|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần 30/3 - 3/4: Mỹ, Trung Quốc và EU công bố loạt dữ liệu kinh tế, thị trường bước vào quí II với nhiều biến động

06:53 | 30/03/2020
Chia sẻ
Trong tuần này, thị trường tài chính toàn cầu sẽ có bước chuyển giao giữa quí I và quí II. Trong khi loạt dữ liệu kinh tế mới của Mỹ, Trung Quốc và EU được dự đoán là tiêu cực thì tình hình quí II cũng không khả quan hơn.

Tuần này, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động Mỹ sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 (công bố ngày 3/4) dự kiến sẽ cho thấy mức sụt giảm mạnh trong bối cảnh nhiều thành phố và tiểu bang nước Mỹ phải áp lệnh phong tỏa, khiến hoạt động kinh doanh đình trệ và kích hoạt làn sóng cắt giảm nhân sự qui mô lớn.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp (công bố ngày 2/4) cũng sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư sau khi dữ liệu tuần trước nhảy vọt lên mức cao kỉ lục trong lịch sử nền kinh tế Mỹ. Đồng thời, thị trường ngoại hối sẽ theo dõi sát sao phản ứng và thái độ của Tổng thống Trump với dự định nới lỏng lệnh phong tỏa.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Trung Quốc có thể tiết lộ nhiều thiệt hại kinh tế hơn nhưng cũng có thể chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bắt đầu hồi phục sau khởi đầu vấp váp trong năm 2020.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 30/3 - 3/4: Mỹ, Trung Quốc và EU công bố loạt dữ liệu kinh tế, thị trường tài chính bước vào quí II với nhiều biến động - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CoinNewsSpan

1. Tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động Mỹ

Do thời gian tiến hành khảo sát bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 của Mỹ gần với lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều khả năng tác động tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 đối với thị trường lao động sẽ được thể hiện trong báo cáo. Các nhà kinh tế dự đoán Mỹ có thể mất 100.000 việc làm trong tháng 3.

Nếu thị trường việc làm Mỹ thiệt hại nặng nề như dự đoán, gói cứu trợ 2.000 tỉ USD chưa từng có mới được Quốc hội Mỹ thông qua có thể không đủ để hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ phân bổ 500 tỉ USD từ gói cứu trợ để giúp các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch và phát tiền mặt trực tiếp đến 3.000 USD cho các hộ gia đình Mỹ.

Trước bảng lương phi nông nghiệp, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp công bố ngày 2/4 được dự đoán sẽ tăng mạnh sau khi đạt mức kỉ lục 3.28 triệu hồ sơ hồi tuần trước.

2. Tổng thống Trump cân nhắc lại kế hoạch mở cửa nền kinh tế

Nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao diễn biến tại Nhà Trắng sau khi Tổng thống Trump dường như lùi bước khỏi bình luận tuần trước về việc mở cửa nền kinh tế Mỹ trở lại vào Lễ Phục sinh (12/4).

Hôm 28/3, ông Trump cho hay ông không chắc liệu nền kinh tế Mỹ sẽ mở cửa hoạt động lại vào ngày 12/4 hay không sau khi nhiều tiểu bang và thành phố lớn trên khắp cả nước bị phong tỏa.

Một số nhà đầu tư kì vọng kinh tế Mỹ sẽ sớm vận hành trở lại, tuy nhiên giới chuyên gia y tế lại phản đối vì tình hình dịch bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo cập nhật từ Bộ Y tế Việt Nam tính đến tối ngày 29/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ là ổ dịch lớn nhất thế giới với tổng 123.828 ca nhiễm và 2.229 ca tử vong.

Theo Reuters, ông Trump đang lo ngại hậu quả kinh tế của việc đình trệ hoạt động kinh doanh không cần thiết sẽ khiến Đảng Dân chủ có cớ chỉ trích và lật đổ ông trong cuộc tranh cử vào Nhà Trắng lần hai.

3. Chỉ số PMI của Trung Quốc

Lợi nhuận hai tháng đầu năm của các nhà máy tại Trung Quốc đã chạm đáy một thập kỉ và dữ liệu PMI tháng 3 (công bố ngày 31/3) nhiều khả năng sẽ tiết lộ thêm nhiều mảng tối hơn.

Tương tự nhiều nước khác, tình trạng thất nghiệp đang gia tăng, bất kể chính phủ Trung Quốc có hạ chi phí đi vay cho doanh nghiệp như thế nào.

Dù Trung Quốc dường như đã kiểm soát được đại dịch, hoạt động kinh doanh và đi lại được khôi phục thì thiệt hại kinh tế có thể tiếp tục gia tăng vì hoạt động kinh tế của các đối tác thương mại lớn như châu Âu và Mỹ đang chững lại vì đại dịch.

4. Dữ liệu kinh tế khu vực Eurozone

Loạt dữ liệu kinh tế mới sẽ được công bố tại khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tuần này. Cụ thể, chỉ số niềm tin kinh tế tháng 3 sẽ cho nhà đầu tư một cái nhìn về cách doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá tình hình hiện tại.

Giá dầu thô sụt giảm đồng nghĩa rằng lạm phát tháng 3 của khu vực Eurozone sẽ đi xuống, trong khi báo cáo doanh số bán lẻ và tỉ lệ thất nghiệp tháng 2 sẽ cho thấy toàn cảnh tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đối với khu vực này.

5. Quí I kết thúc, quí II mở ra với ít dấu hiệu tích cực

Quí I năm nay là khoảng thời gian đáng buồn cho nhà đầu tư lẫn nền kinh tế toàn cầu. Lo ngại về chiến tranh Mỹ - Iran đã nhường chỗ cho đại dịch COVID-19. Ngân hàng JPMorgan dự đoán đại dịch này có thể khiến tăng trưởng quí I của nền kinh tế thế giới giảm 12%.

Reuters nhận định quí II cũng không thể suôn sẻ hơn, khi mà COVID-19 đang lây lan nhanh chóng và khiến nhiều nền kinh tế đình trệ. Các ngân hàng lớn cũng đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng quí II, do đó thị trường tài chính dự kiến sẽ còn biến động hơn.

Yên Khê