Fintech có quá nhanh, ngân hàng truyền thống có quá chậm?
Sự đối đầu giữa các công ty fintech với các ngân hàng truyền thống
Dù mới thực sự bùng nổ chỉ trong vài năm trở lại đây nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công ty fintech đang tạo ra những lo ngại thực sự cho các ngân hàng truyền thống.
ROE các ngân hàng châu Á. (Nguồn số liệu: McKinsey)
Trong một báo cáo được công bố vào ngày 2/7, các nhà tư vấn của McKinsey cho biết tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng châu Á đã giảm xuống 10,1% trong năm ngoái từ mức 12,4% của năm 2010.
Tỉ lệ này có thể giảm xuống mức 6,4% vào năm 2023 nếu các ngân hàng số thế hệ mới có thể xây dựng nhanh chóng qui mô và chiếm lĩnh được các phân khúc thị trường từ những nhà cho vay truyền thống.
McKinsey cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng đã sụt giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều thị trường, sự gia tăng các khoản nợ xấu, sự tự mãn từ những nhà cho vay khi không cắt giảm chi phí nhiều như các đối thủ, và do sự xuất hiện của những ngân hàng số được điều hành bởi các công ty công nghệ.
Theo các nhà phân tích của McKinsey, các công ty công nghệ tài chính có thể mở rộng phạm vi kinh doanh, cho phép khách hàng gửi tiền, vay tiền và điều này sẽ càng làm xói mòn hơn nữa thị phần của các ngân hàng trong khu vực.
Với lợi thế không tốn chi phí quản lí, các ngân hàng số cũng đang ép chặt biên lợi nhuận của các ngân hàng truyền thống.
Trong tháng trước, 5 ngân hàng lớn nhất ở Hong Kong đã quyết định bỏ thu phí số dư tối thiểu (khách hàng trả phí nếu không đạt số dư tối thiểu trong tài khoản của họ), một động thái mà các nhà phân tích cho rằng nhằm ứng phó với cạnh tranh ngày càng tăng của đối thủ công nghệ khi 8 ngân hàng trực tuyến dự kiến sẽ khai trương dịch vụ cuối năm nay
"Các ngân hàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải cải cách triệt để và cắt giảm chi phí nếu không muốn phải bán mình khi các công ty công nghệ đang lấn sân sang hoạt động ngân hàng và làm thay đổi lĩnh vực này" các nhà phân tích McKinsey nhận định.
Sự đối đầu giữa các công ty fintech với các ngân hàng truyền thống (Ảnh: LPBResearch)
Tại Châu Âu, cuộc chiến giữa các ngân hàng truyền thống và các Neobank (tức ngân hàng số thế hệ mới, chỉ hoạt động qua mạng Internet dưới dạng ứng dụng, không có phòng giao dịch và không có chi nhánh) cũng ngày càng quyết liệt.
Với ưu thế không phải gánh chi phí khổng lồ trong việc duy trì mạng lưới chi nhánh, các Neobank đang tỏ rõ ưu thế trong việc tranh dành khách hàng với các ngân hàng truyền thống.
Theo kết quả nghiên cứu của Accenture và được Financial Times đăng tải, chỉ riêng tại châu Âu có tới 1.400 ngân hàng thế hệ mới (Neobank), khi các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và fintech mới đã không ngừng xuất hiện kể từ năm 2005.
Tính đến năm 2016, nhóm này đã tạo ra 58 tỉ euro doanh thu hàng năm, chiếm 6 - 7% tổng doanh thu toàn ngành.
Sức nóng thị trường càng gia tăng, khi các tập đoàn công nghệ lớn đang tích cực lấn sân sang các dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Mới nhất, tập đoàn thương mại điện tử Amazon đã triển khai cung cấp các dịch vụ thanh toán và các khoản vay cho những đối tác kinh doanh; trong khi Alibaba và Tencent đã chiếm lĩnh thị trường thanh toán 5.500 tỉ USD tại Trung Quốc.
