Sự khác biệt từ Fintech giúp 'xóa đói giảm nghèo' hiệu quả?
Mức độ thâm hụt tài chính cá nhân được xác định bởi mức độ thiếu hụt của một công dân về khả năng tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính và điều này ảnh hưởng đến mức sống của họ ra sao.
Theo Ngân hàng Thế giới, cứ 10 người trên thế giới thì có một người sống dưới mức nghèo khổ quốc tế (thu nhập 1,90 USD/ ngày).
Hơn nữa, 1,7 tỉ người trong độ tuổi lao động hiện nay không có tài khoản ngân hàng hoặc quiền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ tài chính như các khoản vay. 200 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các thị trường tăng trưởng thiếu khả năng tiếp cận với các quĩ tiết kiệm và tín dụng, theo báo cáo của McKinsey.
Trong khi các gói hỗ trợ tài chính đang gia tăng, giúp các quốc gia thoát khỏi nghèo đói và thâm hụt tài chính, xây dựng thế giới bình đẳng hơn là chặng đường dài cần nhiều nỗ lực. Cơ sở hạ tầng ngân hàng hiện tại, đặc biệt là ở các khu vực đang phát triển như Châu Phi, đã được xây dựng để phục vụ mục tiêu này.
Nhờ các sáng kiến tài chính triển khai trên toàn thế giới, ban đầu thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới và giờ là các công ty fintech được trang bị công cụ và công nghệ hiện đại, người nghèo có thể có một tương lai tươi sáng hơn nhưng tất cả cần có nền tảng đúng đắn. Bài viết trên World Finance đã chỉ ra những điểm khác biệt tạo nên thành công của fintech.
Nền tảng của các ngân hàng Fintech
Vào tháng 4/2013, Ngân hàng Thế giới đã đặt ra mục tiêu giảm tỉ lệ dân số thế giới sống theo chuẩn nghèo quốc tế còn dưới 3% vào năm 2030. Kể từ đó, tổ chức này đã thực hiện nhiều chiến dịch giảm nghèo liên quan đến việc cung cấp các sản phẩm tài chính cần thiết và dịch vụ hỗ trợ.
Một phần của chiến lược này bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng ngân hàng mạnh mẽ hơn, hợp tác với các nhà đầu tư tư nhân cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Từ đó, việc thành lập các văn phòng tín dụng cung cấp dịch vụ tư vấn, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ quản lí rủi ro tín dụng và hỗ trợ các ngân hàng trung ương hay các bên liên quan trong khu vực tư nhân đã giúp giới ngân hàng ở nhiều quốc gia đưa ra quiết định sáng suốt hơn về cho vay.
Nhưng nhóm đối tượng khổng lồ không đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ tài chính ngân hàng truyền thống nên được tiếp cận theo cách nào? Những tổ chức tín dụng kiểu mới có thể tạo ra một mạng lưới cho vay chính thức rộng hơn trong khi quản lí được rủi ro hay không?
Các công ty tài chính fintech là một mô hình tài chính đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Ảnh: WorldFinance
Mô hình tín dụng khác biệt
Về bản chất, các văn phòng tín dụng làm việc cùng các ngân hàng và đơn vị cho vay khác để cung cấp thông tin lịch sử tín dụng của công dân. Lịch sử tín dụng là hồ sơ bao gồm khả năng trả nợ của một người, các nguồn thông tin được cấp từ ngân hàng, tài chính vi mô, công ty thẻ tín dụng và các cơ quan thu nợ.
Dữ liệu tổng hợp này sau đó được phân tích bằng thuật toán để người cho vay tiềm năng đưa ra quiết định. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu phía cho vay không có thông tin về công dân hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Ở các nước đang phát triển, nhiều người dân hoàn toàn không có hoặc có rất ít lịch sử tín dụng. Các cá nhân này được sàng lọc bằng phương thức cho vay và bảo lãnh truyền thống bởi văn phòng tín dụng không thể cung cấp bức tranh chính xác về khả năng thanh toán của người vay.
