của nền kinh tế Mỹ như số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và số đơn đặt hàng công nghiệp.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự đoán sẽ mở rộng qui mô chương trình thu mua tài sản khẩn cấp để hỗ trợ các nước thành viên vượt qua suy thoái kinh tế. Ngoài ra, Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức một vòng đàm phán Brexit khác.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 1/6 - 5/6: Căng thẳng Mỹ - Trung giữ vai trò chủ đạo - Ảnh 1.

Căng thẳng Mỹ - Trung giữ vai trò chủ đạo trên thị trường ngoại hối tuần 1/6 - 5/6. (Ảnh minh họa: CNN)

Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện tiêu biểu có thể tác động đến thị trường ngoại hối tuần này như sau:

1. Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ dự kiến tăng vọt lên gần 20%

Trong báo cáo việc làm mà chính phủ Mỹ sắp công bố vào ngày 5/6 tới, tỉ lệ thất nghiệp của tháng 5 được dự đoán sẽ tăng lên mức 19,7%. Theo đó, các chuyên gia dự đoán khoảng 8,25 triệu việc làm đã biến mất trong tháng vừa qua.

Một số dấu hiệu đáng khích lệ về thị trường việc làm Mỹ đã xuất hiện trong vài tuần gần đây khi doanh nghiệp dần mở cửa trở lại, tuy nhiên những thay đổi này khó mà được phản ánh trong số liệu tháng 5.

Dù vậy, bất kì thông tin tích cực nào cũng có thể cổ vũ tinh thần nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối khi mà họ đang cố gắng tìm kiếm tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

2. Số liệu thất nghiệp hàng tuần, chỉ số PMI

Như mọi khi, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lúc này im ắng trước thềm cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 6.

Tuy vậy, nhà đầu tư có thể sẽ bận bịu với loạt dữ liệu kinh tế mới như chỉ số PMI sản xuất của Viện Quản lí Nguồn cung (ISM) - công bố vào ngày 1/6, báo cáo trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cùng báo cáo về số đơn đặt hàng công nghiệp mới - công bố ngày 4/6.

Tại khu vực đồng tiền chung euro, nhà đầu tư sẽ xem xét số liệu về đơn đặt hàng công nghiệp của Đức trong tháng 4, bên cạnh chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ chính thức của Anh.

3. Mối quan hệ rạn nứt giữa hai siêu cường

Căng thẳng Mỹ - Trung bùng nổ sau khi Bắc Kinh thông qua nghị quyết cho phép soạn thảo luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong và dường như căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang trong tuần này.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong nếu Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia với lên trung tâm tài chính châu Á. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định bước đi của Washington sẽ hại Mỹ nhiều hơn Trung Quốc.

Giới quan sát đang theo dõi xem ông Trump có đi xa đến mức hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc hay chỉ thực hiện một số biện pháp trừng phạt mang tính tượng trưng. 

4. ECB tăng cường chương trình kích thích kinh tế

Sau những tín hiệu tín cực về quĩ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỉ euro của EU, áp lực lên đôi vai ECB đã giảm bớt phần nào. Tuy nhiên, các quan chức ECB vẫn dự kiến sẽ công bố gói kích thích mới vào ngày 4/6 tới.

Quĩ phục hồi của EU sẽ phải mất thời gian thiết lập và nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên khối kinh tế chung. Trong khi đó, chương trình thu mua tài sản khẩn cấp của ECB đang cạn dần và nhiều khả năng sẽ hết tiền vào tháng 10 nếu không được nới rộng.

Theo Investing.com, ECB dự kiến sẽ bơm thêm 500 tỉ euro vào chương trình nêu trên và gia hạn chương trình đến giữa năm 2021 để hỗ trợ khối kinh tế chung vượt qua khủng hoảng COVID-19.

5. Đàm phán Brexit

Một vòng đàm phán mới về vấn đề Brexit sẽ khai mạc vào ngày 2/6, trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU trong hai ngày 18 - 19/6. Trước thời điểm này, chính phủ Anh cần phải quyết định có nên yêu cầu gia hạn thỏa thuận chuyển giao hậu Brexit hay không.

Hiện tại, hai bên không còn nhiều thời gian cho đến thời hạn 31/12 và còn nhiều vấn đề vướng mắc chưa xử lí. Các nhà đàm phán không đạt được nhiều tiến bộ và EU đang thúc giục Anh nỗ lực cũng như thực tế hơn về kết quả của cuộc đàm phán.

Bất ổn trong quá trình đàm phán đã đẩy đồng bảng Anh xuống mức đáy trong gần 30 năm. Đồng nội tệ của nước Anh còn đang phải đối mặt với khả năng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hạ lãi suất xuống mức 0 và suy thoái kinh tế kéo dài.

Khả Nhân