Đặc biệt, với việc ra mắt đồng tiền kĩ thuật số Libra, Facebook đang tạo ra một cơn địa chấn đối với nền tài chính toàn cầu, cho thấy tham vọng của gã khổng lồ này trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Các ngân hàng Việt Nam có thể mất đi vị trí trong thế giới số
Tại Việt Nam, số lượng các công ty fintech trong nước tăng gấp đôi trong 2 năm qua lên gần 100 công ty (năm 2016 có 40 công ty) và trải rộng trên nhiều lĩnh vực.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cấp giấy phép hoạt động ngân hàng cho bất kì một công ty fintech nào tuy nhiên đã có 29 công ty fintech được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực thanh toán.
Trong hoạt động cho vay ngang hàng, theo điều tra của NHNN hiện có khoảng 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực này; còn theo điều tra của cơ quan công an thì hiện có khoảng 120 công ty, trong đó có cả các công ty cho vay ngang hàng của Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
Ảnh hưởng của fintech đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng là chưa rõ ràng, tuy nhiên trong lĩnh vực thanh toán, sự tham gia của các công ty fintech (thông qua các ví điện tử) đang làm thay đổi thị trường này.
Theo số liệu của NHNN, số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động là hơn 185 triệu giao dịch với giá trị khoảng 1,86 triệu tỉ đồng, tăng tương ứng 41% và 169% so với năm 2017.
Tính đến 31/12/2018, cả nước có 4,24 triệu ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng. Giao dịch qua ví điện tử đạt 60 triệu đồng/ví/năm với giá trị bình quân đạt 200.000 đồng/giao dịch. Theo dự báo của NHNN, số người sử dụng ví điện tử tại Việt Nam đạt 10 triệu người vào năm 2020.
Trong một báo cáo mới được CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố, các chuyên gia tỏ ra e dè về fintech, cho rằng xu thế này có thể gây nên một số tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành ngân hàng.
Cụ thể, do đây là xu thế tất yếu, tốc độ phát triển rất nhanh, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng tham gia để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong khi trình độ công nghệ, vốn, nhân sự… đều còn rất hạn chế.
Các NHTM lớn mặc dù có đủ vốn đầu tư, song họ cũng phải cân nhắc khi đặt trong bài toán chi phí, lợi nhuận và những ưu tiên chiến lược trong năm 2019.
Cùng với đó là sự lo ngại phát sinh các vấn đề an ninh tài chính và bảo mật thông tin khách hàng. Việc thanh toán trực tuyến hay thanh toán qua di động sẽ thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng ít tiền mặt, thuận tiện hơn, tuy nhiên vấn đề bảo mật và an ninh được người dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là khi các vụ lừa đảo, mất tiền trong tài khoản ngân hàng… ngày càng gia tăng.
Chia sẻ tại hội nghị "Ngân hàng Việt Nam 2019 – Đột phá từ số hóa", Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Lê Anh Dũng nhận định: "(Trong tương lai) Ngân hàng có thể mất đi vị trí trong thế giới số nhưng ngành ngân hàng sẽ vẫn tồn tại và phát triển, tiến hóa theo cách khác.
Theo đó, các ngân hàng sẽ muốn trở thành các công ty fintech với giấy phép ngân hàng, đáp ứng cả xu hướng công nghệ cũng như phục vụ khách hàng với đầy đủ dịch vụ tài chính".
Còn theo Phó Tổng giám đốc Napas, trong 10 năm tới, ngân hàng khó có thể bị lấn sân ở những mảng chủ chốt, chẳng hạn như cho vay, nhưng có sự thay đổi ở mảng thanh toán.
Ngoài ra còn có sự phát triển của các nền tảng chia sẻ trực tiếp, là làn sóng thay đổi hành vi của người tiêu dùng, sẽ thay đổi hẳn bức tranh của ngân hàng 10 năm tới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/