Trước đây, các ngân hàng thường từ chối phục vụ đối tượng này và họ cũng không có khả năng chứng minh mức độ đáng tin. Tuy nhiên, các văn phòng tín dụng tiên tiến hiện nay đang cùng các công ty fintech tiếp cận nhóm khách hàng này bằng cách quản lí rủi ro mới.
Thông qua việc mở khóa các nguồn dữ liệu mới, các cá nhân không đủ tiêu chuẩn tín dụng ngân hàng truyền thống có thể nhận được dịch vụ hỗ trợ tài chính như những người khác đang làm trên toàn thế giới.
Tiêu chuẩn tiếp cận dịch vụ
Dù bạn có tin hay không, tính cách có thể là một chỉ số tốt về mức độ ưa thích rủi ro hoặc ưu tiên an toàn của một cá nhân trong việc xử lí tài chính. Hiện tại, các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính mới thành lập đã áp dụng việc quét các thông tin trên ứng dụng mua sắm di động để nắm thói quen tiêu dùng của người vay.
Ở một số quốc gia khác, người vay phải trải qua bài kiểm tra hình ảnh được thiết kế để kích hoạt phản ứng bản năng và cảm xúc. Dựa trên các câu trả lời, người vay nhận được số điểm phản ánh mức độ kỉ luật của mình.
Các dữ liệu mới này kết hợp với những qui trình đánh giá rủi ro hiện có để tạo ra hồ sơ tín dụng hoàn chỉnh hơn của một công dân.
Các bài kiểm tra ở trên cũng có thể được mở rộng cho các khoản vay kinh doanh, cho phép nhiều công ty khởi nghiệp phát triển. Bằng cách này, đơn vị cho vay có thể giảm rủi ro với cộng đồng khách hàng không đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ tài chính của ngân hàng.
Nền tảng tài chính và đạo đức ngành tín dụng
Ở Châu Phi, các tổ chức tài chính vi mô có thể dựa vào điểm tín dụng công dân trên kho siêu dữ liệu của điện thoại thông minh. Người cho vay có thể thu thập thông tin về lịch sử cuộc gọi và SMS, định vị địa lí, danh bạ và lịch sử duyệt web để phân tích một người.
Điều này dẫn đến lo ngại về mức độ bảo mật thông tin cũng như việc lạm quyền của các công ty fintech, đặc biệt trong bối cảnh thể chế quản lí mô hình mới này ở các nước đang phát triển còn lỏng lẻo.
Một số công ty fintech đang tiến xa hơn với giải pháp cho vay di động đầu cuối mới có thể tiếp cận công dân toàn cầu. Họ xây dựng những ứng dụng cho vay tích hợp công cụ quyết định, xả lí dữ liệu từ văn phòng tín dụng, hệ thống ngân hàng cốt lõi, ví điện tử, quét thông tin người dùng trong máy.
Bước này cho phép nhà cung cấp nắm được không chỉ khả năng, thói quen chi tiêu tài chính của một người mà còn hiểu về sở thích, quãng thời gian họ cần chi trả hóa đơn, mua sắm,... để tiếp thị hiệu quả nhất. Điều này đưa người dùng vào một cái bẫy vay nợ công nghệ tinh vi trong khi cho họ cảm giác được hỗ trợ.
Nói tóm lại, sự hợp nhất của nhiều nguồn dữ liệu khác nhau được xử lí thông qua ứng dụng dễ dàng vừa cho phép các tổ chức tín dụng mới đưa ra quyết định tốt hơn, tiếp thị hiệu quả hơn lại giảm được nhiều rủi ro hơn.
Quyền lực ấy đòi hỏi kỉ luật đạo đức ngành khắt khe hơn bao giờ hết để không biến những công ty fintech mới đi chệch hướng khỏi mục tiêu tốt đẹp ban đầu là hỗ trợ người nghèo.