Kẻ đường cho Fintech
Ảnh: TL
Công nghệ tài chính (fintech) đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Theo PricewaterhouseCoopers, các startup fintech đã thu hút hơn 40 tỉ USD trong 4 năm qua. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nhận được gần 15 tỉ USD đầu tư vào fintech trong năm 2018. Cơ hội trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam cũng ngày càng rõ nét.
7,8 tỉ USD đến gần?
Các chuyên gia đến từ Solidiance dự đoán, đến năm 2020, thị trường fintech Việt Nam sẽ đạt 7,8 tỉ USD. Hiện nay, theo thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam, có gần 150 doanh nghiệp fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán.
Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp fintech phát triển với quy mô dân số 96,2 triệu dân. Tỉ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu, chiếm 63% dân số có tài khoản ngân hàng và tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ tài chính.
Fintech cũng nằm trong chiến lược thúc đẩy việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính và phổ cập tài chính mà Chính phủ đã đề ra về thanh toán không dùng tiền mặt phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 70% tỉ lệ người dân được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Vì vậy, lĩnh vực này tại Việt Nam đang tạo ra sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. “Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư vào startup Việt Nam năm 2018” do Topica Founder Institute thực hiện, lĩnh vực fintech dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trong năm 2018 với 8 thương vụ, tổng giá trị 117 triệu USD.
Tính riêng tại Việt Nam, cuối năm 2017, đã có 4,4 tỉ USD rót vào lĩnh vực này và dự kiến tăng lên gấp đôi vào năm 2020.
Nhiều fintech tại Việt Nam đã thu hút được khoản đầu tư lớn như MoMo nhận vốn từ Warburg Pincus. Công ty Cổ phần VinID với 80% thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup mua lại nền tảng ví điện tử MonPay. Ngoài ra, hàng loạt thương vụ khác cũng đã được thực hiện như ví điện tử Moca hợp tác chiến lược với Grab.
TomoChain huy động được 8,5 triệu USD trong đợt huy động vốn bằng tiền thuật toán (ICO - Initial Coin Offering) vào năm 2018, Tima tuyên bố huy động được 3 triệu USD từ quỹ đầu tư ngoại Belt Road Capital Management; Finhay huy động được gần 1 triệu USD tài trợ từ các đối tác nước ngoài...
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và có ý định mua lại một số fintech tốt của Việt Nam bởi tiềm năng thị trường rất lớn”, ông Varun Mital, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đồng thời là Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore, nhận định.
Tìm cửa thoáng hơn
Mặc dù có nhiều tiềm năng và tăng trưởng nóng nhưng chính sách quản lý đối với lĩnh vực fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều quan ngại như fintech có thể bị lợi dụng cho các hoạt động không chính đáng, hoặc những lĩnh vực mới mẻ như quản lý tiền ảo, tiền mã hóa, tiền điện tử, tài sản ảo...
Cơ quan quản lý gần đây có những động thái nhằm siết chặt quản lý lĩnh vực fintech, trong đó đáng chú ý là một số dự thảo quy định pháp luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, hoặc hạn chế giá trị giao dịch và số tài khoản ví điện tử cũng như yêu cầu khai báo thông tin lại gây phiền hà cho người dùng...
Tại Tọa đàm “Chính sách quản lý Fintech” do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam và chuyên trang ICTNews tổ chức, ông Varun Mittal cho biết, nếu cơ quan quản lý giữ cách tiếp cận quá thận trọng, chỉ mở cửa từng bước, fintech Việt Nam sẽ rơi vào nhóm trung bình và không thể phát huy hết tiềm năng như kỳ vọng.
Chẳng hạn, việc dự kiến hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực fintech (dự kiến ở mức 30% hoặc 49%) cũng khiến các nhà đầu tư quan tâm, do hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài.
“Nếu muốn tạo điều kiện cho fintech Việt Nam trở thành doanh nghiệp khu vực, chúng ta phải giúp họ phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt, có thể mở rộng, không chỉ phục vụ Việt Nam mà còn trở thành người khổng lồ châu Á”, ông Varun Mittal nhấn mạnh.
Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, nhận định trong các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA, Việt Nam đều đưa ra cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính - ngân hàng với phạm vi cam kết rất rộng.
Vì vậy, các cơ quan xây dựng chính sách cần lưu ý để tránh vi phạm cam kết quốc tế của Việt Nam, dẫn đến hệ lụy không mong muốn như các vụ kiện đầu tư tại nước ngoài thời gian gần đây.
Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế, nhận định, Việt Nam đã có những chính sách khá thoáng trong việc mở cửa một số lĩnh vực tài chính, cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm.
Do đó, cũng không nên quá lo ngại về việc không kiểm soát được lĩnh vực fintech nếu đã có các cơ chế giám sát khác. “Đối với fintech, về cơ bản nếu chúng ta đã có cơ chế Sandbox, thì mặc dù có rủi ro, điều kiện có thể thay đổi nhưng tác động, hậu quả sẽ không quá lớn”, ông Thành cho biết.